TCTM – Được lắp đặt lần đầu vào năm 1884 tại Dartford, Anh, paternoster là tên gọi của một loại thang máy chở khách bao gồm một chuỗi các khoang mở được di chuyển lên xuống liên tục qua trục thẳng đứng của một tòa nhà. Trước đó, vào năm 1877, Bằng sáng chế paternoster đã được trao cho một kỹ sư người Anh tên là Peter Hart.
Paternoster trở nên rất phổ biến ở châu Âu trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 vì chúng có thể chở nhiều hành khách hơn thang máy thông thường. Không chỉ vậy, nó còn là phương pháp di chuyển cực kỳ mau lẹ từ tầng này sang tầng khác vì không cần xếp hàng để chờ thang. Cái tên paternoster xuất phát từ tiếng Latinh “Our Father”, là hai từ đầu tiên của “Lời cầu nguyện của Chúa”.
Đặc biệt, không giống như thang máy tiêu chuẩn, paternoster không bao giờ dừng lại, trừ khi có xảy ra sự cố kỹ thuật khiến hệ thống bị ngưng trệ. Hành khách bước vào các khoang di chuyển theo hướng họ mong muốn, sau đó bước ra khi thang máy đến tầng mong muốn.
Và vì hệ thống này khi vận hành hầu như không dừng lại, nên sẽ không có điểm dừng giữa các tầng, và hành khách phải luôn tập trung để bước ra đúng nhịp, đúng tầng, đúng vị trí ngang sàn nếu không họ sẽ bị trễ tầng, bị lỡ đà dẫn đến trượt ngã, hay thậm chí là xảy ra những tai nạn nghiêm trọng. Có một đặc điểm khiến cho paternoster có vẻ an toàn hơn, đó là loại thang này thường di chuyển với vận tốc khá thấp, chỉ vào khoảng 0,3 m/s.
Qua thực tế sử dụng một thời gian dài, các chuyên gia kết luận, mặc dù kiểu thang này này có vẻ tiện lợi, song nó có thể dễ dàng trở thành một cái bẫy rất nguy hiểm: Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến người sử dụng bị dập ngón chân, mất cánh tay, hoặc thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.
Đa số các thang paternoster không lắp cửa hay tấm chắn để tăng tính tiện lợi. Điều này càng khiến người sử dụng dễ gặp nguy hiểm, vì họ có thể mất thăng bằng mà ngã nhào ra bên ngoài trong lúc thang di chuyển, dù nó có tốc độ chậm hơn nhiều lần so với thang máy thông thường.
Thang máy paternoster hiện nay ít phổ biến hơn do lo ngại về an toàn
Do có độ nguy hiểm cao, tính an toàn không bảo đảm, đặc biệt nguy hiểm đối với người già, người tàn tật và trẻ em khi sử dụng đã khiến thang paternoster trở nên kém thông dụng. Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm sử dụng đối với thang paternoster, khiến nó trở nên khá hiếm, một số thang còn lại chỉ mang tính trưng bày hoặc phục vụ số ít người coi việc sử dụng paternoster như một trò chơi mạo hiểm thú vị.
Trong những năm qua, đã có nhiều vụ tai nạn liên quan đến các thang máy này, trong đó có một số trường hợp tử vong. Tại Vương quốc Anh, một hành khách đã thiệt mạng vào năm 1975 tại thang máy của tòa nhà Claremont Tower của Đại học Newcastle. 13 năm sau đó, một tai nạn khác đã xảy ra cũng chính trong thang máy này. Một thống kê cũng cho thấy, trước năm 2002, trung bình ở Đức có một ca tử vong mỗi năm vì thang paternoster. Ước tính, rủi ro xảy ra tai nạn của thang paternoster cao hơn gấp 30 lần so với thang máy thông thường.
Chính phủ Đức từng ít nhất 2 lần muốn đóng cửa các thang máy nguy hiểm chết người này nhưng dư luận phản đối mạnh mẽ. Những người yêu thích paternoster lý luận rằng nếu cấm loại thang này thì tốt nhất nên “dừng hoạt động cả ô tô, vì chúng đều có nguy cơ xảy ra tai nạn”. “Những chiếc thang máy này là một phần của lịch sử công nghiệp”, họ nói.
Việc chế tác, lắp đặt các paternoster mới đã dừng lại vào giữa những năm 1970 do lo ngại về an toàn công cộng. Cụ thể, ở các nước Tây Âu, Đông Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới, việc lắp đặt các paternoster vẫn bị cấm kể từ năm 1974. Giờ đây, paternosters chủ yếu được tìm thấy ở châu Âu, cụ thể ở Đức và Cộng hòa Séc. Người ta cũng thống kê được, chỉ có ba cái paternoster được lắp đặt bên ngoài châu Âu, bao gồm một cái ở Malaysia, một ở Peru và một ở Srilanka.
Mẫu thang mới của Hitachi đựa trên nguyên lý paternoster
Gần đây, Hitachi đã phát triển một hệ thống thang máy mới dựa trên nguyên lý paternoster là “ba không”: không điểm dừng, không nút bấm và không có cửa. “Hệ thống thang máy nhiều cabin ” của Hitachi chạy vòng vô tận “lên” và “xuống”. Các nhà thiết kế của Hitachi tuyên bố hệ thống mới của họ sẽ tiết kiệm được một nửa diện tích so với hệ thống tương đương thông thường và có thể vận chuyển gấp đôi số người cùng một lúc. Tuy nhiên, những bất cập của hệ thống này là có thể xảy ra ùn tắc giống như trong thang máy thông thường. Tệ hơn nữa, một cabin ngừng hoạt động vì bất cứ lý do gì có thể nhốt luôn cả hai nhóm cabin “lên” và “xuống”.
Vũ Phượng
Thông tin mới cập nhật