TCTM – Giá là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quyết định của khách hàng. Bất cứ ai kinh doanh cũng hiểu một điều đơn giản rằng: nếu có lợi thế về giá thì khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần sẽ trở nên vô cùng dễ dàng.
Dễ nhận thấy phương thức cạnh tranh bằng giá mang lại lợi ích trực quan nhất cho khách hàng là tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, cuộc chiến giá rẻ có thực sự tốt cho bản thân doanh nghiệp hay thậm chí là khách hàng hay không thì lại là một câu chuyện dài cần phải suy nghĩ.
Còn nhớ thời điểm năm 2023, cuộc chiến giá rẻ được “ông lớn” Thế Giới Di Động khởi xướng nhằm giành giật thị phần với các nhà bán lẻ nhỏ hơn và gia tăng doanh thu. Hành động này được đưa ra trong bối cảnh người tiêu dùng “thắt hầu bao”, sức cầu tiêu dùng suy yếu, đặc biệt là đối với sản phẩm không thiết yếu.
Tập đoàn do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch đã liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi trong mảng điện thoại và laptop với quyết tâm “khiến các đối thủ cạnh tranh phải rên xiết”, bất chấp phải đánh đổi tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận gộp để tạo nên cuộc chiến.
Sau đó, FPT Shop – đối thủ chính của Thế Giới Di Động và những đối thủ nhỏ hơn như Di Động Việt, CellphoneS… cũng liên tục giảm giá sản phẩm để cạnh tranh.
“Đại chiến” giá rẻ giữa Thế Giới Di Động và FPT Shop.
Việc hàng loạt nhà bán lẻ đồng loạt hạ giá bán và so kè nhau từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm đã khiến thị trường bán lẻ điện tử, điện máy thiết lập một mặt bằng giá mới.
Song, việc mạnh tay cho chính sách cạnh tranh giá này khiến nhiều đơn vị phải hụt hơi, không thể tiếp tục giảm được nữa. Hai “ông lớn” là FPT Shop và Thế Giới Di Động cũng phải đối diện sự mất mát. Cả hai đều đều đã phải đóng hàng trăm cửa hàng trong năm 2023 nhằm cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục thực hiện các chiến lược khác mang tính dài hạn hơn.
Lợi nhuận ròng của Thế Giới Di Động (MWG) về mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vì chiến lược cạnh tranh giá bán. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán).
Còn FPT Retail – công ty mẹ của chuỗi FPT Shop phải ngậm ngùi báo lỗ hàng trăm tỷ trong năm 2023. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán).
Có thể thấy, trong cuộc chiến giá rẻ giữa các doanh nghiệp, bất kể ai là người chiến thắng, thì tất cả đều sẽ bị thương sau khi tham gia trận chiến. Trường hợp của Thế Giới Di Động hay FPT Shop cũng là bài học cho bất kỳ ngành nghề nào trên thị trường và ngành thang máy cũng không ngoại lệ.
Khi các bên kinh doanh đều chịu thiệt hại, liệu cuộc chiến giá trong ngành thang máy có thực sự mang lại lợi ích cho khách hàng?
Để đạt được mức giá cạnh tranh tối đa và đảm bảo yếu tố lợi nhuận, việc cắt xén các bộ phận, linh kiện hoặc thay bằng các thiết bị không đảm bảo chất lượng, độ tương thích, độ an toàn… nhằm giảm thiểu chi phí là điều “hết sức bình thường” của nhiều công ty thang máy trên thị trường.
Còn dịch vụ thì cắt bước, giảm thao tác, thậm chí quá trình bảo trì, bảo dưỡng chỉ còn mang tính chất hình thức. Kỹ thuật viên thì không đảm bảo năng lực do doanh nghiệp không có kinh phí đào tạo, chi trả lương…
Về phía nhân viên bán hàng, lợi dụng sự thiếu am hiểu về sản phẩm hay thậm chí là tham rẻ của nhiều khách hàng, người bán hàng có thể thuyết phục người mua bằng cách nói nhấn mạnh về sự chênh lệch về giá, và lấp lửng về các nguy cơ hoặc sự khác biệt về tính năng, công dụng.
Nhiều cư dân ở các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội sống trong sợ hãi vì liên tục xảy ra sự cố thang máy. (Trong ảnh: Khu Chung cư HH Linh Đàm)
Kết quả, khi người tiêu dùng tưởng rằng mình đã tiết kiệm được một khoản chi phí lớn bằng cách mua thang máy giá rẻ, thực tế là người tiêu dùng có thể phải chi nhiều hơn cho việc sửa chữa thường xuyên.
Thay vì “một lần trả hết” thì bị thay thế bằng gánh nặng tài chính kéo dài trong quá trình sử dụng, kèm theo là sự mất an toàn và phiền hà, khó chịu trong trải nghiệm dịch vụ, khiến người tiêu dùng rơi vào vòng luẩn quẩn: sửa chữa – hỏng hóc – sửa chữa lại.
Thang máy tại khu chung cư HH2C Linh Đàm bất ngờ chạy khi cửa chưa đóng hết, suýt kẹt trúng người đàn ông vào hồi tháng 8 (Ảnh cắt từ clip).
Rất nhiều sự cố thang máy đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng ở những khu chung cư, nhà cao tầng. Một trong những nguyên do chính là trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư lựa chọn sản phẩm theo kiểu chỉ cần đủ “giấy thông hành”, đến khi đưa vào vận hành rồi mới thấy chất lượng đáng báo động.
Ở phương diện khác, không phải người tiêu dùng nào cũng đi đến lựa chọn thang máy giá rẻ. Người dùng đang ngày càng thông thái hơn, và họ biết cách để nghiên cứu giá trị thực mà sản phẩm mang lại hơn là chỉ chú ý đến giá bán, nhất là những sản phẩm luôn đi kèm với tính an toàn như thang máy.
Một khảo sát của OneSignal chỉ ra rằng, chỉ cần tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng lên 5%, doanh nghiệp có thể nâng cao lợi nhuận từ 25% đến 95%.
Cuộc chiến giá rẻ trong ngành thang máy, xét cho cùng, có thể đem lại lợi ích tạm thời về chi phí ban đầu, nhưng đồng thời cũng đẩy cả doanh nghiệp và khách hàng vào những hệ lụy lâu dài.
Cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, chính sách dịch vụ tốt hơn so với đối thủ mới là điều giữ chân khách hàng cũ, kéo thêm khách hàng mới đến với sản phẩm. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng, giá trị cốt lõi của ngành này nằm ở sự an toàn và bền vững, chứ không phải là những con số thấp trên bảng báo giá.
Minh Hằng
Thông tin mới cập nhật