TCTM – Không chỉ là nơi có các tòa nhà cao nhất thế giới, Top thang máy nhanh nhất thế giới cũng đều quy tụ tại khu vực châu Á – nơi có các các đô thị với mật độ dân số cao như Thượng Hải, Seoul, Đài Bắc và Tokyo.

Top 5 thang máy nhanh nhất thế giới

Với sự hối hả và nhộn nhịp của Thượng Hải, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tháp Thượng Hải (Shanghai Tower) – tòa nhà cao nhất Trung Quốc, lần lượt dẫn đầu Top 5 về tốc độ thang máy cũng như giữ kỷ lục Guinness về thang máy cao nhất thế giới.

Thang máy tại Tháp Thượng Hải có tốc độ 20,5m/s, tương đương với 73,8km/h. Đồng thời, thang máy tại tòa tháp này còn nắm giữ đường chạy liên tục dài nhất thế giới với 578,5m trên 632m tổng chiều cao của tòa nhà. Với tốc độ này, hành khách có thể lên tầng 119 chỉ trong vòng 55 giây.

Tháp Thượng Hải
Trung tâm Tài chính CTF
Đài Bắc 101
Yokohama Landmark
Two International Finance Centre Hong Kong
Previous
Next

Á quân trong cuộc đua thang máy nhanh nhất thế giới là Trung tâm Tài chính CTF Quảng Châu (Trung Quốc) với tốc độ 20m/s, tương đương với 71km/h, hành khách có thể di chuyển 95 tầng chỉ trong vòng 45 giây.

Đứng thứ ba là tòa nhà Đài Bắc 101 với tốc độ thang máy đạt 16,83m/s. Lần lượt cũng nằm trong Top 5 danh sách này là Tháp Yokohama Landmark (Nhật Bản) với tốc độ 12,5m/s và Trung tâm Tài chính Thế giới Two International Finance Centre tại Hồng Kông với tốc độ 10,6m/s.

Top 5 đường chạy thang máy liên tục cao nhất thế giới

Như đã đề cập ở trên, nắm giữ vị trí Top 1 trong danh sách thang máy có đường chạy liên tục cao nhất thế giới chính là Tháp Thượng Hải (Shanghai Tower, Trung Quốc) với chiều cao 578,5m trên 632m tổng chiều cao của tòa nhà.

Đứng ở vị trí thứ hai là Trung tâm Tài chính Bình An với thang máy có độ cao 573,5m trên tổng 599m chiều cao toàn bộ tòa nhà. Ngoài ra, tòa nhà này cũng được trang bị hệ thống 80 thang máy, trong đó có 33 thang máy đôi với thiết kế vận tốc lên đến 10m/s.

Trung tâm Tài chính Bình An
Tháp Burj Khalifa
Tháp Lotte World
Previous
Next

Đứng thứ hai trong danh sách thang máy nhanh nhất thế giới và cũng nắm vị trí thứ ba trong danh sách thang máy cao nhất thế giới là Trung tâm Tài chính CTF Quảng Châu với chiều cao thang máy đạt 516,7m trên 530m tổng chiều cao của tòa nhà.

Lần lượt đứng vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách này là Tháp Burj Khalifa (Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Tháp Lotte World (Seoul, Hàn Quốc).

Dù là tòa nhà cao nhất thế giới, nhưng chiều cao thang máy của Tháp Buji Khalifa chỉ cao 504m trên tổng chiều cao 830m của tòa nhà, tức chỉ đạt khoảng 60% tổng chiều cao tháp.

Vị trí cuối cùng trong Top 5 đường chạy thang máy liên tục cao nhất thế giới là Tháp Lotte World. Tòa tháp có tổng chiều cao là 555m, còn chiều cao thang máy đạt 469m. Với tốc độ thang máy 10m/s, hành khách mất khoảng 1 phút để di chuyển từ dưới lên tầng cao nhất của tòa tháp.

Bên trong cơ sở thử nghiệm thang máy cao tầng nước sâu tại Tytyri, Phần Lan của hãng KONE

Và thang máy đi lên thì cũng phải đi xuống, cơ sở thử nghiệm thang máy cao tầng nước sâu tại Tytyri, Phần Lan của hãng KONE là nơi có thang máy sâu nhất thế giới với độ sâu khoảng 350m.

Chiều sâu của hố thang cho phép thực hiện các cuộc kiểm tra thang máy với vận tốc lên đến 70 km/h, hoặc khoảng 19 m/s tại điều kiện gia tốc thông thường. Tại các cuộc kiểm tra rơi tự do, tốc độ có thể đạt tới tới 90 km/h, tương đương 26 m/s.

Cơ sở thử nghiệm thang máy này có tổng cộng 11 hố thang máy với tổng chiều dài là 1,6 km, bao gồm 7 hố thang được thiết kế cho các cuộc kiểm tra cao tầng và siêu cao tầng, 4 hố thang cho các cuộc kiểm tra vừa và thấp tầng.

Nội dung: Phương Trang

Thiết kế: Kim San