TCTM – Cứ như thường lệ, vào ngày thứ tư của tuần thứ ba trong tháng, tôi theo xe cùng mẹ vượt chặng đường xa từ Long An lên Sài Gòn với hơn 60 phút để tái khám bệnh suy tim, tăng áp phổi tại khoa tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
1. Cứ như thường lệ, vào ngày thứ tư của tuần thứ ba trong tháng, tôi theo xe cùng mẹ vượt chặng đường xa từ Long An lên Sài Gòn với hơn 60 phút để tái khám bệnh suy tim, tăng áp phổi tại khoa tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở tuổi 74, mẹ tôi di chuyển chậm do chân yếu và căn bệnh suy tim mạn tính nên việc đi lại giữa các khu khám bệnh trong bệnh viện đều rất khó khăn. Và rồi, tôi vui mừng khôn xiết khi nỗi lo lắng của mình được thang máy của bệnh viện, là những người bạn đồng hành cùng hai mẹ con đi đến các khu khám bệnh an toàn, thuận tiện và nhanh chóng.
Chỉ tính từ tháng tư năm 2023 đến trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mẹ tôi đã bốn lần cấp cứu, nhập viện tại bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Dẫu mỗi lần cấp cứu, nhập viện điều trị rồi mẹ mạnh khỏe xuất viện, tôi đều có những cảm xúc khác nhau nhưng chỉ khi các điều dưỡng khoa cấp cứu đẩy mẹ tôi lên nội khoa tim mạch lầu 7 thì tôi mới thực sự tin rằng mẹ tôi đã vượt qua cửa “tử thần”.
Đứng giữa không gian rộng lớn của cabin thang máy nơi bệnh viện là cả khu vực chuyên chở được băng tải bệnh nhân. Mẹ tôi nằm đó cùng chiếc bình oxy. Đôi mắt mẹ hằn lên bao vết chân chim qua bao năm tháng bể dâu đang phải chịu đựng bệnh tật nay bỗng tròn xoe chực chờ ngấn lệ nhìn rõ không gian của cabin thang máy luôn có đội ngũ y bác sĩ phòng cấp cứu kề bên. Tôi cảm nhận được lòng mẹ như vững tâm hơn so với lúc ở phòng cấp cứu.
Chỉ trong khoảnh khắc nhanh lẹ tính bằng giây, chú bảo vệ vận hành thành thạo từng công đoạn khởi động, thang máy chuyên biệt dành cho điều chuyển bệnh nhân nhập viện di chuyển. Vào bên trong cabin thang máy, tôi hít thở thật sâu, lòng mình cũng nhẹ nhõm theo từng hồi âm thanh nhè nhẹ từ liên kết động cơ thang máy đang di chuyển thẳng đứng đi lên các tầng. Tiếng chuông báo hiệu thang máy đã đến khoa nhập viện, bước chân ra mà lòng tôi cảm thấy an yên. Tôi nghĩ mình thật sự bước ra từ truyện cổ tích xa xưa của kiếp ba sinh khi còn có mẹ trên cõi đời này. Gia đình tôi may mắn khi được các y, bác sĩ đã nhiệt tình, tận tâm cứu chữa mẹ giữa lằn ranh sinh tử.
Và có lẽ, những khoảnh khắc, những cảm xúc như thế không chỉ là của riêng tôi mà còn là của đông đảo những người ra vào tại bệnh viện. Và những chiếc thang máy, vẫn có những lúc đứng yên nghỉ ngơi khi hết giờ làm việc quá khuya hay lúc bảo trì, bảo dưỡng và chờ đợi rồi di chuyển. Vâng! sẽ ra sao nếu cuộc sống của chúng ta không có những chiếc thang máy như thế ? đó là câu hỏi tôi luôn nghĩ trong đầu mình. Và rồi, tôi cũng dần tìm được câu trả lời khi những ngày nuôi mẹ nằm viện. Ngày ngày, ngoài những thang máy vận chuyển người thì còn có những thang máy chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, vật liệu như : thức ăn cho căn tin, thuốc thang, thiết bị vật tư y tế… Cứ thế, những thang máy vẫn miệt mài ngày đêm với sứ mệnh đồng hành cùng cuộc sống.
Nếu đội ngũ các y, bác sĩ các khoa thay phiên trực, luôn cận kề theo dõi bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe bệnh tình từng người thì tập thể cán bộ là các chú, các anh công nhân viên bảo trì, bảo dưỡng
thang máy cũng đang ngày đêm thầm lặng đồng hành chăm lo sự an toàn tuyệt đối trong khâu di chuyển cho toàn thể người và vật tư tại bệnh viện.
Chỉ một tuần ở lại bệnh viện chăm mẹ nằm viện cũng là bấy nhiêu ngày tôi chứng kiến các chú, các anh công nhân viên bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, xử lý từng tình huống sự cố liên quan đến thang máy. Trong bộ đồ bảo hộ kaki đồng phục phối phản quang hoặc phối nhiều màu có in hình logo công ty thang máy phía trước và sau lưng, các chú, các anh đều luôn tập trung cao độ và xử lý nhanh chóng để khắc phục sự cố kịp thời, luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Phải chăng, túi áo, viền áo, cổ áo, tay áo đều là màu cam sáng hiện đại đem lại cảm giác êm ái, nhẹ nhàng phối cùng tông màu ghi ánh xanh truyền thống luôn mang đến sự mềm mại, chuyên nghiệp trong môi trường năng động và hiện đại. Song, cũng có đôi khi, trong những lần đi mua thuốc hay mua thực phẩm, tôi có dịp gặp các chú, các anh là thợ sửa chữa bảo trì, bảo dưỡng thang máy đang làm nhiệm vụ chuyên môn với những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán và áo. Họ – những người mà tôi không biết tên, biết tuổi vẫn đang tỉ mẩn, miệt mài làm việc và rồi bỗng ngước nhìn lên với nụ cười thân thiện cùng chào hỏi nhau như xua đi mệt nhọc từ môi trường bụi bẩn dầu mỡ bôi trơn thang máy, nhiệt độ từ các que hàn, rồi cả mồ hôi khắp người từ những vật dụng chuyên dụng xung quanh như : kìm, dây, móc…
2. Nơi phòng 20 khoa Tim mạch lầu 7 bệnh viện, có 4 giường bệnh nhân tuổi cũng thất thập chỉ khác mỗi quê mỗi cảnh. Sau giờ thăm khám bệnh của bác sĩ, mẹ tôi trò chuyện thăm hỏi về bệnh tình của nhau. Cũng như bao bệnh nhân nằm tại bệnh viện, ai ai cũng mong muốn mình được mạnh khỏe để trở về nhà. Mẹ tôi cũng thế, thân nằm đây mà lòng ở nhà ở quê. Không biết giờ này sắp Tết, tụi nhỏ có mua củ kiệu, cải sậy làm cải muối dưa hay chưa ? Nay cũng đã luống rằm, không biết ba của mấy cháu ở nhà có lặt kịp hai cội mai già trước sân không nữa ? – Mẹ tôi vừa soạn đồ, vừa tâm tình thủ thỉ.
Sau một tuần nằm viện, được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ các y bác sĩ, mẹ tôi đã khỏe mạnh và được cho xuất viện về nhà. Tôi vui mừng vì mẹ được đoàn viên, sum họp gia đình ngày dịp Tết Nguyên đán nơi quê nhà. Với độ tuổi và bệnh tình của mẹ, tôi luôn xem bệnh viện là nhà, thang máy là bạn. Tay lỉnh kỉnh xách đồ, tay dìu mẹ vào cabin thang máy, tôi nhờ chú bảo vệ bấm chọn giúp nút “G” tầng trệt đi xuống. Sao nay đi thang máy nhẹ tênh, không có chóng mặt nữa con ! – mẹ tôi vui mừng vì mình đã khỏe khi xuất viện.
3. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai …”. Những lời ca trong bài hát của cố nhạc sĩ Trần Long Ẩn, với tôi sẽ rất cao quý với những người thợ bảo trì, bảo dưỡng thang máy. Bởi nghề nào cũng là nghề cao quý. Và “nghề thang máy” với đặc thù công việc của mình trong môi trường hoạt động trên cơ chế sử dụng điện với những nguy hiểm tai nạn lao động luôn rình rập bên cạnh nếu không cẩn thận. Các chú, các anh bảo trì, bảo dưỡng luôn đồng hành cùng thang máy để đem lại sự thuận tiện, an toàn tuyệt đối trên mọi hành trình di chuyển của cộng đồng.
Thang máy – một phần tất yếu của cuộc sống
Tác giả: Thi Hoàng Khiêm
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật