TCTM – Các doanh nghiệp đang thiếu và yếu về tầm nhìn vĩ mô do thiếu thông tin, thiếu nghiên cứu cụ thể các hiệp định. Bởi vậy, các cơ quan quản lý, các ngành, nhóm ngành, các địa phương… nên chủ động phân tích, mổ xẻ để khai thác hiệu quả.
Đó là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tại hội thảo Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với vấn đề lao động – việc làm, vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tổ chức ngày 23/11 tại Hà Nội.
Các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi tình hình thực hiện các cam kết lao động và mức độ tác động của Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến một số chỉ tiêu lao động – việc làm, bàn bạc các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế.
Các đại biểu đã được nghe báo cáo cập nhật về tình hình Việt Nam thực hiện các cam kết lao động trong EVFTA, bao gồm việc thực hiện các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập, việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Bộ luật Lao động 2019, vấn đề lao động trẻ em,…
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công thương cũng trình bày kết quả Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban và Diễn đàn chung về thương mại và phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA. Nội dung đáng chú ý trong đó là cách tiếp cận mới của EU khi nêu quan điểm: Tăng cường sự tham gia của bên thứ ba độc lập như DAG, tham gia sâu hơn, mở rộng phạm vi giám sát đối với toàn bộ Hiệp định thay vì chỉ Chương Thương mại và phát triển bền vững…
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ LĐ, TB&XH Hà Thị Minh Đức cho rằng, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cần phải có hiểu biết sâu hơn về lao động, việc làm để thấy được bức tranh tổng thể hiện nay; hiểu rõ các cam kết trong các Hiệp định để hoạch định chính sách, đón đầu các lợi ích của Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế rộng lớn và nhiều cạnh tranh, thách thức.
Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ LĐ,TB&XH: Cơ hội là biết tận dụng được những lợi thế trong thương mại tự do, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh tình trạng các doanh nghiệp thiếu, yếu về tầm nhìn vĩ mô, tổng thể do thiếu thông tin, thiếu nghiên cứu cụ thể các hiệp định. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nên chủ động phân tích, mổ xẻ các hiệp định, tìm ra cơ hội kịp thời và cụ thể cho các ngành, các địa phương để hành động nhanh chóng, khai thác hiệu quả, cũng như tránh các nguy cơ khi thực thi các hiệp định.
Chủ tịch VNEA Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh, phải phân tích, mổ xẻ cơ hội và các nguy cơ từ các hiệp định để định hướng cho từng ngành, từng nhóm ngành thì thực thi mới hiệu quả
Chủ tịch VNEA cũng nêu vấn đề nhập khẩu sẽ làm giảm cơ hội của việc làm trong nước. Nhưng nếu chúng ta nhìn rộng hơn thì có thể thấy những cơ hội khác. Như ngành thang máy của Việt Nam hiện chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng từ sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Như thế, chúng ta có mất việc làm không? VNEA thì lại nhìn ra cơ hội nếu đào tạo tốt, bài bản, có lộ trình tiệm cận trình độ quốc tế thì hoàn toàn có thể xuất khẩu nhân lực chất lượng cao. Thực tế thì Hiệp hội Thang máy Việt Nam đang thực hiện những việc này. Thời gian qua, VNEA đã phối hợp với Cơ quan An toàn thang máy Hàn Quốc (Korea Elevator Safety Agency – KoELSA), các trường cao đẳng nghề, các hiệp hội thang máy quốc tế để thống nhất chuẩn hóa chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy và có thể cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu vực. Điều này vừa tạo ra thu nhập, việc làm và tiếp thu kỹ thuật để phát triển./.
Thiện Hoàng
Thông tin mới cập nhật