TCTM – Tiếp cận từ một vấn đề kỹ thuật cụ thể là phương thức truyền dữ liệu CAN, TS Nguyễn Đức Hạnh – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy đã nêu ra xu hướng phát triển tất yếu của ngành thang máy nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung. Đó là xu hướng “mở” với đại chúng và “đóng” với ngách chuyên biệt.
Tại Hội thảo “Xu hướng phát triển bền vững ngành thang máy tương lai” trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Thang máy Vietnam Elevator Expo 2023, diễn ra vào ngày 7/12/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, tham luận “Từ phương thức truyền dữ liệu đến giải pháp phát triển ngành thang máy” của TS Nguyễn Đức Hạnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Vấn đề được trình bày trong tham luận này không chỉ tiếp cận một vấn đề kỹ thuật đang được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất thang máy mà còn khái quát một xu hướng phát triển tất yếu của ngành thang máy nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung. Đó là xu hướng “mở” với đại chúng và “đóng” với ngách cụ thể.
Vào giữa thập kỷ 80, các cụm điều khiển điện tử (ECU) trong ngành công nghiệp ô tô được liên kết tín hiệu với nhau qua các đường dây riêng. Việc liên kết trở nên phức tạp, chi phí lớn khi số lượng các cảm biến và ECU yêu cầu ngày càng tăng. Để giải quyết bài toán này, Công ty Robert Bosch GmbH của Đức đã bắt đầu phát triển giao thức CAN vào năm 1983 và được áp dụng đầu tiên vào xe BMW 850 vào năm 1986.
Với chi phí tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn so với cách liên kết truyền thông trước đó, CAN không chỉ trở thành một bước tiến lớn trong ngành công nghiệp ô tô mà còn được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác, trong đó có thang máy. Điều tạo ra sự khác biệt của CAN so với các giao thức trước đó chính là việc cho phép các thiết bị ECU giao tiếp nối tiếp với nhau chỉ thông qua 2 dây nối.
Mô tả về phương thức truyền thông CAN – Ảnh: Tham luận của TS Nguyễn Đức Hạnh
Mô tả về một đoạn mã dữ liệu trong phương thức truyền thông CAN – Ảnh: Tham luận của TS Nguyễn Đức Hạnh
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, từ phương thức truyền dữ liệu chuyên được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, phương thức CAN đã nhanh chóng được ứng dụng vào những ngành công nghiệp khác, trong đó có thang máy. Dựa trên phương thức truyền dữ liệu CAN, nhiều xu hướng phát triển giao thức truyền thông khác nhau đã được ra đời, trong đó có CANopen – giao thức truyền thông mở.
Ra đời vào năm 1994 tại Đức, Hiệp hội CANopen quy tụ những doanh nghiệp ứng dụng phương thức truyền thông CAN theo tiêu chuẩn của CANopen, đưa việc ứng dụng CAN phổ biến trong nhiều lĩnh vực như y tế, điều khiển máy bay, tàu biển, thang máy,…
Có thể hiểu đơn giản, khi phương thức truyền dữ liệu CAN tuân theo tiêu chuẩn của Hiệp hội CANopen thì được gọi là CANopen.
Các đặc điểm cơ bản của 2 xu hướng giao thức truyền dữ liệu CAN và CANopen – Ảnh: Tham luận của TS Nguyễn Đức Hạnh
Khi ứng dụng CAN, các doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất phải tự phát triển hệ ngôn ngữ, các quy tắc của riêng mình và gặp một số thách thức như không có công cụ kiểm tra sẵn có, không có khả năng tương thích với hệ dữ liệu ngoài dẫn đến hạn chế khả năng thay thế thiết bị, linh kiện.
Tuân theo tiêu chuẩn CANopen, các doanh nghiệp tìm được một “tập hợp” các đối tác và nhà cung ứng chung một “hệ ngôn ngữ”.
Giao thức CANopen đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như ô tô, máy báy, máy in, công nghiệp sản xuất, y tế, thang máy,…
Ứng dụng CANopen trong lĩnh vực thang máy tận dụng được ưu điểm vượt trội của phương thức truyền thông này là tín hiệu ngắn, tần suất truyền tín hiệu nhanh – Ảnh: Tham luận TS Nguyễn Đức Hạnh
“CANopen là một giao thức truyền dữ liệu mở – đại diện cho sự tiêu chuẩn hóa mà các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận. Song, các công nghệ ứng dụng do các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu lại mang đến tiềm năng phát triển, sáng tạo ra những sản phẩm siêu việt, những phát minh mới và tiên phong”, TS. Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ tại Hội thảo.
Mở rộng vấn đề từ phương thức truyền dữ liệu CAN và tiêu chuẩn CANopen, TS Nguyễn Đức Hạnh đã khái quát lên một xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp thang máy: hai nhánh phát triển song song và bền vững.
Đó là xu hướng “mở” với đại chúng và “đóng” với ngách chuyên biệt.
Cụ thể, theo TS Nguyễn Đức Hạnh, với thị trường thang máy lớn và tiềm năng trên toàn cầu hiện nay, việc tuân theo một tiêu chuẩn chung tương tự như CANopen là hướng ứng dụng có lợi cho tất cả các đối tượng trong thị trường thang máy.
– Đối với xã hội: Giảm chi phí sản xuất, giảm tổng lãng phí xã hội
– Đối với người tiêu dùng: Được dùng sản phẩm rẻ, mua dễ dàng, tiện lợi
– Đối với doanh nghiệp: Có mối liên kết chặt chẽ với nhau thành hệ sinh thái bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà xu hưởng mở này mang lại, TS Nguyễn Đức Hạnh cũng nêu ra các thách thức khi tất cả các doanh nghiệp đều tuân theo tiêu chuẩn chung mà không đầu tư nghiên cứu, phát triển mới.
Bảng phân tích cơ hội – thách thức khi ứng dụng CANopen trong lĩnh vực thang máy – Ảnh: Tham luận của TS Nguyễn Đức Hạnh
Chính từ những phân tích thấu đáo này, TS Nguyễn Đức Hạnh đã khái quát lên hai xu hướng phát triển song song và bền vững của ngành thang máy nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung.
– Xu hướng “mở”: Các công nghệ, ứng dụng phổ biến sẽ theo xu hướng tiêu chuẩn chung nhằm phục vụ nhu cầu thông thường của xã hội, mang đến lợi ích cho số đông. Đây là xu hướng dành cho các doanh nghiệp tầm trung, quy mô vừa và nhỏ hướng đến tệp khách hàng phổ thông.
– Xu hướng “đóng”: Các công nghệ có điều kiện khắt khe, các ứng dụng siêu việt như thang máy cho nhà siêu cao tầng, thang máy siêu cao tốc, có thiết kế/công nghệ truyền động đặc biệt,… Đây là xu hướng dành cho nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, tiên phong trong ngành thang máy, kỳ vọng sẽ đưa ra những phát minh mới, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Hai xu hướng phát triển song song định hình cho ngành thang máy tương lai – Ảnh: Tham luận của TS Nguyễn Đức Hạnh
Đọc thêm:
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật