Quy định về An toàn PCCC yêu cầu đối với công trình phải trang bị thang máy cứu hỏa (thang máy chữa cháy) và các phương tiện cứu nạn. Trong mỗi khoang cháy của các tòa nhà có chiều cao >28m bố trí thang máy đáp ứng yêu cầu để vận chuyển lực lượng và phương tiện chữa cháy (theo quy định tại mục 5.14 QCVN 06:2010/BXD).
Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6396-72:2010 (EN 81-72:2003) về yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy (Áp dụng riêng cho thang máy chở người và thang máy chở người và hàng), các mối nguy hiểm có thể xảy ra đe dọa an toàn của thang máy đó là:
– Ngọn lửa/nhiệt/khí nóng có thể lan rộng vào trong giếng thang/buồng máy.
– Thiết bị thang máy bị phơi ra hoặc bị cản trở.
– Thang máy không sử dụng được nữa đối với lính chữa cháy.
– Sự mắc kẹt trên hành lang phòng cháy do hư hỏng thang máy.
– Sự sụp đổ của kết cấu trước khi lính chữa cháy giải quyết xong công việc với thang máy.
– Không có đủ thang máy chữa cháy hoặc thang máy chữa cháy không được bố trí đúng để lính chữa cháy di chuyển trong tòa nhà.
– Hư hỏng hoặc trục trặc của bộ điều khiển.
– Kết cấu, vị trí hoặc sự nhận dạng các cơ cấu điều khiển bằng tay không thỏa đáng.
– Hư hỏng của nguồn điện cung cấp,…
Những sự cố này nhẹ thì ảnh hưởng đến việc di chuyển của mọi người và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, cơ sở vật chất và chất lượng công trình. Chính vì vậy, trong mỗi tòa nhà nhất thiết phải chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy thang máy. Theo quy định của nhà nước, việc trang bị thang máy cứu hỏa là điều bắt buộc với một số tòa nhà để đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện đưa vào vận hành. Cụ thể, theo Thông tư 21/2019/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư của Bộ Xây dựng: “Đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 50m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo TCVN 6396-72:2010 và TCVN 6396-73:2010”.
Thông thường, thang máy cứu hỏa được bố trí trong giếng thang có một hành lang cháy đối diện với mỗi cửa tầng. Nếu có các thang máy khác trong cùng một giếng thang thì toàn bộ giếng thang chung phải đáp ứng các yêu cầu về sức chịu lửa của các hố giếng thang. Mức độ của sức chịu lửa này cũng phải áp dụng cho các cửa của hành lang phòng cháy và phòng máy.
Khi không có tường chịu lửa trung gian để ngăn cách thang máy chữa cháy với các thang máy khác trong một giếng thang chung thì tất cả các thang máy và thiết bị điện của chúng phải có cùng một sự phòng cháy như thang máy chữa cháy để bảo đảm sự vận hành đúng của thang.
Các cáp điện của các nguồn cung cấp điện chính và phụ của thang máy chữa cháy phải được phòng cháy và được cách ly với nhau và với các nguồn cung cấp điện khác.
Hệ thống điện cung cấp cho thang máy và chiếu sáng phải gồm có các nguồn điện cung cấp chính và phụ (khẩn cấp, dự phòng, luân phiên). Nguồn điện cung cấp phụ phải đủ để chạy thang máy cứu hỏa ở tải trọng định mức cũng như yêu cầu về thời gian hoạt động của thang máy.
Kích thước của thang máy chữa cháy phải được ưu tiên lựa chọn từ TCVN 7628-1 (ISO 4190-1). Trong bất cứ trường hợp nào, kích thước chiều rộng không được nhỏ hơn 1.100mm, kích thước chiều sâu không được nhỏ hơn 1.400mm và tải trọng định mức không được nhỏ hơn 630kg như đã quy định trong TCVN 7628-1 (ISO 4190-1).
Khi thang máy chữa cháy được sử dụng có tính đến sơ tán người khỏi đám cháy và có sử dụng băng ca hoặc giường hoặc được thiết kế như một thang máy chữa cháy có hai lối vào thì tải trọng danh định nhỏ nhất phải là 1.000kg và kích thước chiều rộng của cabin phải là 1.100mm và chiều sâu của cabin phải là 2.100mm như đã quy định trong TCVN 7628-1 (ISO 4190-1).
Ngoài các yêu cầu trong thiết kế của thang máy cứu hỏa thì còn cần sự đảm bảo về các yêu cầu đối với môi trường/tòa nhà, các yêu cầu về bảo vệ tránh nước đối với thiết bị điện để đảm bảo sự an toàn của người và của, hạn chế tối đa các thiệt hại về vật chất.
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật