TCTM – Một người phụ nữ 39 tuổi, sống tại Gò Dầu, Tây Ninh, bị gãy cột sống, gãy hai gót chân sau tai nạn rơi thang máy từ độ cao khoảng 4 m.
Chiều 16/7, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh thông tin về việc tiếp nhận một bệnh nhân nữ 39 tuổi bị chấn thương nghiêm trọng ở vùng ngực, thắt lưng và hai gót chân do hệ thống cáp thang máy bị đứt, buồng thang rơi thẳng từ độ cao khoảng 4 mét.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được các bác sĩ nhanh chóng thăm khám, chỉ định chụp MSCT. Kết quả cho thấy người này bị gãy cột sống L1 type C, gãy mỏm ngang L1 bên phải, L2 bên trái và gãy gót hai chân.
Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Hoài Hưng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, cho biết đây là chấn thương nặng, có nguy cơ gây mất vững cột sống, tổn thương tủy sống, dẫn đến liệt chi dưới hoặc rối loạn vận động, đại tiểu tiện nếu không được can thiệp kịp thời.
Sau hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bắt vít qua cuống cột sống thắt lưng bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Ca mổ kéo dài hơn một giờ, do bác sĩ Hưng và ê-kíp phẫu thuật cùng khoa Gây mê Hồi sức thực hiện thành công. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được phẫu thuật kết hợp xương hai gót chân bởi ê-kíp Chấn thương Chỉnh hình.
Sau một ngày hậu phẫu, người bệnh tỉnh táo, giảm đau rõ rệt, có thể vận động nhẹ. Đến ngày thứ 7, tình trạng ổn định, không ghi nhận nhiễm trùng hay biến chứng. Bệnh nhân đang được hướng dẫn vật lý trị liệu để phục hồi vận động, trở lại sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật. (Ảnh: BV).
Theo Chuyên gia Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy, vụ tai nạn thang máy tại Tây Ninh là một sự cố nghiêm trọng, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định an toàn trong vận hành và bảo trì thang máy. Các thang máy hiện đại được thiết kế với nhiều lớp an toàn để ngăn chặn tình huống thang máy rơi tự do:
– Hệ thống cáp: Một buồng thang máy không chỉ sử dụng một mà thường có từ 4 đến 6 sợi cáp thép chịu lực. Mỗi sợi cáp có khả năng chịu tải vượt trội so với trọng lượng định mức của thang. Điều này có nghĩa là ngay cả khi một vài sợi cáp bị đứt, các sợi còn lại vẫn có thể giữ buồng thang máy.
– Bộ khống chế vượt tốc (Governor) và hãm an toàn (Safety Gear): Đây là hệ thống an toàn quan trọng nhất được thiết kế để kích hoạt khi thang máy di chuyển vượt quá tốc độ cho phép. Bộ khống chế vượt tốc sẽ phát hiện tốc độ bất thường và kích hoạt bộ hãm an toàn ở hai bên buồng thang, kẹp chặt vào ray dẫn hướng để dừng thang lại một cách an toàn.
– Hệ thống phanh điện từ: Đây là hệ thống phanh gắn trên máy kéo có chức năng giữ cabin và đối trọng không di chuyển khi thang đã dừng ở vị trí bằng tầng. Nếu phanh bị mòn có thể dẫn tới hiện tượng cabin bị trượt, trôi gây tai nạn.
– Bộ giảm chấn (Buffer): Nằm ở đáy hố thang, bộ giảm chấn có tác dụng hấp thụ năng lượng và giảm thiểu chấn động trong trường hợp buồng thang rơi xuống đáy hố. Tuy nhiên, đây là giải pháp cuối cùng và mục tiêu chính của thiết kế thang máy là không để thang rơi đến mức này.
Hệ thống dây cáp tải cabin thang máy thông thường sử dụng 4 – 6 sợi cáp chắc chắn, để đứt toàn bộ những sợi cáp này là rất khó
Việc thang máy rơi tự do chỉ có thể xảy ra khi toàn bộ các loại cáp tải cabin, cáp bộ khống chế vượt tốc đều bị đứt. Khả năng thang máy bị đứt tất cả các cáp trên và rơi tự do là cực kỳ hiếm, chỉ có thể xảy ra khi có thiên tai địch họa như động đất, sóng thần, nổ bom,…
Vụ tai nạn thang máy tại Tây Ninh, khi buồng thang rơi tự do từ độ cao 4 mét và gây chấn thương nghiêm trọng cho thấy các cơ chế an toàn đã không hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân có thể do hệ thống an toàn bị vô hiệu hóa hoặc thang máy không được bảo dưỡng định kỳ, khiến các tính năng giám sát và bảo vệ không thể kích hoạt khi sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, các linh kiện, thiết bị đã vượt quá tuổi thọ mà không được phát hiện và thay thế kịp thời. Các dây cáp có thể bị mòn, đứt một phần, mất khả năng chịu lực,… Để đảm bảo an toàn tối đa cho người sử dụng, việc bảo trì định kỳ theo đúng quy trình và thay thế thiết bị đúng hạn là yếu tố then chốt.
Các hình ảnh minh họa dây cáp bị hư hỏng: ( a ) Bình thường; ( b ) Dây đứt; ( c ) Hao mòn; ( d ) Biến dạng (đứt sợi); ( e ) Rỉ sét; và ( f ) Mỏi – fatigue (đứt do mỏi).
Mỗi thành phần của thang máy, đặc biệt là các bộ phận chịu tải và an toàn như cáp kéo, puly, má phanh, bộ khống chế vượt tốc, đều có tuổi thọ khuyến cáo. Không nên kéo dài thời gian sử dụng thiết bị quá tuổi thọ nhằm cắt giảm chi phí. Việc này làm tăng đáng kể rủi ro hỏng hóc và mất an toàn.
Kế hoạch sửa chữa dự phòng và sửa chữa lớn có thể thực hiện dựa trên hướng dẫn của nhà sản xuất, bao gồm khuyến cáo về tuổi thọ của các bộ phận, linh kiện và thiết bị. Trong trường hợp nhà sản xuất không cung cấp thông tin này, kế hoạch cần tuân theo Phụ lục B của TCCS 01/2023/VNEA Yêu cầu an toàn trong Quản lý, Sử dụng, Bảo trì và Sửa chữa Thang máy, quy định về khuyến cáo tuổi thọ của các thiết bị hao mòn nhanh của thang máy.
Chẳng hạn, đối với cáp tải máy dẫn động, TCCS 01/2023/VNEA quy định có tuổi thọ trung bình 5 năm, puly dẫn hướng có tuổi thọ 10 năm, puly đổi hướng có tuổi thọ 15 năm,… Tương tự, đối với một số thiết bị hao mòn nhanh trong thang máy như tiếp điểm an toàn cửa được khuyến cáo cần thay thế sau 36 tháng; má phanh là 60 tháng; cảm biến dừng tầng là 36 tháng,…
Tham khảo TCCS 01/2023/VNEA về Yêu cầu an toàn trong Quản lý, Sử dụng, Bảo trì và Sửa chữa Thang máy tại đây:
Chung cư Đại Thanh: Puly, cáp tải thang máy hoạt động 10 năm chưa thay
Đức Minh
Thông tin mới cập nhật