TCTM – Các thông tin liên quan tới yếu tố quy chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ được kiểm tra, xác minh trong quá trình hợp quy sẽ giúp người tiêu dùng tránh mua phải thang máy nhái, giả, kém chất lượng và gây nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng.
Khi mua thang máy, người tiêu dùng thường sẽ chú ý tới các tiêu chí như chất lượng, giá cả và mẫu mã của sản phẩm. Với tiêu chí chất lượng, do thang máy là sản phẩm đặc thù nên việc đánh giá yếu tố này không hề dễ dàng đối với hầu hết người tiêu dùng. Và kết quả là, không ít người tiêu dùng khi mua thang máy đã vô tình bỏ quên yếu tố hợp quy thang máy.
Trên thực tế, các quy định về chứng nhận và công bố hợp quy thang máy là bắt buộc, nhưng không ít doanh nghiệp lại cố tình “ngó lơ”, ngang nhiên đưa sản phẩm chưa được hợp quy ra thị trường, gây nguy hại cho người tiêu dùng.
Chứng nhận hợp quy là gì?
Theo quy định tại khoản 7 và khoản 9, Điều 3, Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH 2018 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Cũng tại khoản 2 điều này, Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình “ngó lơ” các quy định định về chứng nhận và công bố hợp quy thang máy, gây nguy hại cho người tiêu dùng.
Hợp quy có khác hợp chuẩn?
Nhiều doanh nghiệp thang máy khi giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn hoặc hàng đạt quy chuẩn,… Đứng trước những khái niệm này, nhiều người tiêu dùng có thể trở nên lúng túng, không biết thang máy đạt tiêu chuẩn hay quy chuẩn là tốt, và cũng không ít người lại nghĩ rằng hai cụm từ này là giống nhau.
Tuy nhiên, hợp quy và hợp chuẩn lại là hai trạng thái của sản phẩm, hàng hóa khi đã đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, chứng nhận hợp quy được cấp cho sản phẩm đạt quy chuẩn kỹ thuật; chứng nhận hợp chuẩn được cấp cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Điều khác biệt lớn nhất giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn là tiêu chuẩn thực chất chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến cáo, tự nguyện áp dụng. Còn quy chuẩn được cơ quan nhà nước ban hành, bắt buộc các doanh nghiệp phải áp dụng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.
Chứng nhận hợp chuẩn và chứng nhận hợp quy khác nhau ra sao
Mặc dù có nhiều điểm khác biệt nhất định, song chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn đều hướng tới việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.
Tại sao thang máy phải chứng nhận hợp quy?
Như đã phân tích, việc chứng nhận hợp quy không bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm, hàng hóa đang lưu thông trên thị trường mà chỉ đánh vào một số hàng hóa cụ thể.
Theo Khoản 1, Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007, những sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2) phải được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Còn theo Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được ban hành kèm theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH, thang máy các loại nằm tại số 21, Mục I: Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Và theo quy định tại QCVN 02:2019/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, thang máy dù nhập khẩu hay sản xuất cũng phải được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn này bởi tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định hoặc thừa nhận.
Nội dung chứng nhận hợp quy thang máy ra sao?
Theo QCVN 02:2019, việc đánh giá chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy phải bao gồm các nội dung: Kiểm tra về các hồ sơ thiết kế, lý lịch thang máy; Kiểm tra/thử nghiệm các bộ phận/thiết bị an toàn của thang máy.
Cụ thể, các bộ phận an toàn của thang máy, gồm có:
– Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có);
– Bộ hãm an toàn;
– Hệ thống phanh của máy dẫn động;
– Bộ khống chế vượt tốc;
– Bộ giảm chấn;
– Van ngắt/van một chiều
Trên giấy chứng nhận hợp quy phải thể hiện được các thông tin về thang máy, bao gồm:
– Mã hiệu;
– Số chế tạo;
– Nhà chế tạo;
– Xuất xứ;
– Năm sản xuất;
– Đặc trưng kỹ thuật (Loại thang, tải trọng, vận tốc định mức, số điểm dừng, số lượng người cho phép trong thang máy).
– Kết luận về sự phù hợp thiết kế của thiết kế thang máy hoặc các các bộ phận an toàn của thang máy phù hợp với các yêu cầu quy định tại quy chuẩn này.
Giấy chứng nhận sản phẩm hợp quy chuẩn
Tại Điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, có 8 phương thức để chứng nhận hợp quy. Phương thức chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy áp dụng theo phương thức 5, phương thức 7 hoặc phương thức 8.
– Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;
– Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.
Cách nhận biết sản phẩm hợp quy
Để xác định một sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 có được chứng nhận và công bố hợp quy hay không, người tiêu dùng có thể kiểm tra xem sản phẩm đã được gắn dấu CR chưa, nếu có dấu CR tức là sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận hợp quy.
Hình dạng và kích thước của dấu hợp quy được quy định tại Phụ lục I Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua thang máy có thể yêu cầu nhà sản xuất cung cấp Giấy chứng nhận sản phẩm hợp quy chuẩn bản gốc để kiểm tra và bản sao y bản chính để lưu giữ. Tránh tình huống doanh nghiệp chỉ xin cấp một bộ hồ sơ nhưng dùng nhiều bản sao để lừa dối người tiêu dùng.
Tại sao người tiêu dùng cần chú ý tới hợp quy thang máy?
Trong bối cảnh thị trường thang máy như “thiên la địa võng”, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật. Chứng nhận hợp quy thang máy chính là cách để cơ quan Nhà nước kiểm tra, người tiêu dùng làm căn cứ để đánh giá, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Thông qua việc hợp quy, nếu việc sản xuất hàng hóa, sản phẩm không đúng với quy chuẩn kỹ thuật, Nhà nước sẽ đưa ra phương án giải quyết kịp thời nhằm xử lý chủ doanh nghiệp, tránh hàng hóa đó lưu thông ra thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đối với người tiêu dùng thông thường, việc đánh giá thang máy có được sản xuất đúng theo quy chuẩn kỹ thuật, đạt đảm bảo an toàn hay không là điều vô cùng khó. Do vậy, chính các thông tin được xác nhận trong quá trình hợp quy cũng sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Chẳng hạn như, đối với thang máy sản xuất trong nước, muốn được công bố hợp quy thì cần phải thông qua bước đánh giá về sự phù hợp của sản phẩm có đáp ứng với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hay không.
Hay đối với thang máy nhập khẩu các thông tin liên quan tới nguồn gốc xuất xứ như: Thông tin tổ chức, cá nhân nhập khẩu; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; khối lượng, số lượng; cửa khẩu nhập; thời gian nhập; hợp đồng (Contract); danh mục hàng hóa (Packing list); hóa đơn (Invoice); vận đơn (Bill of Lading); tờ khai hàng hóa nhập khẩu…
Tựu chung, các thông tin liên quan tới yếu tố quy chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ được kiểm tra, xác nhận trong quá trình hợp quy sẽ giúp người tiêu dùng tránh mua phải thang máy nhái, giả, kém chất lượng và gây nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng.
Chứng nhận hợp quy giúp tạo lập nên uy tín của sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm chung. Và ngược lại, trong trường hợp không được cơ quan Nhà nước cấp chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp sẽ đưa ra phương hướng điều chỉnh kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn chung mà Nhà nước đưa ra.
Theo chia sẻ của vị chuyên gia Viện Kỹ thuật ứng dụng Thang máy (VILEA – thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam), thời gian qua có không ít trường hợp người dân khiếu nại về việc nghi ngờ chất lượng sản phẩm thang máy. Sau khi khảo sát, đánh giá trực tiếp tại công trình, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều thang máy chưa được hợp quy, không đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật nhưng vẫn được đưa ra thị trường, tới tay người tiêu dùng.
Chuyên gia VILEA cũng đưa ra khuyến cáo, khi chọn mua thang máy, người tiêu dùng cần yêu cầu phía doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, lý lịch thang máy bản gốc để kiểm tra. Dù là thang máy nhập khẩu hay sản xuất trong nước, người tiêu dùng cũng cần phải rà soát lại yếu tố hợp quy thang máy.
Trong trường hợp là thang máy nhập khẩu, người tiêu dùng cũng cần lưu ý thêm tới các giấy tờ như Chứng nhận CO (Certificate of Origin), Chứng nhận CQ (Certificate of Quality and Quantity), Vận đơn B/L (Bill of Lading), Phiếu đóng gói hàng hóa Packing List,…
Trong trường hợp người dân, người sử dụng thang máy nghi ngờ chất lượng sản phẩm, dịch vụ lắp đặt, kiểm định, bảo trì, sửa chữa,… có thể liên hệ Đường dây nóng Hiệp hội thang máy Việt Nam và Tạp chí Thang máy – Số điện thoại: 02473099868; Email: contact@vnea.com.vn hoặc contact@tapchithangmay.vn
Đọc thêm:
Thông tin mới cập nhật