“Thổi hồn” vào thang máy bởi tinh hoa nghệ thuật giấy washi
TCTM – Giữa lòng Tokyo hiện đại, khách sạn Andaz mang đến một trải nghiệm văn hóa đặc biệt: những chiếc thang máy được “thổi hồn” bởi nghệ thuật giấy washi truyền thống.
Tại khách sạn Andaz của Tập đoàn Hyatt sang trọng giữa lòng Tokyo, Nhật Bản, mỗi chuyến đi thang máy không chỉ đơn thuần là việc di chuyển giữa các tầng lầu, mà còn là hành trình của di sản văn hóa nghệ thuật. Những chiếc thang máy nơi đây được tô điểm bởi những tác phẩm nghệ thuật từ giấy washi tinh xảo do nghệ nhân Tetsuya Nagata nổi tiếng thực hiện. Tất cả đã biến không gian thang máy quen thuộc trở thành một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ.
Ngược thời gian trở về gần 1500 năm trước, vào những năm 610, kỹ thuật làm giấy bắt đầu du nhập vào Nhật Bản bởi các nhà sư Phật giáo, những người thường sử dụng giấy để viết kinh Phật. Loại giấy đầu tiên được làm ra có tên là washi – wa nghĩa là Nhật Bản và shi nghĩa là giấy.
Giấy washi được làm từ vật liệu chính là sợi của ba loại cây đặc hữu của đất nước Phù Tang, gồm cây Kozo, Mitsumata và Gampi. Những loại cây này được chọn lọc kỹ lưỡng và trồng theo cách truyền thống. Quá trình sản xuất không chỉ yêu cầu kỹ thuật chính xác cao mà còn đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại và không ít mồ hôi.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất giấy ngày càng phát triển trên thế giới, người Nhật Bản vẫn luôn tự hào về washi – loại giấy truyền thống thể hiện sự khéo léo, tinh tế của “đất nước mặt trời mọc”
Washi không chỉ đơn thuần là một loại giấy, mà còn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Nó được sử dụng trong ngành nghệ thuật truyền thống như tranh Phù thế ukiyo-e và gấp giấy origami hay để làm quạt giấy, làm ô che. Ngoài ra, washi cũng được sử dụng nhiều trong thiết kế nội thất hiện đại và trang trí cửa sổ.
Với mong muốn mang tới một không gian kiến trúc kết hợp giữa hiện đại và nghệ thuật, thủ công truyền thống, Tập đoàn Hyatt đã hợp tác với nghệ nhân giấy Tetsuya Nagata trong quá trình thiết kế khách sạn Andaz Tokyo.
Sinh ra và lớn lên tại Osaka, Tetsuya Nagata được xem là bậc thầy trong nghề làm giấy washi thủ công truyền thống. Không chỉ gìn giữ biểu tượng văn hóa độc đáo của xứ Phù Tang, nghệ nhân Nagata còn thổi một luồng sinh khí mới khi kết hợp giấy washi với nghệ thuật làm bánh ngọt wagashi truyền thống.
Nghệ nhân Tetsuya Nagata
Sau khi thu thập hơn 2.000 khuôn gỗ chạm khắc cổ làm bánh ngọt wagashi từ khắp Nhật Bản, bằng cách xếp từng lớp giấy washi vào các khuôn gỗ, nghệ nhân Nagata đã biến giấy thủ công thành những tác phẩm điêu khắc tinh tế, mang cả trong mình tinh thần và lịch sử của đất nước.
Những đàn cá tráp biển, hoa mẫu đơn, hoa cúc, hoa anh đào và nhiều biểu tượng tuyệt đẹp khác của Nhật Bản đều được Nagata khéo léo đưa vào các tác phẩm nghệ thuật của mình. Mỗi tác phẩm của ông đều là sự giao thoa giữa bản sắc địa phương, thiên nhiên và lịch sử.
“Tôi muốn lưu giữ những ký ức về vẻ đẹp và hồn cốt Nhật Bản đang dần bị thời gian phủ mờ. Vẻ đẹp ẩn chứa trong từng đường nét chạm khắc trên những khuôn gỗ luôn cuốn hút tôi. Mỗi khuôn gỗ là một chứng nhân cho lịch sử và tài hoa của bao thế hệ nghệ nhân”, ông Nagata chia sẻ.
Và khi kết hợp với Tập đoàn Hyatt, nghệ nhân Nagata đã khéo léo đưa nghệ thuật giấy washi cùng những biểu tượng may mắn như đàn cá tráp biển, rùa, những đoàn tàu hay hoa anh đào vào thiết kế nội thất thang máy.
Ánh sáng dịu nhẹ từ đèn LED tuyến tính càng làm nổi bật kết cấu độc đáo của những tác phẩm giấy washi, tạo nên một không gian vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa gần gũi vừa kỳ diệu. Mỗi chi tiết, mỗi hình ảnh đều là một phần của câu chuyện văn hóa Nhật Bản, được nghệ nhân Nagata thổi hồn vào từng tác phẩm.
Nagata đã tạo nên 5 tác phẩm nghệ thuật cho 5 thang máy tại Andaz Tokyo với 281 khuôn gỗ làm bánh wagashi. Mỗi một tác phẩm đều được Nagata đặt một tên gọi khác nhau gắn liền với từng câu chuyện thần thoại của Nhật Bản và ông cũng đặt tên cho bộ sưu tập của mình là “White Distilling Boxes”, ám chỉ những “hộp” thang máy lưu giữ di sản.
Những câu chuyện được Nagata thể hiện qua mỗi tác phẩm trở nên sống động mỗi khi khách bước vào thang máy. Khi cánh cửa thang máy khép lại, nhịp sống hối hả thường ngày và những bộn bề lo toan dường như tan biến, nhường chỗ cho một thời không riêng biệt – nơi tâm trí được tĩnh lặng để hòa mình vào tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Và đây đã trở thành một phần trải nghiệm mang tính biểu tượng của khách sạn Andaz Tokyo.
Từ bao đời nay, người Nhật luôn tin rằng các linh hồn ngự trị trong vạn vật, từ Yōkai (Yêu quái) với hình hài kỳ dị, những biểu tượng gần gũi hơn của tín ngưỡng Shinto (Thần đạo), Kami với niềm tin về thực thể thần thánh hiện diện trong tự nhiên như sông, núi, cây cối,…
Chính niềm tin này đã khiến người Nhật từ lâu đã xóa nhòa ranh giới giữa vật chất và tinh thần, giữa hình thức và công năng. Và thang máy cũng vậy, không chỉ là chiếc hộp di chuyển lên xuống mà trong đó – thang máy tại Andaz Tokyo – còn là hành trình di sản, mang hồn cốt của xứ Phù Tang.
Không chỉ giới hạn trong không gian thang máy, khách sạn Andaz Tokyo còn khéo léo lồng ghép câu chuyện dân gian Nhật Bản về những chú thỏ ngọc giã bánh mochi trên cung trăng vào không gian kiến trúc. Những bức tượng có tên “Rabbit on the moon” được đặt tại sảnh chờ thang máy lên tầng 52 như một lời mời gọi, dẫn lối các vị khách đến khu vực tầng thượng, nơi ánh trăng ôm trọn đường chân trời của thành phố Tokyo.
Washi là chủ đề xuyên suốt trong không gian kiến trúc của Andaz Tokyo. Nhóm thiết kế, dưới sự hợp tác giữa Công ty Kiến trúc Tony Chi (New York) và nhà thiết kế hàng đầu Nhật Bản Shinichiro Ogata, đã nỗ lực kiến tạo một không gian vừa mang đậm dấu ấn kiến trúc vách Shoji truyền thống, vừa toát lên vẻ đẹp đương đại, biểu tượng của thương hiệu Hyatt.
Sự giao thoa này không chỉ dừng lại ở chất liệu washi mà còn được thể hiện một cách ấn tượng tại sảnh chính qua tác phẩm tranh gỗ “Infinite Universe” – “Vũ trụ Vô tận” của nghệ nhân Shigemitsu Kotaka.
Sử dụng nghệ thuật làm mộc kumiko, nghệ nhân Kotaka đã ghép nối hàng ngàn mảnh gỗ một cách tỉ mỉ, tạo nên những hình khối hình học tinh xảo mà không cần đến đinh, ghim hay keo dính. Kumiko, một di sản thủ công Nhật Bản có từ thời Asuka, dựa trên nguyên tắc ghép mộng gỗ và rãnh âm dương được chế tác chính xác tuyệt đối.
“Infinite Universe” là tác phẩm kumiko đồ sộ nhất trong sự nghiệp của Kotaka, được tạo nên từ gỗ teak cổ thụ lấy từ núi Chokai, Akita, kết hợp với bàn tay của 6 nghệ nhân khác thực hiện trong suốt 10 tháng.
Những hình khối tượng trưng cho các vì sao, biểu thị cho tương lai rộng mở của Andaz Tokyo. Tác phẩm không chỉ là một tuyệt tác thủ công mà còn là biểu tượng cho sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, phản ánh niềm tin về sự liên kết vô tận của vạn vật trong vũ trụ.
Ý niệm này cũng hòa quyện một cách kỳ diệu với bối cảnh khu phố Toranomon, nơi tọa lạc của khách sạn Andaz Tokyo và cũng là nơi của những ngôi đền cổ kính hàng thế kỷ song hành cùng những tòa nhà chọc trời và các trung tâm thương mại hiện đại, tạo nên một giao lộ độc đáo của thời gian.