TCTM – Ngày 30/6/2023, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định Thanh tra việc chấp hành pháp luật về hải quan và thuế trong việc khai báo mã số, thuế suất hàng hóa nhập khẩu tại Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam (TNE). Kết quả cuộc thanh tra xác định trong số các hồ sơ hải quan từ 1/1/2018 đến 31/12/2022 TNE có 71 tờ khai nhập khẩu khai sai mã số HS mặt hàng Cáp điện dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Tổng số tiền thuế ấn định là hơn 875 triệu đồng.
Theo thông tin đăng ký mã số thuế doanh nghiệp, Công ty CP Thang máy Thiên Nam thành lập từ năm 2005, đến nay đã được 18 năm hoạt động với lĩnh vực chính là “Sản xuất thang máy, thang cuốn, thiết bị nâng hạ, băng tải và thiết bị, vật tư, phụ tùng các loại phục vụ sản xuất kinh doanh của công ty”.
Lĩnh vực hoạt động của TNE liên quan nhiều đến hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, thiết bị từ nhiều quốc gia, do đó, việc chấp hành pháp luật về hải quan và thuế là một trong các vấn đề quan trọng, cũng liên quan trực tiếp đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và chi phí sản xuất sản phẩm.
Nhà máy sản xuất của Công ty Thiên Nam tại tỉnh Long An
Cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về hải quan và thuế vừa qua cho kết quả TNE đã chấp hành đúng pháp luật; tồn tại việc khai sai mã số HS với 71 tờ khai dẫn đến đóng thiếu thuế.
“Cộng thêm xử phạt vi phạm hành chính về hải quan (20% số tiền thuế phải nộp) và tiền chậm nộp (0,03%/ngày) thì tổng số tiền phải nộp là khoảng hơn 1,2 tỷ đồng.” – Ông Trần Vĩnh Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam cho biết.
Chủ trương đẩy mạnh công tác “hậu kiểm” đã được thực hiện ngay từ những năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp 1999. Trên thực tế, để triển khai việc hậu kiểm, liên bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV, ngày 28/05/2015 về ban hành Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Đoàn Thanh tra Tổng cục Hải quan do Kiểm tra viên chính Nguyễn Thị Thúy Hạnh làm Trưởng đoàn tập trung thanh tra 7 nhóm nội dung chính: Đối chiếu việc theo dõi số liệu tờ khai hải quan “nhập khẩu của cơ quan hải quan (hệ thống VCIS) với số liệu Công ty cung cấp; Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ hải quan nhập khẩu, việc lưu trữ hồ sơ hải quan; Kiểm tra đối chiếu số lượng, chủng loại hàng hóa nhập khẩu khai báo trên tờ khai hải quan với số liệu kế toán; Kiểm tra về chính sách mặt hàng; Kiểm tra về chính sách thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không rỉ cán nguội; Kiểm tra về tính hợp lệ của các Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đi kèm các bộ hồ sơ nhập khẩu Kiểm tra về mã số HS, thuế suất hàng hóa nhập khẩu kinh doanh trong thời gian 14 ngày, từ ngày 13/7/2023 đến ngày 27/7/2023.
Đầu tiên, Đoàn Thanh tra ghi nhận dữ liệu tờ khai nhập khẩu của Thiên Nam “trùng khớp” với dữ liệu tờ khai trên hệ thống VCIS của Hải quan; nội dung của tờ khai hải quan của Công ty Thiên Nam đúng với các chứng từ kèm theo.Với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, lắp ráp thang máy, thang cuốn, Công ty Thiên Nam thường xuyên nhập vật tư, thiết bị, phụ tùng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Nga, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia,… nhưng chủ yếu là từ Trung Quốc (C/O form E), trong vòng 5 năm (2018-2022) Thiên Nam nhập về Việt Nam 1.170 lô hàng trị giá 569 tỷ đồng.
Các loại vật tư, thiết bị nhập khẩu của Thiên Nam bao gồm: Sơn chống rỉ các loại; Sản phẩm bằng nhựa; Sản phẩm bằng cao su; Tấm cách nhiệt chống cháy; Sản phẩm bằng thép; Sản phẩm thép không gỉ; Cáp thép kéo; Thiết bị cửa thang máy; Quạt gió: Bộ phận, phụ tùng thang máy; Động cơ; Biến tần, bộ nguồn; Thiết bị thông tin; Màn hình hiển thị; Chuông báo; Công tắc, rơ le; Bo mạch điều khiển; Cáp truyền tín hiệu; Bộ mã hóa tốc độ,…
Đối với mặt hàng thép không rỉ cán nguội (72199000) nhập khẩu của Công ty có 02 nhóm hàng hóa gồm: Nhóm sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá và nhóm sản phẩm được miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo các Quyết định của Bộ Công Thương.
Đối với hàng hóa nhập khẩu là các bộ phận an toàn của thang máy có mã số HS 8431.31.10, 8431.31.20 (danh mục hàng hóa nhóm 2), thuộc danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan, cơ quan kiểm tra là Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Căn cứ Quyết định thanh tra số 1466/QÐ-TCHQ ngày 30/6/2022 của Tổng cục Hải quan và Kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt, Đoàn thanh tra thực hiện kiểm tra đối với 170/1.170 bộ hồ sơ nhập khẩu cho thấy hồ sơ hải quan được Công ty Thiên Nam lưu trữ và cung cấp cho phù hợp với nội dung trên các chứng từ kèm theo.
Đoàn thanh tra thực hiện kiểm tra, đối chiếu chi tiết về số lượng, chủng loại hàng hóa nhập khẩu khai báo các tờ khai nhập khẩu (chọn ngẫu nhiên) của Công ty tháng 04/2020 (gồm 21 tờ khai nhập khẩu, 96 dòng hàng) khớp với số liệu ghi nhận trên chứng từ kế toán.
Về chính sách mặt hàng nhập khẩu, theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH ngày 3/6/2021 các mặt hàng thuộc bộ phận an toàn của thang máy có mã số HS 8431.31.10, 8431.31.20 của Công ty (Bộ thắng kéo thang máy; Bộ giảm chấn thang máy; Bộ khống chế vận tốc; Bộ giảm chấn; Khóa cửa tầng; Máy dẫn động,…) muốn nhập khẩu phải có “Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng” và “Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” do Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cấp. Thực tế hồ sơ lưu trữ tại Thiên Nam cho thấy Công ty đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, lưu trữ chuyên nghiệp.
Trong đợt thanh tra này, đoàn công tác của Tổng cục Hải quan rất quan tâm về tính hợp lệ của các Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đi kèm các bộ hồ sơ nhập khẩu. Đây là yếu tố xác minh rõ nguồn gốc xuất xứ của linh kiện, thiết bị, nguyên vật liệu của thang máy.
Đối với Thiên Nam, qua kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O form E) đoàn công tác của Tổng cục Hải quan thấy: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được lưu trong hồ sơ đầy đủ, nội dung trên C/O đầy đủ và hợp lệ, phù hợp với các quy định tại Thông tư số 12/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 và các thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2010/TT-BCT; Thông tư số 12/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 của Bộ Công Thương.
Ngoài kết quả đánh giá tích cực về công tác chấp hành pháp luật về hải quan và thuế, Công ty Thiên Nam cũng gặp phải “sự cố” về khai báo hải quan.
Đoàn kiểm tra hải quan cho rằng đối với mặt hàng Cáp truyền tín hiệu các loại (Cáp điện) dùng cho thang máy, Thiên Nam khai báo mã số HS 8544.49.49 là không phù hợp, sai thuế suất thuế nhập khẩu, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Những công ty chuyên xuất nhập khẩu đều biết mã số HS: 8544.49.49, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (có C/O from E Trung Quốc), gồm những nhóm/loại cáp có Model: TVVBP; TVVB; TVVBP; RVVP; STB; STBRVVEP.
Nhưng tại hồ sơ hải quan thì đặc tính, cấu tạo, thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của các loại Cáp điện do Công ty Thiên Nam nhập khẩu là: Cáp điện, loại có điện áp 300V7/500V, có vỏ bọc cách điện là PVC (nhựa cách điện), chỉ dùng cho thang máy, không dùng cho viễn thông. Theo khoản 1 Điều 26 Luật Hải quan năm 2014; Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính, được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 09/2019/TT-BTC ngày 01/4/2019 các loại Cáp điện này có điện áp nằm trong khoảng từ 80-1000V, vỏ bọc cách điện bằng nhựa, không dùng cho viễn thông, khai báo mã số HS: 8544.49.41 (không phải HS: 8544.49.49-dây tín hiệu loại khác) như Thiên Nam khai báo.
Căn cứ Biểu thuế ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Trung Quốc ban hành theo Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ và Nghị định số 118/2022 NĐ-CP ngày 30/12/2022, mã số HS là 8544.49.41, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (C/O form E) là: 10% (áp dụng cho các tờ khai đăng ký trong các năm 2018, 2019); 5% (áp dụng cho các tờ khai đăng ký trong các năm 2020, 2021, 2022) chứ không phải ưu đãi 0% như Thiên Nam đang được hưởng. Đoàn thanh tra Hải quan cho rằng Cáp tín hiệu Công ty Thiên Nam nhập khẩu là một loại Cáp điện (tên chuyên ngành quốc tế là Travelling cable) không phải là loại Cáp tín hiệu thông thường nên Công ty khai báo mã số HS code 8544.49.49 (dây tín hiệu loại khác) là sai quy định, sai thuế suất. Do đó, ý kiến của Đoàn thanh tra về kết quả thanh tra như sau:
“Qua thanh tra, Đoàn thanh tra thấy Công ty đã thực hiện đúng các quy định về pháp luật hải quan, Pháp luật về thuế về những nội dung sau: Quản lý, lưu trữ hồ sơ hai quan đầy đủ; Các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan đầy đủ, hợp lệ; Thực hiện đúng quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu mặt hàng thuộc bộ phận an toàn của thang máy; Thực hiện đúng chính sách thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép rỉ cán nguội. Hàng hóa nhập khẩu được theo dõi đầy đủ trên chứng từ kế toán.
Về mã số HS, thuế suất hàng hóa nhập khẩu kinh doanh, Công ty có 71 tờ khai nhập khẩu mặt hàng Cáp điện, khai báo mã số: 8544.49.49, thuế suất 0% (có C/O form E) là khai báo sai mã số HS, sai thuế suất thuế nhập khẩu, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Theo quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và pháp luật xử lý vi phạm hành chính, Công ty bị xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính và nộp tiền chậm nộp, cụ thể như sau:
(i) Ấn định thuế đối với 71 tờ khai nhập khẩu khai sai mã số HS mặt hàng Cáp điện dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Tổng số tiền thuế ấn định là 875.837.090 VNĐ.
(ii)) Xử phạt vi phạm hành chính về hải quan: Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, Công ty chịu hình thức phát 20% số tiền thuế phải nộp do khai sai mã số HS (đối với các tờ khai còn hiệu lực xử phạt vi phạm hành chính về hải quan theo quy định).
(iii) Tiền chậm nộp: Công ty tính và nộp tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 và các quy định của pháp luật có liên quan.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sai phạm này, phía Thiên Nam đã trình bày trong Biên bản thanh tra như sau:
Trích từ Biên bản Thanh tra tại Công ty CP Thang máy Thiên Nam
Dù trong quá trình làm việc với Đoàn thanh tra, Công ty luôn chủ động kịp thời, trung thực phối hợp tốt với Đoàn thanh tra đề cung cấp hồ sơ, tài liệu giải trình liên quan đến việc phân loại, áp mã số, thuế suất mặt hàng Cáp điện này, chỉ chứng tỏ Công ty khai báo mã số HS chưa đúng chứ Thiên Nam không cố ý khai báo sai mã số, thuế suất để nhằm mục đích gian lận về thuế. Theo quy định của Pháp luật về hải quan và Pháp luật về thuế, Công ty vẫn phải có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thuế khai thiếu, tiền chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Ông Trần Vĩnh Phước, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam đã xác nhận: “Công ty nhất trí với ý kiến của Đoàn thanh tra về việc phân loại, xác định mã số, thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng Cáp điện nêu trên vào mã số 8544.49.41, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 10% (áp dụng cho các tờ khai mở trong các năm 2018, 2019); 5% (áp dụng cho các tờ khai mở trong các năm 2020-2023)”.
Đồng thời, ông Phước cho biết, Công ty Thiên Nam sẽ chấp hành khai đúng mã số, thuế suất theo quy định cho các lô hàng tiếp theo.
Ngoài các khó khăn do tình hình kinh tế chung, ông Phước cũng chia sẻ bất cập trong ngành thang máy là nếu nhập khẩu nguyên chiếc thang máy từ nước ngoài (nhất là Trung Quốc – có C/O form E) thì thuế suất ưu đãi 0% nhưng nếu nhập vật tư, thiết bị về lắp ráp, chế tạo trong nước thì lại bị áp thuế 5%. Chính sách thuế như vậy vô hình trung khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc thang máy từ nước ngoài thay vì sản xuất để tạo giá trị gia tăng, số lượng việc làm trong nước cũng như thương hiệu Việt, không tạo điều kiện cho ngành sản xuất thang máy nói riêng và các ngành kinh tế nói chung cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Câu chuyện bị truy thu 875 triệu đồng của Công ty Thiên Nam đã khiến không ít công ty thang máy Việt “giật mình”. Đây không đơn thuần là việc áp sai mã thuế hàng nhập khẩu Cáp truyền tín hiệu thang máy mà cho thấy trong quá trình phát triển sẽ còn nhiều bất cập tương tự mà doanh nghiệp có thể vấp váp. Chính sách thông quan của Việt Nam hiện nay đã được thông thoáng hơn rất nhiều, nhưng bất cứ lúc nào khi “hậu kiểm” nếu phát hiện sai sót thì doanh nghiệp Việt đều bị truy thu thuế và xử phạt hành chính như Thiên Nam vừa qua.
Chính sách thì luôn “lạnh lùng” nhưng sinh mệnh của doanh nghiệp trong thời buổi khốn khó để nuôi hàng trăm người lao động kèm theo là hàng nghìn miệng ăn thì lại không đơn giản như vậy.
Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo liên quan đến sự việc này: Từ việc truy thu thuế Thang máy Thiên Nam, ngành thang máy Việt nghĩ gì?
An Thanh
Thông tin mới cập nhật