TCTM – Tại một khu chung cư thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã xảy ra sự cố thang máy rơi tự do khiến 3 hành khách bị thương.
Theo NetEast đưa tin mới đây, vào khoảng 20h26 ngày 26/8, thang máy trong một khu chung cư tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã bất ngờ gặp sự cố khiến ba người dân bị thương.
Ông Lý – một trong ba nạn nhân, cho biết bản thân sống ở tầng 25, khi xuống để đi dạo thì gặp 2 người ở tầng 23 và 16 vào cùng thang máy. Tuy nhiên, khi đến tầng 3, thang máy bất ngờ dừng lại và lắc lư. Ông đã nhấn thử các tầng khác nhưng không có phản ứng, không lâu sau, các nút trên bảng điều khiển đều bị tắt.
Ngay khi chưa kịp phản ứng thì thang máy đã bất ngờ rơi xuống rất nhanh. Cả ba đều bị hất tung lên cao rồi đập mạnh xuống sàn. Sau khi thang máy dừng lại, ông Lý là người bị thương nhẹ nhất đã vội vàng liên hệ với ban quản lý và lực lượng cứu hộ để nhờ sự giúp đỡ. Đến khi lực lượng cứu hộ xuất hiện thì cả ba mới được giải cứu.
Nạn nhân được đưa ra khỏi thang máy
Sau đó, ba người bị nạn đã được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Theo đó, hai người bị thương nhẹ, người nặng nhất gãy hai xương thắt lưng và vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ. Chủ khu nhà cho biết sẽ chi trả mọi chi phí điều trị cho nạn nhân. Đồng thời, mọi thang máy trong khu chung cư đều được ban quản lý chú ý tăng cường kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo chuyên gia Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA), có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự việc trên là bộ khống chế vượt tốc của thang máy bị lỗi, không hoạt động hoặc tốc độ khi cabin thang trượt xuống không lớn hơn tốc độ định mức của bộ không chế vượt tốc. Khi đó, hoàn toàn không có hệ thống an toàn nào tác động dừng cabin.
Việc này khiến cabin thang máy rơi tự do từ tầng 3 xuống hố thang (va vào bộ giảm chấn thủy lực hoặc lò xo giảm chấn) khiến cabin thang máy bị bật lại với một lực khá mạnh và theo quán tính, người bên trong thang cũng bị bật lên cao.
Còn thông thường, dù thang bị đứt cáp, phanh bị hỏng, thang chạy vượt tốc hoặc một số sự cố kỹ thuật khác thì bộ khống chế vượt tốc của thang máy sẽ phát huy tác dụng. Bộ phận này có vai trò kiểm soát tốc độ thang máy, khống chế thang máy di chuyển với tốc độ nhất định trong khoảng thời gian cho phép.
Trong trường hợp thang máy vượt quá tốc độ bộ phận này sẽ hoạt động như bộ phận cứu hộ để đảm bảo an toàn cho người đi thang. Hệ thống phanh cơ sẽ được kích hoạt giúp cabin bám chặt vào rail để tránh xảy ra tai nạn.
Để đề phòng các sự cố thang máy khác, thang máy cần được thiết kế kỹ thuật đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật tại QCVN 02:2019/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, các bộ phận an toàn của thang máy, gồm có:
– Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có);
– Bộ hãm an toàn;
– Hệ thống phanh của máy dẫn động;
– Bộ khống chế vượt tốc;
– Bộ giảm chấn;
– Van ngắt/van một chiều
Tất cả các bộ phận an toàn trên của thang máy đều phải được hợp quy theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lại thường xem nhẹ vấn đề này và không thực hiện hợp quy thang máy cũng như các thiết bị an toàn của thang máy. Điều này có thể dẫn đến các sự cố nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới an toàn tính mạng người sử dụng.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa các sự cố không may xảy ra, thang máy cần được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ đúng theo quy định (tối thiểu 3 tháng/lần với thang gia đình, 1 tháng/lần với thang tòa nhà).
Ngoài ra, thang máy cũng nên được nâng cấp để được trang bị các công nghệ an toàn tiên tiến, qua đó có thể giảm nguy cơ xảy ra sự cố. Và khi xảy ra sự cố, ngoài việc xử lý tức thì để đảm bảo an toàn về người, thang cũng cần được kiểm tra, kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng ngay sau đó trước khi vận hành lại bình thường.
Để đảm bảo an toàn chung cho công tác quản lý, sử dụng và bảo trì, sửa chữa thang máy, doanh nghiệp thang máy, kỹ thuật viên cũng như chủ sở hữu, người sử dụng thang máy,… có thể tham khảo bộ Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” do Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA, thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam) xây dựng.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật