TCTM – 5 nhân viên của một khu nghỉ dưỡng ở Bali đã thiệt mạng sau khi dây cáp thang máy bị đứt, khiến các nạn nhân rơi xuống khe núi. Vụ việc xảy ra vào thứ Sáu tuần trước (1/9/2023).
Theo The Jakarta Post đưa tin, vào khoảng 1h chiều thứ Sáu tuần qua, tức ngày 1/9/2023, 5 nhân viên khách sạn làm việc tại khu nghỉ dưỡng Ayuterra, quận Ubud thuộc đảo Bali đã thiệt mạng sau khi dây cáp thang máy của khu nghỉ dưỡng bị đứt, khiến họ bị rơi xuống khe núi.
Các nạn nhân gồm hai nam và ba nữ. Thang máy của khu nghỉ dưỡng này được thiết kế các cửa sổ bằng kính và lắp đặt ngoài trời, chạy trên đường ray lên dốc 35 độ. Trong khi di chuyển bằng thang máy này thì 5 nạn nhân đã bị rơi xuống khu vực bờ kè gần thang máy có độ dốc 100m, nguyên nhân do dây cáp thép đột ngột đứt.
Đường ray thang máy nghiêng nơi xảy ra tai nạn
Các nạn nhân được xác định là Sang Putu Bayu Adi Krisna, 19 tuổi; Wayan Aries Setiawan, 23 tuổi; Ni Luh Superningsih, 20 tuổi; Kadek Hardiyanti, 24 tuổi và Kadek Yanti Pradewi, 19 tuổi. Tất cả đều làm việc tại bộ phận dọn phòng của khách sạn.
Được biết cả 5 nạn nhân đều là nhân viên của khách sạn
Theo lời kể của Ketut Suwiarta, đầu bếp của khách sạn, anh đã nghe thấy tiếng la hét ngay sau khi 5 người bước vào thang máy, sau đó là tiếng va chạm. Anh cũng cho biết đã nhìn thấy dây cáp bị đứt nên lao tới giúp đỡ nạn nhân cũng như gọi điện cho cơ quan chức năng.
Trong số các nạn nhân, có hai nạn nhân tử vong tại chỗ và ba người tử vong sau khi đưa đến bệnh viện.
Cảnh sát trưởng quận Ubud, ông Comr. I Made Uder cho biết, phía cảnh sát đang điều tra nguyên nhân khiến dây cáp bị đứt. Điều tra sơ bộ cho thấy dây cáp bị đứt do thang máy quá tải.
“Có thể dây cáp không đủ chắc chắn để kéo tải và các thiết bị an toàn như bộ hãm hay phanh thang máy không hoạt động”, ông Uder cho hay.
Cảnh sát cũng đang xem xét khả năng xảy ra sự cố có phải do vấn đề thiếu bảo trì hay không.
Bà Linggawati Utomo, chủ khu nghỉ dưỡng Ayuterra cũng bày tỏ lời chia buồn tới gia đình nạn nhân. “Chúng tôi sẽ chịu mọi chi phí mai táng cũng như các khoản bồi thường cho các gia đình này”, bà nói.
Nhìn chung, tất cả các dòng thang máy đều được trang bị các lớp phòng ngừa bổ sung để đảm bảo an toàn của hành khách khi gặp sự cố. Trong trường hợp thang máy và các thiết bị an toàn thang máy được kiểm tra và bảo trì, bảo dưỡng định kỳ thì việc xảy ra các sự cố như trên là rất hi hữu.
Hầu hết các vụ tai nạn thang máy là kết quả từ lỗi của con người, chứ không phải lỗi cơ học thuần túy của thang máy. Những trường hợp thang máy rơi tự do như sự việc kể trên chỉ xảy ra với các loại thang máy tự chế, không được hợp quy, kiểm định hay không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và được thiết kế sơ sài để tiết kiệm chi phí.
Đối với tất cả các loại thang máy, việc xem nhẹ vấn đề hợp quy thang máy hay không chú trọng tới bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định thang máy có thể dẫn tới các sự cố nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới an toàn tính mạng người sử dụng. Để phòng ngừa các sự cố không may xảy ra, thang máy cần được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ đúng theo quy định (tối thiểu 3 tháng/lần với thang gia đình, 1 tháng/lần với thang tòa nhà).
Để đảm bảo an toàn chung cho công tác quản lý, sử dụng và bảo trì, sửa chữa thang máy, doanh nghiệp thang máy, kỹ thuật viên cũng như chủ sở hữu, người sử dụng thang máy,… có thể tham khảo bộ Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” do Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA, thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam) xây dựng.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật