TCTM – Fay Nugent, một nhà nghiên cứu ở Anh, 52 tuổi, cho biết cô đã vượt qua nỗi sợ độ cao nhờ liệu pháp tiếp xúc dựa trên thực tế ảo.
Chứng sợ thang cuốn của Fay Nugent đã trở nên nghiêm trọng đến mức cản trở cuộc sống hằng ngày của cô.
Nỗi ám ảnh với thang cuốn này bắt đầu từ nỗi sợ độ cao. Nhớ lại khi mới ngoài 30 tuổi và đang đi nghỉ cuối tuần với một số người bạn, cô ấy nói với đài CBC Radio’s Tapestry: “Chúng tôi quyết định thực hiện một số hoạt động phiêu lưu vào cuối tuần, bao gồm leo cột và sau đó đi bộ qua các sợi dây ở các độ cao khác nhau.”
Tuy nhiên, đến lúc đi qua sợi dây, Nugent đã không thể làm được. Cô cứng đờ người vì sợ hãi. Sau đó, bất cứ khi nào cô ấy ở trong một tình huống liên quan đến độ cao, cô ấy cảm thấy chóng mặt và “cảm giác lo lắng tột độ” bao trùm cơ thể.
Trong 20 năm tiếp theo, cô tránh độ cao hết mức có thể, đặc biệt là thang cuốn. Bước ngoặt của cô đến vào năm 2018 khi cô có mặt tại sân bay ở Hà Lan cùng một số đồng nghiệp.
“Chúng tôi phải đi thang cuốn để đưa hành lý xuống và làm thủ tục,” cô nói. Nugent phải đi theo họ nhưng cô đã vô cùng sợ hãi.
Không lâu sau, cô nghe thấy một quảng cáo trên đài từ Đại học Oxford. Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những người sợ độ cao để tham gia vào một thử nghiệm mới. Thử nghiệm liên quan đến việc sử dụng công nghệ thực tế ảo mới như một công cụ trị liệu.
Nugent cảm thấy đây chính là điều cô cần để trở về với cuộc sống thường ngày của mình.
Fay Nugent thách thức chứng sợ độ cao của mình trong một loạt tình huống ảo
Liệu pháp dựa trên thực tế ảo (VR – virtual reality) kết hợp các hình thức trị liệu khác, bao gồm nói chuyện, cho phép bệnh nhân đối mặt với nỗi sợ hãi của họ để từ đó có những sự đột phá. Nó được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu sau sang chấn, lo lắng và các chẩn đoán sức khỏe tâm thần khác.
Trong trường hợp của Nugent, một hình thức trị liệu tiếp xúc ảo đã cho cô được trải nghiệm những tình huống thử thách trong một môi trường được kiểm soát.
John Francis Leader, nhà tâm lý học và nhà khoa học nhận thức chuyên về tâm lý học và công nghệ tại Đại học College, Dublin, cho biết với chiếc kính thực tế ảo, bệnh nhân có thể tạm dừng trải nghiệm hoặc bước ra khỏi trải nghiệm đó nếu cảm thấy quá choáng ngợp.
Nhà nghiên cứu mô tả phương pháp này là “một loạt các liệu pháp đáp ứng chủ đề.” Anh ấy nói rằng liệu pháp VR vẫn là một lĩnh vực mới nổi và cốt lõi của nó là sự kết hợp giữa vật lý, ảo và tưởng tượng.
Các công ty, bao gồm cả Meta, chủ sở hữu của Facebook – công ty sản xuất chiếc kính thực tế ảo Quest 2 đã thúc đẩy công nghệ VR trong những năm gần đây
John Francis Leader cho biết, bản thân trí tưởng tượng là tác động rất mạnh mẽ và tự nó có thể dẫn đến lo lắng tột độ.
“Mọi người rất hay chuẩn bị tinh thần bằng cách diễn tập trong tưởng tượng. Và vấn đề là liệu họ đã có những trải nghiệm thực tế về thử thách hay chưa, họ đã tưởng tượng ra nó rất nhiều lần đến nỗi có cảm giác như họ đã có hàng nghìn trải nghiệm thử thách hay chưa.”
Một dự án thí điểm tại Trường Reddam House ở Berkshire (Anh) yêu cầu học sinh sử dụng chiếc kính thực tế ảo trong lớp học để học các môn học truyền thống theo một cách mới. Vuốt ve những chú voi ma mút lông mịn, nắm giữ các hành tinh trong tay và khám phá trái tim con người chỉ là một vài trong số những trải nghiệm mà học sinh có được trong quá trình học tập này.
Nhà nghiên cứu Stéphane Bouchard cho biết liệu pháp dựa trên VR được cho là có thể điều trị chứng ám ảnh bằng cách kích hoạt hạch hạnh nhân – một phần của não gây ra phản ứng sợ hãi – và gây ra phản ứng cảm xúc. Với sự hỗ trợ từ nhà trị liệu, bệnh nhân sau đó có thể phản ứng với trải nghiệm một cách hợp lý, giúp điều chỉnh lại nỗi ám ảnh.
Giáo sư trường Đại học Quebec (Canada) đã nghiên cứu về tâm lý học mạng cũng cho biết hầu hết các nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng VR trong các liệu trình trị liệu đều cho thấy có hiệu quả.
Trong thời gian Nugent điều trị, cô được đưa đến một trung tâm mua sắm ở Oxford và được yêu cầu đi xuống thang cuốn trong khi một nhà nghiên cứu quay phim cô. Cô không thể làm điều đó.
Sau đó, cô ấy được đeo một chiếc kính thực tế ảo và bước vào một thế giới mà cô ấy mô tả là “rất giống phim hoạt hình“. Cô cho biết cảm giác không thật chút nào nhưng những nhiệm vụ được giao trong không gian ảo này vẫn khiến cô cảm thấy sợ hãi.
Lúc đầu, các thử thách rất đơn giản, chẳng hạn như nghiêng người qua ban công, nhưng dần dần chúng trở nên khó khăn hơn và “đáng sợ hơn“, cô nói.
“Tôi đã phải làm những việc như giải cứu một con mèo khỏi cây hay đi bộ qua một tuyến đường sắt ọp ẹp.” – cô nói.
Nhiệm vụ cuối cùng mà Nugent miêu tả là đáng sợ nhất đó là khi cô ấy đứng trong trung tâm mua sắm ngập nước thì đột nhiên một con cá voi xuất hiện và cô ấy phải đứng trên mũi nó trong khi cá voi bơi vòng quanh.
Mặc dù đó là ảo và cô ấy biết mình đang ở trong văn phòng một cách an toàn, nhưng Nugent cho biết cô ấy đã trải qua những nỗi sợ hãi và phản ứng thể chất giống như trong cuộc sống thực.
“Tim tôi đập nhanh, tôi cảm thấy lo lắng đến toát mồ hôi“, cô nhớ lại. Cuối cùng, những cảm giác đó lắng xuống.
John Francis Leader cho biết trải nghiệm khó chịu này sẽ vô cùng hữu ích. “Khi ai đó bị rối loạn lo âu về điều gì đó, việc thường xuyên gặp gỡ hoặc tương tác với điều cụ thể đó là một phần rất quan trọng của quá trình trị liệu.”
Loại liệu pháp tiếp xúc này là phổ biến, nhưng VR đang cho phép các bác sĩ thực hiện theo một cách mới. Phương pháp này đặc biệt có ích khi việc thiết lập một kịch bản trong thực tế gặp khó khăn.
Nugent đứng trên cầu thang trong một chuyến đi bộ đường dài ở Anh. Việc mắc chứng sợ độ cao đã từng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cô.
Liệu pháp tiếp xúc cho người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội là một ví dụ. Việc giúp người đó tương tác với người khác sẽ rất hữu ích, nhưng vì họ lo lắng nên có thể khó thực hiện điều đó một cách tự nhiên.
Bouchard nói rằng bản thân thực tế ảo không có tác dụng chữa bệnh. Thay vào đó, VR có thể là một công cụ giúp nhà trị liệu kết hợp với liệu pháp truyền thống.
“Bạn có thể mua một hệ thống VR cho chứng sợ nhện hoặc chứng sợ bay. Nhưng chỉ mỗi hệ thống VR sẽ không có tác dụng chữa bệnh. Liệu pháp trị liệu phức tạp hơn rất nhiều và VR chỉ là một chi tiết trong toàn bộ câu chuyện. Khi công nghệ ngày càng phát triển hơn và con người trở nên thoải mái hơn với công nghệ, những hệ thống như vậy có thể hữu ích trong liệu pháp trị liệu từ xa, kết nối mọi người với nhau.”
Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo cũng có thể đem đến các lựa chọn tốt hơn cho liệu pháp tự trị liệu dựa trên VR. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì lựa chọn này giống như một cuốn sách self-help hơn.
Một số ví dụ thực tế việc áp dụng VR để điều trị chứng sợ độ cao – Nguồn: CGTN
Đối với Nugent, thực hành ảo đã giúp thiết lập lại nhận thức của cô ấy về rủi ro. Sau một buổi sáng thực hiện các nhiệm vụ trong môi trường VR, các nhà nghiên cứu tại Oxford đã đưa cô ấy trở lại trung tâm mua sắm và yêu cầu cô ấy đi xuống thang cuốn một lần nữa.
“Tôi cứ thế mà đi, không cần đến suy nghĩ thứ hai. Cảm xúc hay những lo lắng của tôi trong sáng nay đã hoàn toàn biến mất” – Nugent ngạc nhiên trước phản ứng mới của cô ấy với độ cao.
Dù điều này không loại bỏ hoàn toàn chứng sợ độ cao của cô ấy nhưng Nugent nói rằng tác động của liệu pháp VR đối với cuộc sống của cô ấy là rất lớn.
Ở tuổi 51, cô tham gia buổi học trượt tuyết đầu tiên. Đây là điều mà trước đây cô không dám nghĩ tới.
“Tôi có thể đi mua sắm cùng con gái mà không phải lo lắng về việc đi thang cuốn nữa rồi.”
Hà My
Theo CBC
Thông tin mới cập nhật