TCTM – Với tăng trưởng kinh tế ổn định và sự phát triển của ngành bất động sản, nhu cầu sử dụng thang máy tại các tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng công cộng và khu đô thị hiện đại ngày càng lớn. Điều này tạo ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho thị trường thang máy Việt Nam.
Theo báo cáo của Research and Markets mới công bố, quy mô thị trường thang máy và thang cuốn Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,1% trong giai đoạn 2021 – 2027.
Đáng chú ý, cũng theo bộ phận nghiên cứu của đơn vị này, thị trường thang máy Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt tốc độ CAGR là 8,28% trong giai đoạn 2017 – 2027.
Thực tế, theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân và tổ chức có liên quan đến thang máy.
Đối với vốn đầu tư nước ngoài, các công ty thang máy quốc tế lớn như Otis, Schindler, Mitsubishi, Kone, Hitachi,… cũng đã rót vốn đầu tư vào hoạt động thương mại tại thị trường Việt Nam và đạt được những thành công nổi bật.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng tham gia vào hoạt động thương mại các dòng thang máy gia đình cao cấp, nổi bật như Gama Lift, hay các công ty cung cấp dịch vụ thang máy chuyên biệt như Gama Service. Ngoài ra, nhiều công ty cũng tham gia vào hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước như Thiên Nam, Hisa, Fuji Alpha,…
Vậy đâu là nền tảng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thang máy Việt Nam cũng như thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này?
Theo báo cáo World Economic Outlook của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 11/4 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đạt 8,02%, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, sau Malaysia với mức tăng trưởng 8,69%.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á năm 2022 và dự báo giai đoạn 2023 – 2027 (Biểu đồ: Phương Trang)
Xét về quy mô GDP năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trong khối ASEAN, đạt khoảng 406,5 tỷ USD. Theo IMF, quy mô GDP của Indonesia dẫn đầu trong khu vực, đạt khoảng 1.318,2 tỷ USD trong năm 2022, theo sau là Thái Lan, Singapore và Malaysia với quy mô GDP lần lượt là 536,2 tỷ USD, 466,8 tỷ USD và 407,9 tỷ USD.
Cũng theo dự báo mới nhất của IMF, trong 5 năm nữa, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 662,9 tỷ USD vào thời điểm năm 2027. Với mức tăng dự báo này, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.
Bất chấp những thách thức về dịch bệnh, xung đột trên thế giới trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn đạt được những thành quả tích cực.
Về tầm nhìn dài hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng ổn định. Đây cũng chính là nền tảng tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là ngành thang máy.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, ngành thang máy Việt còn được hưởng lợi nhờ vào quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Theo Bộ Xây dựng, sau 36 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Á. Tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41,7% với 888 đô thị vào thời điểm tháng 9/2022.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 cũng đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%.
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (Ảnh: Thanh niên)
Sự gia tăng nhanh chóng trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, bất động sản đã đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, đặc biệt là ngành thang máy.
Trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản trong nước gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản của thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn cũng như thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế nói chung cũng như lĩnh vực bất động sản, những chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành liên tiếp. Trong đó phải kể đến gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Nghị quyết số 33, Nghị định 08, NHNN giảm lãi suất điều hành hai lần,…
Mới đây nhất, vào ngày 03/04/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Theo đề án được phê duyệt, 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2030, trong đó năm 2025 hoàn thanh 428.000 căn. Tổng vốn dự kiến khoảng 849.000 tỷ đồng.
Bên cạnh lực đẩy từ sự gia tăng nhanh chóng của những tòa nhà cao tầng đang nối tiếp nhau mọc lên ở các thành phố lớn, các dự án trung tâm thương mại cao cấp cũng tạo nên dư địa phát triển lớn của ngành thang máy Việt.
Cụ thể, Tập đoàn Aeon hiện đang đẩy nhanh việc mở thêm các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển 15 trung tâm mua sắm, trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị.
Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân (Ảnh: Markettimes)
Trong quý I/2023, ngay sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch tổ chức lễ khởi công dự án AEON Mall Huế có tổng mức đầu tư tối thiểu 3.916 tỷ đồng, UBND TP Hà Nội cũng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch AEON Mall Hoàng Mai.
Ngoài AEON Mall, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Retail – chủ sở hữu chuỗi TTTM, siêu thị GO! cũng dự kiến chi gần 800 triệu USD để mở rộng quy mô gấp đôi tại Việt Nam, lên khoảng 740 địa điểm vào năm 2026.
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng không nằm ngoài cuộc đua này, với kế hoạch mở rộng thêm chuỗi Lotte Mart tại Việt Nam. Tổ hợp Lotte Mall Tây Hồ cũng đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023.
Ngoài ra, nhu cầu về các loại hình bất động sản khác như shophouse, khu biệt thự liền kề, căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng,… cũng đang ngày càng tăng cao và được rót vốn đầu tư.
Tại một hội thảo hồi tháng 9/2022, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho biết Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh, khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng.
Dựa vào dự báo đầy hứa hẹn trên cùng việc Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng, có thể thấy rõ dư địa phát triển của ngành thang máy Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như triển vọng trong tương lai là rất lớn.
Để kết nối doanh nghiệp thang máy và phụ trợ trong nước cũng như quốc tế, Vietnam Elevator Expo 2023 – triển lãm chuyên đề nổi bật về thang máy, thang cuốn, công nghệ & phụ kiện thuộc Vietnam Expo – sẽ chính thức diễn ra vào 07 – 09/12/2023 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC).
Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Hiệp hội Thang máy Việt Nam) và Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại VINEXAD (Bộ Công thương) đồng tổ chức.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp phụ trợ trong nước kết nối được với các bạn hàng nước ngoài trong việc cung ứng phụ tùng, linh kiện thang máy. Các doanh nghiệp sản xuất thang máy tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tìm được các OEM tại Việt Nam có lợi thế về khả năng linh hoạt và giá thành sản xuất cạnh tranh.
Để đăng ký, kết nối hoặc hợp tác tại Vietnam Elevator Expo 2023, các tổ chức, doanh nghiệp tham khảo thông tin chi tiết do Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Hiệp hội Thang máy Việt Nam công bố tại: Triển lãm quốc tế thang máy “Vietnam Elevator Expo 2023” hoặc liên hệ trực tiếp:
Bà Nguyễn Thị Tú Linh / Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA)
– Số điện thoại/Thư điện tử: +8497 9035 467 / contact@vnea.com.vn
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật