TCTM – Những mối nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng thang máy luôn khiến nhiều người mang theo cảm giác lo lắng, sợ hãi mỗi khi bước vào “chiếc hộp đi lên, đi xuống”, thế nhưng thực tế, chiếc hộp đó lại an toàn hơn chúng ta nghĩ.
Gần đây, có rất nhiều thông tin liên quan đến những vụ tai nạn thang máy, chẳng hạn như vụ việc 5 nhân viên khách sạn tại một khu nghỉ dưỡng ở Bali tử vong do thang máy nghiêng bị đứt cáp và lao xuống dốc; hay trường hợp bà N.T.P (53 tuổi, ở Đồng Tháp) bị gãy cột sống do thang máy tại một tòa nhà ở địa phương rơi tự do từ độ cao 4m,… và rất nhiều vụ việc khác.
Thang máy là phương tiện giao thông công cộng, những vụ tai nạn bi thảm và khủng khiếp này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Chúng nguy hiểm đến mức nào?
Hóa ra, thang máy lại an toàn hơn chúng ta nghĩ!
Những sự vụ mất an toàn thang máy đã tác động lớn tới tâm lý người tiêu dùng, gây nên một nỗi sợ tiềm ẩn trong mỗi chúng ta mỗi khi bước vào thang máy. Nỗi sợ về việc bị nhốt, ngạt thở trong thang; nỗi sợ thang máy rơi tự do; nỗi sợ mất liên lạc với bên ngoài khi gặp sự cố,…
Thế nhưng, theo thống kê tại Mỹ, mỗi năm quốc gia này có khoảng 27 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn thang máy, hầu hết nạn nhân là kỹ thuật viên bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, cũng tại Mỹ thì cứ 6 đến 7 giờ lại có một con số tương đương thiệt mạng trong các vụ tai nạn ô tô. Còn theo dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Y tế Mỹ, khoảng 1.600 người thiệt mạng hằng năm do ngã cầu thang. Tờ Los Angeles Times tính toán rằng tỷ lệ tử vong do thang máy nói chung là 0,00000015% mỗi chuyến đi.
Xem xét tất cả các yếu tố này, thang máy vẫn là hình thức vận chuyển hàng loạt an toàn nhất trên thế giới. Và hầu hết các vụ tai nạn thang máy là kết quả từ một chuỗi những lỗi sai của con người, chứ không phải lỗi cơ học thuần túy của thang máy.
Tất cả các dòng thang máy hiện nay đều được trang bị các thiết bị an toàn, các lớp phòng ngừa bổ sung để đảm bảo an toàn của hành khách khi gặp sự cố. Theo quy định tại QCVN 02:2019/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, các bộ phận an toàn của thang máy, gồm có:
– Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có);
– Bộ hãm an toàn;
– Hệ thống phanh của máy dẫn động;
– Bộ khống chế vượt tốc;
– Bộ giảm chấn;
– Van ngắt/van một chiều
Thang máy cũng như tất cả các bộ phận an toàn trên đều phải được hợp quy theo quy định trước khi đưa ra thị trường. Sau khi được đưa ra thị trường và tới tay người tiêu dùng, thang máy còn phải hoàn thành công tác kiểm định. Kiểm định thang máy là yêu cầu bắt buộc trước khi thang máy được phép đưa vào vận hành. Trong quá trình sử dụng, thang máy cũng cần được kiểm định định kỳ theo quy định.
Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo trì định kỳ ít nhất 03 (ba) tháng một lần. Đối với các thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga,…) thì thời hạn bảo trì định kỳ ít nhất 01 (một) tháng một lần.
Ngoài ra, một số dòng thang hiện đại còn được trang bị các tính năng đảm bảo an toàn khác như thiết bị cứu hộ tự động ARD (Automatic Rescue Device), hệ thống tự cứu hộ SRS (Self Rescue System), Hệ thống liên lạc khẩn cấp EMCALL, hệ thống cảnh báo đột quỵ SWS (Stroke Warning System),…
Với việc trang bị nhiều lớp thiết bị an toàn, tính năng an toàn cũng như các quy định trong công tác thiết kế, hợp quy và kiểm định, bản thân thang máy đã là phương tiện di chuyển an toàn, đáng tin cậy nhất.
Thang máy ngày càng được trang bị thêm những tính năng hiện đại nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng
Việc của con người – tất cả những đối tượng có liên quan đến thang máy – chính là phải thực hiện đầy đủ những công việc trên từ thiết kế, sản xuất, hợp quy tới kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ cho thang máy và các thiết bị an toàn của thang.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít doanh nghiệp, ban quản lý hay chủ sở hữu lại xem nhẹ vấn đề hợp quy thang máy hay không chú trọng tới kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ.
Thậm chí, có những doanh nghiệp sẵn sàng sản xuất các loại thang máy tự chế, không được hợp quy, kiểm định hay không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, thiết kế sơ sài để tiết kiệm chi phí.
Kết quả là những tai nạn, sự cố thang máy đã xảy ra và hậu quả để lại là sự tổn thương về thể chất và sự tổn thất về tinh thần, thậm chí còn dẫn tới những câu chuyện vô cùng thương tâm.
Vậy, làm thế nào để giải quyết những nỗi lo sợ tiềm ẩn của người đi thang máy? Người sử dụng phải làm gì để xác nhận rằng chiếc thang máy mình sắp bước vào thực sự an toàn hay không?
Đọc tiếp: “Quyền được biết của người đi thang máy”
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật