TCTM – Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, mặt hàng cáp động (traveling cable) dùng trong thang máy có bản chất là cáp điện, do đó sẽ được phân loại vào nhóm hàng hóa dây điện, cáp điện.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp thang máy đã có băn khoăn về việc áp mã HS code trong khái báo hải quan liên quan đến mặt hàng dây cáp tín hiệu động dùng trong thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã có công văn gửi Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể cho mặt hàng này.
Công văn Hiệp hội Thang máy Việt Nam gửi Tổng cục Hải Quan xin ý kiến hướng dẫn khai báo hải quan linh kiện thang máy đối với mặt hàng cáp động
Phúc đáp công văn từ VNEA, Tổng cục Hải quan đã lý giải:
“Theo nội dung tại điểm 3.60 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6396-20:2017 EN 81-20:2014 về thuật ngữ và định nghĩa thì “Cáp động “Traveling cable” là cáp điện mềm có nhiều lõi nối giữa cabin và một điểm cố định”.
Do đó, Tổng cục Hải quan kết luận mặt hàng cáp động dùng cho thang máy có bản chất là cáp điện. Việc phân loại danh mục hàng hóa trong xuất nhập khấu dựa trên kết luận này và các căn cứ:
– Căn cứ Danh mục hàng hóa, xuất nhập khẩu Việt Nam, cáp điện là hàng hóa được phân loại vào nhóm 85.44 “Dây điện, cáp điện (kể cả cáp đồng trục) có cách điện (kể cả loại đã tráng men cách điện hoặc mạ lớp cách điện) và các vật dẫn có cách điện khác, đã hoặc chưa gắn với đầu nối; cáp sợi quang, làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi, có hoặc không gắn với dây dẫn điện hoặc gắn với đầu nối”.
– Đối chiếu với nội dung chú giải pháp lý 2 phần XVI về phân loại bộ phận của Danh mục hàng hóa, xuất nhập khẩu Việt Nam, trường hợp hàng hóa là máy móc, thiệt bị được sử dụng làm phụ tùng dùng cho thang máy (hàng hóa thuộc nhóm 84.28), nhưng đa được chi tiết tại nhóm 85.44 được phân loại vào nhóm đó trong mọi trường hợp. Vì vậy, mặt hàng cáp động traveling cable có bản chất là cáp điện thì phù hợp phân loại vào nhóm 85.44.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã kết luận rằng cáp động dành sử dụng cho thang máy vẫn thuộc phân loại về cáp điện, từ hướng dẫn nêu trên, dựa vào nội dung mô tả của nhóm 85.44 và đối chiếu với thực tế hàng hóa để xác định mã HS phù hợp.
Công văn phản hồi của Tổng cục Hải quan về việc phân loại cáp động (traveling cable) dùng cho thang máy
Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 7/2023, Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam đã bị Đoàn Thanh tra của Tổng cục Hải quan truy thu hơn 1,2 tỷ đồng bắt đầu từ việc hải quan cho rằng đơn vị đã áp sai mã HS, dẫn đến việc áp thuế chưa đúng.
Cụ thể, Đoàn thanh tra Hải quan cho rằng Cáp tín hiệu Công ty Thiên Nam nhập khẩu là một loại Cáp điện (tên chuyên ngành quốc tế là Traveling cable) không phải là loại Cáp tín hiệu thông thường nên Công ty khai báo mã số HS code 8544.49.49 (dây tín hiệu loại khác).
Theo Đoàn thanh tra, loài cáp này thuộc loại các loại Cáp điện này có điện áp nằm trong khoản từ 80-1000V, vỏ bọc cách điện bằng nhựa, không dùng cho viễn thông, cần khai báo theo mã số HS: 8544.49.41 (Cáp bọc cách điện bằng plastic).
Chi tiết: Tại sao thang máy Thiên Nam bị truy thu thuế nhập khẩu hơn 1,2 tỷ đồng?
Việc xác định chi tiết mã HS của một mặt hàng phải căn cứ vào tính chất, thành phần cấu tạo,… của hàng hóa thực tế nhập khẩu. Theo quy định hiện hành, căn cứ để áp mã HS vào hàng hóa thực tế nhập khẩu tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và kết quả giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan được xác định là cơ sở pháp lý để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu.
Do đó, các doanh nghiệp ngành thang máy cần cẩn trọng trong việc phân loại và khai báo mã số HS phù hợp, nếu có vướng mắc phân loại hàng hóa thì nên xin ý kiến hướng dẫn từ Tổng cục Hải quan.
Nguyên Minh
Thông tin mới cập nhật