TCTM – Thang máy tại tòa nhà chung cư SA5, thuộc phân khu cao cấp The Sakura, nằm trong Vinhomes Smart City mới đây đã xảy ra sự cố trôi thang máy, khiến nhiều người bên trong thang, gồm cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, bị kẹt bên trong cabin và rơi vào hoảng loạn.
Mới đây, trên các nền tảng mạng xã hội lan truyền những video và hình ảnh ghi lại công tác cứu hộ tại một vụ sự cố kẹt thang máy, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, video ghi lại hình ảnh cư dân mắc kẹt trong thang máy đang nhảy ra bên ngoài khi cabin thang máy đang ở vị trí bị kẹt giữa hai tầng. Đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cứu hộ thang máy an toàn.
Video ghi lại hình ảnh người dân nhảy từ cabin thang máy xuống mặt sàn tòa nhà đang lan truyền trên các nền tảng xã hội, khiến nhiều người quan ngại về vấn đề an toàn trong công tác cứu hộ thang máy
Đi sâu vào tìm hiểu, Tạp chí Thang máy đã kết nối được với chị P.L. – một trong những cư dân bị kẹt thang trong vụ việc trên. Vị cư dân này cho biết sự cố trên xảy ra vào thời điểm lúc 19h50 ngày 19/11/2024 tại tòa SA5 thuộc phân khu cao cấp The Sakura nằm trong Khu Đô thị Vinhomes Smart City.
Chị P.L., cư dân tòa nhà SA5, kể lại rằng vào lúc 19h47 ngày 19/11/2024, khi chuẩn bị vào thang máy để về nhà, chị nghe một số cư dân bàn tán rằng thang máy hôm nay đã xảy ra sự cố rơi tự do. Lo lắng, chị hỏi chồng xem thông tin này có đúng không, nhưng chồng chị cho biết không rõ. Sau đó, chị quyết định tiếp tục sử dụng thang máy.
Vào lúc 19h50, khi chị bước vào thang máy số A2 tại tòa SA5, thang máy di chuyển lên đến khu vực khoảng giữa tầng 3 và tầng 4 thì bất ngờ xảy ra hiện tượng trôi xuống và cabin kẹt lại giữa tầng 1 và tầng 2. Thời điểm xảy ra vụ việc, trong thang máy có nhiều người, gồm cả trẻ em và phụ nữ có thai.
Nhân viên cứu hộ để người dân nhảy từ cabin thang máy số A2 để thoát ra ngoài, dù cabin thang máy đang ở vùng nguy hiểm. (Hình ảnh do độc giả cung cấp)
Kiểu cứu hộ thế này đã từng khiến cho một cư dân rơi vào giếng thang tử vong trong vụ việc tai nạn thang máy xảy ra tại phố Kim Mã năm 2021. (Video do độc giả cung cấp)
Ngay khi xảy ra sự cố, người dân đã bấm nút báo động gọi cho kỹ thuật thì nhận được phản hồi tiếp nhận thông tin và thông báo sẽ xử lý. Sau khoảng 10 phút không thấy ai đến, không thấy tiếng kỹ thuật viên, mọi người bị kẹt trong thang máy tiếp tục ấn gọi liên tục, ấn báo khẩn cấp.
“Kỹ thuật nghe và vẫn trả lời là chờ tí, đã báo với bên cứu hộ rồi, ông ý bảo chỉ trực tiếp nghe máy thôi chứ không trực tiếp cứu hộ nên không biết. Sau đó tôi và mọi người trong thang gọi cho người thân nhờ gọi bảo vệ, nhắn lên nhóm cư dân nhờ giúp đỡ. Và tiếp tục ấn nút gọi cho kỹ thuật, vẫn chỉ nhận được câu trả lời bình tĩnh, chờ tí”, cư dân bức xúc cho biết.
Nhân viên cứu hộ thang máy loay hoay gọi điện nhờ giúp đỡ. (Video do độc giả cung cấp)
Đến 20h30, tức sau 40 phút xảy ra sự cố, kỹ thuật viên mới đến. Tuy nhiên, theo phản ánh của chị P.L. khi tới nơi, kỹ thuật viên lại thiếu chuyên môn, không biết cách xử lý và phải gọi cho người khác giúp đỡ mới mở được cửa thang và sau gần 10 phút nữa mọi người trong thang máy mới được ra ngoài.
Chị P.L. cũng cho hay toà SA5 thuộc phân khu The Sakura nằm trong khu đô thị Vinhomes Smart City được bàn giao từ cuối tháng 9/2024, vì toà nhà mới bàn giao nên chưa bầu ban quản lý toà nhà.
Theo thông tin trên trang chủ của Dự án The Sakura, Đây là phân khu cao cấp mang tinh thần Nhật được phát triển bởi Vinhomes & Tập đoàn BĐS Nhật Bản SAMTY. Quy mô gồm 4 tòa căn hộ SA1, SA2, SA3, SA5 với tổng số căn hộ khoảng 3.300 căn.
Riêng tòa nhà SA5 có tổng 1.110 căn hộ với mật độ căn hộ 30 căn/mặt sàn. Tòa nhà có 8 thang máy tải khách và 2 thang hàng. Thời điểm bàn giao vào tháng 10/2024.
Chuyên gia Nguyễn Thanh Phong từ Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy, thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết: Hành động cứu hộ thang máy như trên là hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những tai nạn thang máy thương tâm.
Theo nguyên tắc cứu hộ thang máy, khi cabin thang máy ở vị trí giữa 2 tầng hoặc khoảng cách từ sàn cabin đến điểm bằng tầng lớn hơn 0,2m thì không được phép mở cửa tầng. Trong trường hợp thang máy có phòng máy – phổ biến tại các tòa nhà cao tầng – quy trình cứu hộ cần được thực hiện chặt chẽ với sự phối hợp của tối thiểu hai nhân viên cứu hộ, cụ thể:
– Nhóm 1 thực hiện lắp tay quay và tay đòn để di chuyển cabin thang máy. Sau khi lắp xong sẽ thông báo cho nhóm 2 để thực hiện nhả phanh và quay puly.
– Nhóm 2 thực hiện nhả phanh và quay puly để di chuyển cabin. Các nhân viên an ninh hỗ trợ và quan sát. Khi vạch sơn trên cáp tải đã trùng với dấu sơn đánh dấu trên bệ máy, lúc này cabin đã về vị trí bằng tầng thì ra tín hiệu để nhóm 2 dừng lại.
Khi cabin đã về vị trí bằng tầng (được xác định bằng dấu sơn trên cáp tải và bệ máy), nhóm 2 sẽ mở cửa thang máy để hành khách thoát ra ngoài. Mọi hành động đưa người ra khi cabin không ở vùng an toàn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây tai nạn cắt/kệt người do cabin trôi hoặc người rơi xuống giếng thang,… – Chuyên gia Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các sự cố trôi thang máy gây kẹt người trong thang, chẳng hạn như sự cố trôi thang tại Tòa chung cư HH03C – KĐT Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội vào ngày 28/11/2024; hay tại Tòa chung cư HH3B thuộc tổ hợp HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội vào ngày 24/10/2024,…
Vấn đề này đã đặt ra câu hỏi cấp thiết về chất lượng bảo trì, sửa chữa và an toàn của hệ thống thang máy, đặc biệt trong các khu chung cư đông dân tại Hà Nội. Nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề này đang nằm ở việc chúng ta đang thiếu hệ thống quản lý con người và giám sát vận hành thang máy một cách quy mô, bài bản.
Theo đó, kỹ thuật viên thang máy cần được chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thông qua quá trình đào tạo nghiêm túc, bài bản, đồng thời phải được quản lý chất lượng thông qua chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ kỹ thuật viên thang máy.
Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
Về quản lý vận hành tòa nhà, hiện năng lực quản lý vận hành an toàn thang máy của nhiều Ban Quản lý tại các khu chung cư còn yếu kém, một số được tập huấn đơn giản về vận hành và cứu hộ chứ không có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về an toàn thang máy.
Hay xét riêng về cứu hộ thang máy, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đều có chương trình đào tạo cứu hộ thang máy cho những đối tượng đặc thù: lực lượng PCCC&CNCH, đội ngũ kỹ thuật tòa nhà,… Thế nhưng, tại Việt Nam lại chưa có quy định về việc kỹ thuật viên bắt buộc phải tham gia vào các khóa học này.
Theo TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” đã đưa ra yêu cầu cụ thể về người thực hiện, năng lực và thời gian thực hiện,… trong công tác cứu hộ thang máy khẩn cấp.
Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” do Hiệp hội Thang máy Việt Nam ban hành
Hiện, Hiệp hội Thang máy Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy nghiên cứu, xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở ngành TCCS 02:2024/VNEA – Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy.
Theo đó, nội dung TCCS 02:2024/VNEA cũng đưa ra các nội dung liên quan tới “Yêu cầu về trình độ kỹ năng nghề của nhân viên kỹ thuật” và “Định mức lao động” trong bảo trì, sửa chữa và cứu hộ thang máy.
Tại sao kỹ thuật viên thang máy phải có chứng chỉ hành nghề?
Hiệp hội Thang máy Việt Nam công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy
Thông tin mới cập nhật