TCTM – Không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, thang máy còn là một biểu tượng cho trí tuệ và sức sáng tạo không giới hạn của con người. Hãy cùng Tạp chí Thang máy khám phá Top 5 thang máy ấn tượng nhất thế giới.
Bạn nghĩ rằng một chiếc thang máy lớn nhất thế giới có thể vận chuyển bao nhiêu người cùng một lúc? – 235 người chính là số người tối đa mà chiếc thang máy chở khách lớn nhất thế giới có thể vận chuyển.
Với kích thước rộng gần 26 m2, tương đương với một căn hộ studio, chiếc thang máy chở khách lớn nhất thế giới này được lắp đặt tại Trung tâm Jio World Centre (Mumbai, Ấn Độ). Thang máy có tải trọng 16 tấn với 5 điểm dừng, sử dụng đến 18 bánh xe truyền động và 9 sợi cáp thang máy.
Chiếc thang máy này được lắp đặt để chuyên phục vụ cho các buổi tiệc, sự kiện đông người như đám cưới, hội nghị hoặc triển lãm,… Cửa thang máy được thiết kế theo kiểu cửa lùa 4 tấm bằng kính trong suốt. Cabin thang máy gồm 1 mặt kính hướng tầm nhìn toàn cảnh ra phía bên ngoài Trung tâm Jio World Centre.
Điểm nhấn của nội thất thang máy chính là chiếc đèn trần đính pha lê được trang trí công phu lấy cảm hứng từ hoa sen, mang đến một không gian sang trọng và tinh tế.
Oasis Of The Seas là một trong những con tàu du lịch lớn nhất thế giới được ra mắt vào năm 2009. Con tàu này nặng hơn 225.000 tấn, gần gấp 5 lần so với Titanic – con tàu huyền thoại của thế kỷ 20. Với kích thước khổng lồ của mình, Oasis Of The Seas có thể chứa 5.400 hành khách và gần 2.400 nhân viên phục vụ.
Và cũng trên tàu Oasis Of The Seas, bạn sẽ có được một trải nghiệm đầy thú vị với chiếc thang máy “Rising Tide” – sự kết hợp độc đáo giữa thang máy và quầy bar. Đây cũng chính là chiếc thang máy đầu tiên trên thế giới chứa quầy bar đồ uống với đầy đủ các chức năng từ khu vực pha chế tới chỗ ngồi cho 35 hành khách.
Chiếc thang máy này di chuyển hành trình 2 tầng trong khoảng 8 phút, nối liền hai khu vực trung tâm của tàu là Centrel Park và Royal Promenade.
Paternoster là tên gọi của một loại thang máy bao gồm một chuỗi các khoang mở được di chuyển lên và xuống liên tục qua trục thẳng đứng của một tòa nhà theo một vòng lặp không có hồi kết.
Điều đặc biệt là thang máy này không bao giờ dừng lại, trừ khi có xảy ra sự cố kỹ thuật, khiến hệ thống bị ngưng trệ. Hành khách bước vào các khoang di chuyển theo hướng họ muốn, sau đó bước ra khi thang máy đến tầng muốn đến. Loại thang này từng rất phổ biến nhưng ngày càng ít được sử dụng do vấn đề an toàn.
Chiếc thang máy Paternoster lớn nhất thế giới được đặt trong Arts Tower cao 78m tại Đại học Sheffield, Vương Quốc Anh. Hệ thống thang máy Paternoster tại đây bao gồm 38 buồng thang chạy liên tục, phục vụ 19 tầng từ tầng trệt đến tầng 18 và di chuyển theo vòng lặp không dừng.
Mỗi buồng thang có sức chứa là hai người, có thể chở 78 người cùng lúc. Mỗi hành trình giữa hai tầng mất khoảng 13 giây, mang lại trải nghiệm di chuyển độc đáo và mới lạ. Khác với nhiều thang máy Paternoster khác trên thế giới phải dừng hoạt động vì lý do an toàn, hệ thống thang Paternoster tại Art Tower vẫn hoạt động từ năm 1966 cho đến ngày nay.
Mỏ vàng Mponeng của Công ty AngloGold Ashanti ở Nam Phi không chỉ là mỏ vàng sâu nhất và có quy mô lớn nhất thế giới, mà còn là nơi sở hữu hệ thống thang máy sâu nhất thế giới.
Chỉ trong vòng ba phút, thang máy sẽ đưa những công nhân tại đây xuống một độ sâu đáng kinh ngạc là 2.283 m. Độ sâu này gấp 4,5 lần so với hành trình thang máy tại tòa nhà cao nhất thế giới Buji Khalifa. Không dừng lại ở đó, chiếc thang máy thứ hai sẽ tiếp tục đưa các công nhân di chuyển xuống độ sâu 3.597 m.
Mỗi buổi sáng, hệ thống thang máy này sẽ vận chuyển khoảng 4.000 công nhân xuống khu vực hầm mỏ khai thác. Được thiết kế với lồng cabin 3 tầng, thang máy tại khu mỏ Mponeng có thể vận chuyển 120 công nhân mỗi lần di chuyển với tốc độ 40 dặm/giờ (khoảng 64,3 km/h).
Hệ thống thang máy này hoạt động lần đầu từ năm 1986. Đây quả thực là một công trình kỹ thuật đáng kinh ngạc, cho phép công nhân đến được những khu vực sâu nhất của hầm mỏ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Không phải tất cả các cơ sở thử nghiệm thang máy đều được xây dựng trên mặt đất, Phòng thử nghiệm thang máy cao tầng tại mỏ Tytyri ở Lohja, Phần Lan là phòng thử nghiệm thang máy sâu nhất thế giới với độ sâu khoảng 350 m. Độ sâu của Phòng thử nghiệm thang máy này thậm chí còn lớn hơn chiều cao của Tháp Eiffel.
Cơ sở thử nghiệm thang máy này được khánh thành vào năm 1997. Chiều sâu của hố thang cho phép thực hiện các cuộc kiểm tra thang máy với vận tốc lên đến 70 km/h, hoặc khoảng 19 m/s tại điều kiện gia tốc thông thường. Tại các cuộc kiểm tra rơi tự do, tốc độ có thể đạt tới tới 90 km/h, tương đương 26 m/s.
Cơ sở thử nghiệm thang máy có tổng cộng 11 hố thang máy với tổng chiều dài là 1,6 km, bao gồm 7 hố thang được thiết kế cho các cuộc kiểm tra cao tầng và siêu cao tầng, 4 hố thang cho các cuộc kiểm tra vừa và thấp tầng.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật