TCTM – Cách đây 30 năm, Hàn Quốc có cùng xuất phát điểm với Việt Nam về năng lực quản lý an toàn thang máy. Tuy nhiên cho đến nay, Hàn Quốc là quốc gia có công tác quản lý an toàn thang máy được đánh giá khá toàn diện. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước của Hàn Quốc trong lĩnh vực an toàn, chất lượng thang máy là rất phù hợp và có thể rút ngắn thời gian hoàn thiện năng lực quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thang máy tại Hàn Quốc được quản lý khá toàn diện trên cơ sở Luật Quản lý An toàn Thiết bị, Thang máy. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bảo trì thang máy phải đủ điều kiện và được Bộ chủ quản cấp phép để hoạt động. Công tác kiểm định an toàn, thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm do 01 cơ quan duy nhất là KoELSA thực hiện và quản lý. Về quy định, quy trình quản lý an toàn thang máy trong công tác kiểm định, thử nghiệm chứng nhận sản phẩm thang máy khá tương đồng với các quy định hiện hành của Việt Nam.
Thống kê nhân lực trong ngành thang máy, thang cuốn Hàn Quốc
KoELSA là cơ quan duy nhất của Hàn Quốc chuyên về quản lý an toàn thang máy (là tổ chức trực thuộc của Bộ Nội vụ và An toàn), được thành lập trên cơ sở sát nhập Viện An toàn thang máy Hàn Quốc (KESI) và Viện Công nghệ An toàn thang máy Hàn Quốc (KEST) vào ngày 1/7/2016 theo Đạo luật Quản lý an toàn thiết bị, thang máy. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm định an toàn thang máy và các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; quản lý dữ liệu về thang máy trên toàn quốc; nghiên cứu xây dựng, phát triển tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và công nghệ thang máy, thử nghiệm, chứng nhận an toàn cho sản phẩm thang máy và linh kiện; đào tạo chuyên gia, lao động kỹ thuật; tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn thang máy cho người vận hành… Cơ quan có 1.646 lao động, quản lý 796.361 thang máy đang vận hành, 280 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, 900 doanh nghiệp bảo trì, khoảng 25.000 lao động làm việc trong lĩnh vực thang máy và quy mô thị trường khoảng 28 tỷ USD.
Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) làm việc cùng KoELSA tại Hàn Quốc (Chủ tịch VNEA Nguyễn Hải Đức đứng thứ 4 từ phải sang)
Hiện nay, số lượng thang máy lắp đặt mới hằng năm tại Việt Nam vào khoảng 20.000 đến 25.000 thang. Cùng với sự phát triển, tình hình tai nạn và sự cố trong lắp đặt, bảo trì, vận hành thang máy có xu hướng gia tăng do người lao động trong lĩnh vực thang máy chưa được đào tạo an toàn lao động và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp; vấn đề đảm bảo chất lượng thang máy tại Việt Nam theo quy chuẩn cũng đặt ra một bài toán khó khi tại Việt Nam chưa có cơ sở thử nghiệm đủ năng lực để thử nghiệm an toàn thang máy và các linh kiện an toàn. Đây cũng là nhận định chung của Cục An toàn lao động và Hiệp hội Thang máy Việt Nam sau chuyến công tác mới đây tới Hàn Quốc.
Tại các địa điểm làm việc, đoàn đã được giới thiệu, tham khảo, trao đổi các chính sách quản lý an toàn, chất lượng thang máy; quản lý an toàn sức khỏe lao động trong việc lắp đặt, vận hành, sử dụng, bảo trì, sửa chữa thang máy tại Hàn Quốc.
Đoàn cũng đã tham quan cơ sở thử nghiệm an toàn thang máy của KoELSA tại Geochang và trường Cao đẳng Thang máy Hàn Quốc… Tại cơ sở thử nghiệm an toàn thang máy, đoàn đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về quy trình thử ngiệm, chứng nhận thang máy và các bộ phận an toàn thang máy. Cơ sở vật chất thử nghiệm thang máy rất hiện đại và đầy đủ phục vụ quản lý nhà nước. Đoàn đã chứng kiến quy trình thử nghiệm va đập chịu lực đối với cửa thang máy, khả năng chịu lực của cáp tải, của thiết bị giảm chấn và số lần đóng mở của phanh an toàn… Được biết, hiện Việt Nam chưa có các phòng thử nghiệm thang máy quan trọng này.
Video thử nghiệm va chạm cửa tầng thang máy
Hai bên cũng thảo luận về chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề thang máy, đề xuất hoạt động hợp tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chương trình đào tạo về điều tra an toàn sự cố thang máy, thử nghiệm viên, kiểm định viên, kỹ thuật viên…
Hàn Quốc là quốc gia có nền văn hóa khá tương đồng với Việt Nam. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước của Hàn Quốc trong lĩnh vực an toàn, chất lượng thang máy là rất phù hợp và có thể rút ngắn thời gian hoàn thiện năng lực quản lý của Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, để thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về an toàn và chất lượng thang máy hiện nay tại Việt Nam, đặt ra những vấn đề mang tính “cách mạng” cần phải sớm có lộ trình.
Thứ nhất, cần nghiên cứu xây dựng phương án hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về An toàn vệ sinh lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng quản lý chặt chẽ các tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kiểm định, chứng nhận, thử nghiệm thang máy; các quy định cụ thể, rõ ràng để dễ áp dụng và thực hiện góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất thang máy tại Việt Nam; xây dựng các quy định làm cơ sở để chuyển đổi số trong quản lý an toàn thang máy và các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
Thứ hai, khảo sát nghiên cứu phương án nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có hoặc xây dựng phần mềm CSDL quản lý về thang máy tại Việt Nam, quản lý nhân sự ngành thang máy, thang cuốn.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đầu tư hệ thống thử nghiệm an toàn thang máy tại Việt Nam phục vụ quản lý nhà nước. Có cơ chế hợp tác với cơ quan an toàn thang máy Hàn Quốc trong nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên cho người lao động, kỹ thuật viên, kiểm định viên, thử nghiệm viên và chuyển giao chương trình đào tạo cho Việt Nam; thúc đẩy hợp tác chuyển giao hệ thống công nghệ thử nghiệm an toàn thang máy cho Việt Nam; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp phần mềm quản lý an toàn thang máy và các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật