TCTM – Trong những năm gần đây, nhu cầu thang máy cho nhà ở tư nhân phát triển rất nhanh. Không chỉ là phương tiện giao thông đứng trong ngôi nhà, thang máy được coi như thiết bị nội thất, mang lại vẻ đẹp, độ sang trọng cho công trình.
Nhưng làm thế nào để lựa chọn được thang máy vừa đáp ứng được mục đích của người sử dụng, vừa tiết kiệm được diện tích mặt bằng một cách hợp lý, vừa đảm bảo trong giới hạn chiều cao của nhà đã được cấp phép, vừa đảm bảo an toàn và tin cậy trong sử dụng, lại vừa phù hợp với khả năng tài chính của chủ nhà?
Đây chính là điều mà tác giả muốn được chia sẽ phần kiến thức nhỏ bé của mình, với các nhà tư vấn, thiết kế, cung cấp và lắp đặt thang máy, và tất nhiên, cả với người sử dụng nữa.
Trong phạm vi chuỗi bài viết này, tác giả chỉ giới thiệu thang máy chở người dùng cho nhà ở tư nhân (thang máy điện, dẫn động cáp). Còn những loại thang chưa đề cập tới, quý độc giả có thể tham khảo tài liệu khác.
1. Khái niệm thang máy cho nhà ở tư nhân và thang máy gia đình
Theo QCVN32: 2018/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy gia đình. Thang máy gia đình được định nghĩa là thang máy được điều khiển tự động, lắp đặt cố định, chỉ sử dụng để vận chuyển người, phục vụ những tầng dừng xác định, được dẫn hướng theo phương thẳng đứng hoặc theo phương lệch với phương thẳng đứng một góc tối đa 15°, với kích thước sàn cabin, vận tốc định mức và hành trình nâng như sau:
– Tốc độ định mức của cabin thang máy không vượt quá 0,3 m/s.
– Diện tích hữu ích của sàn cabin không vượt quá 1,6 m2, và kích thước các cạnh của sàn cabin không dưới 0,6 m.
– Hành trình nâng của cabin không vượt quá 15 m.
Những thang máy chở người, có những thông số về kích thước sàn cabin, tốc độ và hành trình không đáp ứng quy định trong QCVN 32: 2018/BLĐTBXH thì không được coi là thang máy gia đình. Chúng không được áp dụng QCVN 32:2018/BLĐTBXH, mà chỉ có thể theo TCVN 6396-20: 2017, hoặc 6396-21: 2015, và phải tuân thủ QCVN 02:2019/BLĐTBXH.
Do đó, cần lưu ý rằng: thang máy dùng cho nhà ở tư nhân không phải hoàn toàn là thang máy gia đình, nhưng thang máy gia đình là thang máy dùng cho nhà ở tư nhân.
2. Một số vấn đề dễ gặp phải khi chọn thang máy cho nhà ở tư nhân
Khi chọn mua thang máy, chủ nhà thường đặt ra các câu hỏi: loại thang máy nhỏ nhất, chở được bao nhiêu người hay được bao nhiêu kg? Kích thước giếng thang cần để lắp thang máy là bao nhiêu? Giá thang, thời gian cung cấp và lắp đặt như thế nào?
Hiện nay, các thông số cơ bản của thang máy và kích thước giếng thang đang được lựa chọn theo catalogues (tài liệu sản phẩm) hoặc theo các nhà tư vấn, cung cấp và lắp đặt thang máy đưa ra. Nhưng cũng có những trường hợp suy nghĩ đơn giản, có thể mua thang theo kiểu “may đo”, nên chỉ cần trừ lại một ô trong mặt bằng để sau này lắp thang máy là được.
Khi các nhà tư vấn và thiết kế không tiếp cận được catalogues hoặc tư vấn của nhân viên bán hàng chưa đầy đủ, hoặc không có tài liệu kỹ thuật chính thống nên thường dẫn đến một số vấn đề sau:
– Khu vực dành cho thang máy không đủ hoặc quá thừa không gian để lắp thang theo ý muốn của chủ nhà, dẫn đến hạn chế tính năng của thang hoặc lãng phí mặt bằng;
– Mặt bằng giếng thang không được sử dụng hợp lý, không gian trong giếng thang còn thừa mà cabin lại hẹp;
– Có những tiêu chí về an toàn không được đảm bảo, như khe hở an toàn, chiều sâu hố giếng (P), chiều cao đỉnh giếng (OH), buồng máy không đủ chiều cao,…Điều này sẽ mang lại tiềm ẩn rủi ro cho người sử dụng và người làm dịch vụ sau lắp đặt.
3. Chọn thang máy theo các thông số cơ bản
Các thông số cơ bản của thang máy chở người dùng cho nhà ở tư nhân bao gồm: tải trọng, tốc độ, kiểu cửa, số tầng dừng,…
3.1 Tải trọng định mức (Q) hay số người chứa trong cabin
Theo tiêu chuẩn quốc gia cũng như tiêu chuẩn quốc tế về thang máy chở người, nếu thang dùng cho một người (người lớn) thì tải trọng tối thiểu là 100kg. Nếu thang dùng cho hai người thì tải trọng tối thiểu là 180kg. Nhưng nếu thang dùng cho ba người trở lên, mỗi người sẽ được tính bằng 75 kg, và theo đó tải trọng định mức sẽ là: 75kg x 3 = 225kg.
Một cách tổng quát hơn, mối quan hệ giữa tải trọng định mức và số người trong cabin được xác định theo công thức:
với đơn vị của tải trọng định mức là kg, và kết quả được làm tròn đến số nguyên gần nhất.
Bảng 1 – Quan hệ giữa số người, tải trọng định mức và diện tích sàn cabin
3.2 Tốc độ
Đối với thang máy gia đình, tốc độ được quy định không vượt quá 0,3 m/s. Với hành trình không vượt quá 15 m (tương đương với nhà 5 tầng). Nhưng đối với những chủ nhà muốn có thang máy theo ý mình mà không bị ràng buộc bởi quy chuẩn về thang máy gia đình hay đối với nhà ở tư nhân có hành trình lớn hơn thì có thể chọn tốc độ cao hơn. Các gam tốc độ hiện nay đang sử dụng cho các nhà tư nhân: 0,30 m/s; 0,50m/s; 0,63m/s; 0,75m/s; 1,00m/s; 1,25m/s và 1,50m/s. Tốc độ thang máy có thể xác định dựa vào công thức kinh nghiệm sau:
Trong đó:
Khi chọn tốc độ cần phải lưu ý tới tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Trong trường hợp một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, bị chóng mặt, cảm thấy khó chịu khi thang máy di chuyển với tốc độ cao hoặc thang có vách cabin làm bằng kính cường lực để quan sát ra ngoài thì cần xem xét chọn tốc độ phù hợp.
3.3 Kiểu cửa và bề rộng cửa
a. Các kiểu cửa thang máy (bao gồm cả cửa cabin và cửa tầng): thường dùng cho thang máy nhà ở tư nhân là:
– Hai cánh mở chính giữa (mở tâm) lùa ngang về hai phía (CO);
– Bốn cánh mở chính giữa (mở tâm) lùa ngang về hai phía (2CO);
– Hai cánh mở bên lùa về một phía (2S hay SO);
(Các kiểu cửa nêu trên đều đóng mở tự động)
– Kiểu cửa một cánh hoặc hai cánh bản lề đóng mở tự động (mở bung ra ngoài) hoặc đóng mở bằng tay. Lưu ý: cửa cabin bắt buộc mở về phía trong.
Chọn kiểu cửa và bề rộng cửa là yếu tố cơ bản quyết định kích thước chiều rộng mặt cắt ngang giếng thang.
b. Khi chọn bề rộng cửa cần đáp ứng:
– Giải toả số người chứa trong cabin khi dừng đúng tầng mà không bị ùn tắc;
– Đủ chiều rộng cho người đi xe lăn vào ra dễ dàng.
3.4 Xác định số tầng dừng (điểm dừng)
Số tầng dừng còn được gọi là số tầng phục vụ, hay điểm dừng. Thông thường nhà có bao nhiêu tầng sẽ có bấy nhiêu tầng dừng, nhưng có một số trường hợp số tầng dừng ít hơn số tầng của nhà.
3.5 Chọn các tính năng khác kèm theo
Ngoài những tính năng an toàn đã có theo quy định trong các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì chủ nhà có thể lựa chọn thêm:
– Vật liệu vách cabin, cửa tầng và bo cửa (khuôn bao cửa) và chiều dày của vách cabin,…;
– Thiết kế nội thất cabin: trần giả kiểu vòm hay phẳng, tay vịn tròn hay dẹt,…
– Thiết bị báo cháy;
– Camera;
– Điện thoại khẩn cấp sử dụng SIM trong thang máy;
– Thẻ từ (đối với nhà ở tư nhân có kết hợp dịch vụ khác để quản lý người đi thang,… );
– Điều hòa nhiệt độ;…
Tác giả:
Chuyên gia thang máy Hoa Văn Ngũ – Nguyên cán bộ giảng dạy khoa Cơ khí, trường Đại học Xây dựng Hà Nội – Nguyên trưởng ban kỹ thuật thang máy, thang cuốn Việt Nam (TCVN/TC 178). Ông là chủ biên cuốn sách “Thang máy và thang cuốn” do Nhà Xuất bản Khoa học & Kỹ thuật phát hành năm 2018.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Nam – Giảng Viên bộ môn Máy Xây dựng, Trưởng Phòng Nghiên cứu thực nghiệm Cơ khí, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Đọc thêm:
Thang máy nhà ở tư nhân – Bài 2: Chọn thang máy theo kích thước giếng thang
Thang máy nhà ở tư nhân – Bài 3: Chọn thang máy theo xuất xứ và các lưu ý khác
Thông tin mới cập nhật