Tiện ích cho người khuyết tật: Hãy mở lòng hơn nữa!

Các quy định về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật đã được luật hóa hay đưa vào các quy chuẩn quốc gia bắt buộc. Thế nhưng thực tế những quy định này đã được chấp hành như thế nào?

Những quy định nhân văn hay công bằng?

Ngày 13/12/2006, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật A/RES/61/106. Trong Công ước nêu rõ: “Để người khuyết tật có thể sống độc lập và tham gia trọn vẹn vào mọi khía cạnh cuộc sống, quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với những người khác đối ở tất cả các môi trường vật chất, giao thông…và các vật dụng và dịch vụ khác dành cho người dân, ở cả thành thị và nông thôn.”

Nội dung trên cũng đã được cụ thể hóa tại Điều 39 Luật người khuyết tật, Điều 79 Luật xây dựng, QCVN 10:2014 của Bộ Xây dựng. Trong đó đề cập rõ ràng việc thiết kế, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phải đảm bảo đủ điều kiện, trong đó có các quy định về thang máy để người khuyết tật tiếp cận được một cách thuận lợi.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt thiết kế, tiến hành việc xây dựng, nghiệm thu xây dựng công trình mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội.

Hạ tầng kỹ thuật các công trình buộc phải tuân thủ Luật và các Quy chuẩn để người khuyết tật dễ dàng sử dụng

Các biện pháp này, trong đó có phát hiện và loại bỏ những cản trở và chướng ngại đối với sự tiếp cận, sẽ áp dụng trước hết đối với các tòa nhà, đường sá, giao thông và các công trình, cơ sở vật chất trong nhà và bên ngoài khác, trong đó có trường học, nhà ở, cơ sở y tế và nơi làm việc, trong đó có quy định về thang máy… 

Các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định trong hoạt động xây dựng, đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng trên địa bàn.

Nhưng vẫn là chưa đủ…

Thống kê cho thấy, hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên – khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. 13% dân số – gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. 

Cho đến nay, khả năng tiếp cận sử dụng của người khuyết tật tại các công trình công cộng vẫn rất hạn chế. Như rạp chiếu phim chỉ có lối đi bậc thang, xe buýt chưa có giá nâng, hình ảnh lối chỉ dẫn cho người khiếm thị dẫn thẳng vào gốc cây, cột điện cũng không phải hiếm gặp. Hay rất nhiều thang máy không có các tiện ích hỗ trợ người khuyết tật như gương, tay vịn, hệ thống âm thanh thông báo tầng, chữ nổi Braille…

Thang máy chung cư xây từ năm 2010 (Hà Nội) không có gương, nút gọi tầng không có chữ nổi Braille, không báo tầng bằng âm thanh…

Thực tế, các dự án đều đua nhau đầu tư hàng chục đến hàng trăm tiện ích cho dự án của mình nhằm lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng mà không ít dự án “coi nhẹ” chính là các tiện ích cho người khuyết tật, trong đó có thang máy. Đó là thời gian đóng mở cửa cabin dài hơn, trong thang máy phải bố trí tay vịn, độ cao bảng điều khiển trong buồng thang máy, trên các nút điều khiển phải có các ký tự với màu sắc tương phản hoặc tín hiệu cảm nhận được và hệ thống chữ nổi Braille…

Tại Mỹ, ADA là Đạo luật Người khuyết tật đã có từ 30 năm trước. Một số quy định của ADA về thang máy để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận trong không gian công cộng rất cụ thể. Chẳng hạn, các cửa thang phải mở hoàn toàn trong ít nhất ba giây; các nút gọi có đường kính tối thiểu là 0,75inch; cabin phải sâu ít nhất 51inch và rộng ít nhất 68inch; chữ nổi phải ở dưới hoặc bên cạnh số sàn trên bảng điều khiển; phải sử dụng thông báo tự động bằng lời nói về việc dừng hoặc tín hiệu âm thanh không lời của các tầng đã qua và các điểm dừng,…

Thế nhưng, một trong những dự án nổi tiếng nhất ở Mỹ – Hudson Yards, ở New York – là trung tâm khiếu nại ADA, lại không đáp ứng các yêu cầu trong bộ luật này. Thiết kế thang máy của tòa nhà từng đoạt giải nhất cuộc thi Dự án Thế giới Thang máy 2020 nhưng nó quá phức tạp, không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu của ADA để đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận. Hậu quả là ban quản lý dự án buộc phải đưa ra hướng giải quyết lắp đặt thêm một hoặc hai thang máy kết hợp với một số biện pháp khác. Nói thế để thấy, tình trạng các nhà đầu tư “quên” mất phần dành cho người khuyết tật không phải là cá biệt.

Hãy “mở lòng” hơn nữa

Về “lý” thì dưới góc độ luật pháp, các quy định cụ thể dành cho người khuyết tật khá đầy đủ. Về tình, người khuyết tật xứng đáng được nhận sự quan tâm lớn hơn, rộng hơn trong mọi lĩnh vực vì họ là những người thiệt thòi, cần được bảo vệ và hỗ trợ. 

Xe bus không có bậc lên chuyên dụng cho người khuyết tật

Chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng chia sẻ rằng các quy định trong Luật xây dựng, Luật người khuyết tật, liên quan tới người khuyết tật qua thời gian thi hành đã có những điểm không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tế.

Trong đó, quy định về thang máy đáp ứng phục vụ cho người khuyết tật đã được thực hiện nghiêm túc trong các công trình xây mới. Tuy nhiên, đối với các công trình đã được xây dựng trước khi các quy định hỗ trợ người khuyết tật ra đời lại chưa có nhiều cải tạo để đáp ứng. Việc giám sát thực hiện quy chuẩn xây dựng, trong đó có các quy định về quyền tiếp cận của người khuyết tật chưa được coi trọng.

Khảo sát về mức độ tiếp cận dành cho người khuyết tật tại nhiều công trình công cộng lớn tại Hà Nội đã chỉ ra thực trạng: Mới chỉ tiếp cận được một phần! Tình trạng phổ biến là các công trình công cộng, nhà chung cư được xây dựng từ lâu không có thang máy đã khiến khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật là bằng không. Những công trình có thang máy thì không đáp ứng các yêu cầu về tiện ích đặc thù đối với người khuyết tật, như việc thang máy bắt đầu di chuyển từ tầng 2 thay vì tầng trệt là một ví dụ không hiếm gặp. Hay phím gọi tầng thang máy không có ký tự chữ nổi Braille hoặc thông báo tầng bằng âm thanh…Những rào cản đối với việc tiếp cận các công trình công cộng là một trong những nguyên nhân cơ bản ngăn cản người khuyết tật hòa nhập và phát triển trong cộng đồng xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này

Về cơ bản, đó là việc chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ đối với công trình và trách nhiệm đối với xã hội. Nó không đơn thuần là yếu tố chủ quan đến từ phía chủ đầu tư mà rộng lớn hơn đó là nhận thức của xã hội về người khuyết tật còn những hạn chế nhất định. Một khi nhận thức đủ lớn, dư luận xã hội sẽ đặt ra những “áp lực” buộc chủ đầu tư các công trình công cộng phải “tự giác” thực hiện những quy định hỗ trợ cho người khuyết tật.

Chúng ta cũng hoàn toàn thông cảm khi số lượng các công trình cần phải cải tạo theo các quy định hỗ trợ người khuyết tật là rất lớn trong khi mức độ đầu tư có hạn. Nhưng cũng cần tích cực hơn đẩy mạnh việc giám sát của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra xây dựng. Song song với đó, văn bản pháp luật cũng cần điều chỉnh để nâng cao các mức xử phạt nhằm răn đe, dần tạo ra những “thói quen” tuân thủ pháp luật trong hỗ trợ người khuyết tật.

Bản thân người khuyết tật đã luôn cảm thấy tự ti, làm phiền đến nhiều người khác nên họ luôn muốn tự chủ vươn lên mà không phải nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng các công trình công cộng nhất là đối với người khuyết tật là vô cùng cần thiết. Người khuyết tật không cần được giúp đỡ, người khuyết tật cần một môi trường thuận lợi để họ sinh sống như tất cả mọi người. Thay vì giúp đỡ hay thương hại, điều xã hội cần làm là xây dựng một môi trường thuận lợi để người khuyết tật sinh sống, phát triển như tất cả mọi người.

Chúng ta không phải “làm ơn” cho người khuyết tật mà đang kiến tạo, xây dựng một xã hội nhân văn, văn minh cho chính chúng ta.

Lê Hùng