Không chỉ là tòa nhà cao nhất khu vực châu Á, Burj Khalifa còn là tòa nhà cao nhất thế giới – nơi minh chứng cho một điều: Bầu trời không còn là giới hạn. Tòa nhà nằm ở thành phố Dubai, thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Buji Khalifa cao 2.715 feet, tương đương với 828 m, được khánh thành vào năm 2010. Burj Khalifa có 57 thang máy, 8 thang cuốn và 24.348 cửa sổ. Thiết kế ngoại thất của tòa nhà được sử dụng toàn bộ bằng kính, và có 36 nhân công thường xuyên lau bóng. Và để dọn dẹp toàn bộ ngoại thất của tòa nhà, các công nhân này sẽ mất khoảng 3 – 4 tháng.
Bên cạnh Buji Khalifa nắm giữ ngôi vương tòa nhà cao nhất thế giới, tại châu Á, công trình Tháp Thượng Hải (Shanghai Tower) còn nắm giữ danh hiệu nơi có thang máy nhanh nhất thế giới. Chiếc thang máy này chạy từ tầng 1 lên tầng 95 trong khoảng 42 giây, tốc độ tối đa ghi được là 1260m/phút, tương đương 21m/giây, đã được công nhận là kỷ lục Guinness thế giới.
Tòa nhà cao nhất Bắc Mỹ
Tòa nhà cao nhất Bắc Mỹ là One World Trade Center – Trung tâm thương mại Một Thế giới, cũng được biết đến với cái tên Freedom Tower (Tháp Tự Do) nằm ở Manhattan, New York, Mỹ. Tòa nhà này cao 1.776 feet, tương đương 541 m. Chiều cao tính bằng feet của tòa tháp này còn mang ý nghĩa tượng trưng cho năm Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ được thông qua – năm 1776.
One World Trade Center được lắp đặt 71 thang máy, tốc độ chạy của thang máy lên tới 615 m/phút, tương ứng với 37 km/h.
Tòa nhà cao nhất châu Âu
Điều đáng ngạc nhiên tại khu vực châu Âu chính là bạn có thể tìm thấy toàn bộ 5 tòa nhà cao nhất khu vực này tại Nga. Trong khi tòa nhà cao nhất châu Âu được đặt tại thành phố Saint Petersburg thì 4 tòa nhà thuộc Top 5 còn lại đều tập trung tại khu thương mại của thành phố Moscow.
Lakhta Center là tòa nhà cao nhất châu Âu với 87 tầng và được xây dựng vào năm 2019. Tòa nhà này cao 1.517 feet, tương đương với 462,5 m. Không chỉ là tòa nhà cao nhất ở châu Âu và Nga, đây còn là tòa nhà cao thứ 14 trên thế giới.
Để đảm bảo vận chuyển theo chiều dọc hiệu quả, Lakhta Center được trang bị hệ thống 34 thang máy với thời gian chờ không quá 25 giây. Tốc độ lên tới 8 m/giây, hệ thống thang máy đảm bảo khả năng di chuyển theo chiều dọc trơn tru và liền mạch.
Tòa nhà cao nhất châu Đại Dương
Không ngạc nhiên khi Top 5 tòa nhà cao nhất khu vực châu Đại Dương đều nằm tại Úc. Trong đó, tòa nhà cao nhất là Queensland Tower One, thường được gọi là Q1, nằm ở Gold Coast, Úc.
Tòa nhà có độ cao 1.058 feet, tương đương 323 m, được hoàn thiện xây dựng vào tháng 11/2005 và trở thành biểu tượng của bang Queensland nói chung và thành phố Gold Coast nói riêng. Cao ốc này được trang bị hệ thống thang máy tốc hành lên đài quan sát tại tầng 77 chỉ trong vòng 43 giây.
Tòa nhà cao nhất Nam Mỹ
Thông thường các tòa nhà cao tầng tại khu vực Nam Mỹ chủ yếu được tìm thấy ở Brazil, Argentina hay Venezuela. Tuy nhiên, đứng đầu danh sách Top 5 tòa nhà cao nhất Nam Mỹ lại là Gran Torre Santiago – một khu phức hợp văn phòng và trung tâm thương mại tại Santiago, Chile.
Tòa nhà này cao 984 feet, khoảng 300 m và là tòa nhà cao thứ tư ở Nam Bán cầu. Tòa nhà có một đài quan sát tên là Sky Costanera, đây là đài quan sát cao nhất ở khu vực châu Mỹ Latinh.
Tòa nhà gồm 64 tầng và được lắp đặt hệ thống 24 thang máy. Trong đó, có 19 thang máy sử dụng công nghệ “hai tầng” – bao gồm các cabin đôi hai tầng cho phép vận chuyển nhiều hành khách, phục vụ hai tầng cùng 1 lúc. Còn lại 2 thang máy đơn dùng để di chuyển khách lên các tầng trên cùng và 3 thang máy dùng làm thang chở hàng và phục vụ chữa cháy.
Tòa nhà cao nhất châu Phi
Đối với các quốc gia châu Phi, ngoài việc phá những kỷ lục về mặt kỹ thuật, những tòa nhà cao nhất tại nơi đây còn mang ý nghĩa nhiều hơn thế. Các tòa nhà chọc trời đóng vai trò là biểu tượng của quyền lực, động lực hướng tới sự hiện đại của lục địa này, và Iconic Tower là một trong số đó.
Iconic Tower là một trong 18 tòa nhà chọc trời được quy hoạch cho khu trung tâm thương mại của Thủ đô Hành chính mới của Ai Cập. Tòa tháp có tổng chiều cao kết cấu là 393,8 m, gồm 77 tầng.
Iconic Tower được khởi công vào tháng 5/2018. Đến tháng 8/2021, việc xây dựng tòa tháp này đã hoàn thành độ cao tối đa so với bản thiết kế, dự kiến trong năm 2024 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Theo thông tin từ Kone, đơn vị này sẽ cung cấp 56 thang máy và 4 thang cuốn cho tòa nhà này.
Những tòa nhà chọc trời trong tương lai
Tòa nhà cao nhất thế giới hiện tại là Burj Khalifa cao 828m và chỉ trong vài năm tới nhân loại sẽ lại ghi dấu ấn của mình bởi một tòa nhà chọc trời khác là Tháp Jeddah (Jeddah Tower) của Ả Rập Xê Út với chiều cao dự kiến khoảng hơn 1km.
Đài quan sát trên đỉnh tháp sẽ lập kỷ lục đài quan sát cao nhất thế giới, nằm ở độ cao 664m so với mặt đất. Tòa tháp dự kiến có hơn 167 tầng và được lắp đặt hệ thống 59 thang máy và 12 thang cuốn. Thang máy của tòa tháp sẽ có chiều cao kỷ lục dự kiến là 660m với vận tốc khoảng 20km/h. Như vậy, thang máy có thể đưa khách từ sảnh lên đến tầng 167 chỉ trong 66,5 giây.
Tháp Jeddah được khởi công xây dựng vào ngày 1/4/2013 và mất hơn một năm chỉ đề đặt móng cho công trình khổng lồ. Vào cuối năm 2017, công trình đã đạt độ cao 252m và có tầm nhìn ấn tượng bao quát vương quốc sa mạc. Nhưng vào tháng 1/2018, việc xây dựng toà tháp đã bị trì hoãn và chưa hoạt động trở lại kể từ đó.
Dù đang bị trì hoãn, nhưng một ngày nào đó, tòa tháp này có thể chiếm lấy ngôi vị đầu tiên mà Burj Khalifa nắm giữ.
Chúng ta chưa đi qua được 1/3 của thế kỷ XXI và có lẽ trong cuộc đua những tòa nhà chọc trời của nhân loại sẽ chẳng ai biết được: Chúng ta có thể đạt tới tầm cao nào trong thế kỷ này?