TCTM – Bên cạnh lựa chọn thang máy theo các thông số kỹ thuật cơ bản như tốc độ, số điểm dừng, kích thước giếng thang,… người tiêu dùng cũng cần lưu ý đến loại thang máy, xuất xứ và các vấn đề liên quan tới lựa chọn nhà cung cấp.
Đọc thêm:
Thang máy nhà ở tư nhân – Bài 1: Chọn thang dựa trên tải trọng, tốc độ và các thông số cơ bản khác
Thang máy nhà ở tư nhân – Bài 2: Chọn thang máy theo kích thước giếng thang
1. Chọn loại thang và xuất xứ
1.1 Chọn loại thang
Các loại thang máy được dùng cho nhà ở tư nhân hiện nay:
a. Thang máy điện
– Dẫn động cáp, loại có buồng máy và loại không buồng máy.
– Dẫn động vít – đai ốc (vít me).
b. Thang máy thủy lực;
c. Thang máy chân không.
1.2. Chọn xuất xứ
Thang máy dùng cho nhà ở tư nhân ở Việt Nam hiện nay, theo xuất xứ có thể được chia làm hai loại:
– Thang máy nhập khẩu;
– Thang máy sản xuất trong nước với những bộ phận quan trọng nhập khẩu, thường được các doanh nghiệp tự gọi là thang máy “liên doanh”.
Dòng thang nhập khẩu có các xuất xứ từ:
– Chính hãng và chính quốc;
– Chính hãng nhưng không chính quốc;
– Nước khác sản xuất nhưng theo công nghệ của chính hãng;
a. Thang máy nhập khẩu
Ưu điểm của dòng thang nhập khẩu là có tính đồng bộ cao, thiết kế cabin sang trọng, phù hợp với những nhà ở cho những người có thu nhập cao hoặc cho những nhà có kết cấu đặc biệt về vị trí lắp thang hoặc muốn tạo điểm nhấn trong phòng khách sang trọng,…Tất nhiên giá thành cho những loại thang này cao hơn so với loại sản xuất trong nước.
Khi chọn loại thang nhập khẩu, tùy vào loại nhà (biệt thự vườn, biệt thự liền kề, nhà phân lô…), vị trí lắp thang máy…. Đồng thời chú ý tới yếu tố hài hòa với nội thất trong nhà, về sở thích của chủ nhà, như gu thẩm mỹ và thương hiệu cá nhân để chọn loại thang phù hợp.
Những loại thang thường nhập ngoại: thang chân không, thang thủy lực, thang trục vít (còn gọi là thang vít me) và thang dẫn động cáp.
b. Thang máy sản xuất trong nước
Loại này được sản xuất trong nước với một số bộ phận chính nhập khẩu, hay còn gọi là thang máy “liên doanh”. Đây là loại thang “bình dân” được sử dụng nhiều nhất, phù hợp với những nhà có nhu cầu lắp thang để phục vụ giao thông đứng trong nhà là chính. Giá thành không quá cao, khách hàng có thể chấp nhận được.
Riêng đối với thang thủy lực, đã có một vài đơn vị trong nước sản xuất được nhưng các bộ phận chính vẫn phải nhập khẩu.
Muốn chọn được loại thang phù hợp, việc đầu tiên phải thỏa mãn với mục đích sử dụng và khả năng tài chính (kinh phí đầu tư cho hạng mục thang máy), để từ đó mới chọn được loại thang thuộc dòng nhập khẩu hay sản xuất trong nước (thang liên doanh).
Nếu không bị hạn chế về chiều cao của nhà, nên chọn loại thang có buồng máy. Trong buồng máy lắp những bộ phận quan trọng của thang: máy dẫn động, tủ điện điều khiển, bộ khống chế vượt tốc,… Chủ sử dụng và những người làm công tác xử lý sự cố, kiểm tra, bảo dưỡng,… có thể dễ dàng tiếp cận một cách an toàn và thuận tiện.
Đặc biệt trong trường hợp cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp, các thành viên trong gia đình có thể tự mình làm được để đưa người ra khỏi cabin mà không cần chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài.
2. Chọn nhà cung cấp, lắp đặt và bảo trì lâu dài
Khi lựa chọn thang máy, người tiêu dùng cũng cần chú ý đến yếu tố nhà cung cấp lắp đặt cần phải có kinh nghiệm, có năng lực và uy tín. Bởi độ êm và độ tin cậy của thang máy phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn lắp đặt và hiệu chỉnh lần cuối.
3. Trách nhiệm các bên liên quan đến vấn đề an toàn sử dụng thang máy
Trong giai đoạn trước khi đưa thang máy vào sử dụng, các bên tham gia vào việc tư vấn, thiết kế, cung cấp, lắp đặt và kiểm định cần phải quan tâm một cách nghiêm túc, hiểu rõ vai trò và trách nhiệm pháp lý của mình trong công đoạn mà mình đảm nhiệm.
Trong đó, vai trò của kiểm định rất lớn, là người phán quyết cuối cùng để khẳng định thang có đảm bảo an toàn theo quy trình kiểm định hay không.
Nếu các công đoạn tiền kiểm định đã thực hiện đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; công tác kiểm định đánh giá được thực hiện đúng theo quy trình kiểm định, khi ấy thang máy có kết quả kiểm định đạt yêu cầu an toàn để đưa vào sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc các bên tư vấn, thiết kế, cung cấp và lắp đặt đã hoàn thành về mặt an toàn ở công đoạn mình đảm nhiệm.
Kể từ thời điểm này, trách nhiệm an toàn do người sử dụng và bảo hành, bảo trì chịu trách nhiệm.
Khi có sự cố nghiêm trọng, cần phải có một cơ quan có năng lực về chuyên môn, đủ thẩm quyền đứng ra đánh giá một cách khách quan, về nguyên nhân xẩy ra sự cố. Trên cơ sở đó, quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân hoặc đơn vị đã và đang tham gia vào các công đoạn đã nêu ở trên.
Kết luận
Với cách lựa chọn thang, đặc biệt với cách phân tích và tính chọn các thông số của cabin và giếng thang, chiều sâu hố giếng, chiều cao đỉnh giếng,… theo quy chuẩn và tiêu chuẩn về an toàn thang máy của quốc gia cũng như của quốc tế. Đồng thời đáp ứng được công dụng của thang máy hiện tại và lâu dài. Loại bỏ được những tiềm ẩn rủi ro có thể xẩy ra trong quá trình sử dụng.
Mặt khác, tiết kiệm được năng lượng và sử dụng hợp lý mặt bằng và không gian trong giếng thang. Qua đó, giúp chủ nhà có nhiều lựa chọn khi đến công đoạn mua thang máy mà không bị cản trở bởi rào cản kỹ thuật về các thông số của giếng thang, đã thiết kế và xây dựng.
Tác giả:
Chuyên gia thang máy Hoa Văn Ngũ – Nguyên cán bộ giảng dạy khoa Cơ khí, trường Đại học Xây dựng Hà Nội – Nguyên trưởng ban kỹ thuật thang máy, thang cuốn Việt Nam (TCVN/TC 178). Ông là chủ biên cuốn sách “Thang máy và thang cuốn” do Nhà Xuất bản Khoa học & Kỹ thuật phát hành năm 2018.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Nam – Giảng Viên bộ môn Máy Xây dựng, Trưởng Phòng Nghiên cứu thực nghiệm Cơ khí, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thang máy và thang cuốn – Hoa Văn Ngũ, Vũ Liêm Chính, Phạm Quang Dũng – Nhà xuất bản KH&KT – Hà Nội 2018
2. TCVN6396-20:2017 (EN81-20:2014) – Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Thang máy chở người và hàng.
Phần 20: Thang máy chở người và thang máy chở người và hàng
3. TCVN6396-21:2015 (EN81-28:2003) – Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Thang máy chở người và hàng.
Phần 21: Thang máy mới chở người và thang máy mới chở người và hàng trong các tòa nhà đang sử dụng
4. TCVN6396-28:2013 (EN81-21:2009) – Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Thang máy chở người và hàng.
Phần 28: Báo động từ xa trên thang máy chở người và thang máy chở người và hàng
5. QCVN 32:2018/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn lao động đối với thang máy gia đình
6. QCVN 02:2019/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn lao động đối với thang máy điện và thủy lực
7. Catalogues của một số nhà sản xuất thang máy trong và ngoài nước cho dòng sản phẩm này.
Thang máy nhà ở tư nhân – Bài 1: Chọn thang dựa trên tải trọng, tốc độ và các thông số cơ bản khác
Thang máy nhà ở tư nhân – Bài 2: Chọn thang máy theo kích thước giếng thang
Thông tin mới cập nhật