Khi các thương hiệu thang máy nổi tiếng trên thế giới thành lập các trung tâm sáng tạo, mời về các “giám đốc nghệ thuật” thì hẳn nhiên ngành thang máy đã không còn đơn thuần là ngành công nghiệp sản xuất ra một phương tiện di chuyển, sự tác động của đời sống “duy mỹ” đang lấn chiếm những cỗ máy kim loại to lớn này.
Thang máy ngày nay đã vượt qua định nghĩa chỉ là một phương tiện di chuyển, thang máy dần góp mặt trong không gian như một yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, đôi khi nó còn là yếu tố về điểm nhấn. Giới kiến trúc nhận định rằng thang máy ngày càng có sự giao thoa đến mức không thể tách rời giữa công năng, công nghệ với các yếu tố kể trên. Mỗi không gian có sự góp mặt của thang máy lại mang một phong cách khác nhau, theo đó, bản thân chiếc thang máy cũng cần phù hợp với tổng thể kiến trúc công trình.
Cùng điểm qua những công trình kiến trúc lựa chọn thang máy như một điểm nhấn ấn tượng và độc đáo mà ai từng biết đến đều muốn một lần được trải nghiệm.
Thang máy SkyView nằm ở tòa nhà Ericsson Globe cho phép du khách được ngắm nhìn toàn cảnh Thành phố Stockholm (Thụy Điển) từ trên cao, không hổ danh là quê hương của nhiều thương hiệu thang máy nổi tiếng khắp thế giới. Thang máy SkyView chở được 16 người một lượt, là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.
Thang máy AquaDom tạo nên một điểm nhấn ấn tượng trong không gian khách sạn Radisson Blu (Đức). Đây vốn là bể thủy sinh hình trụ lớn nhất thế giới, với 1.500 cá thể thuộc 97 loài và cần lau dọn 3 – 4 lần mỗi ngày. “Bể cá khổng lồ” này lắp đặt thêm thang máy bên trong để du khách có thể tiện tham quan.
Nghệ thuật dường như ở khắp nơi xung quanh ta. Đời sống “duy mỹ” là khi đồ vật nào cũng được nâng cấp về mặt hình thức theo một phong cách nào đó nhằm nổi bật trên thị trường và nịnh mắt người tiêu dùng. Chúng ta đã không chỉ nhìn trực diện từ góc nhìn thực tế của công năng đồ vật mà nhiều khi mua một món đồ chỉ vì nó “xinh”.
Nếu để thang máy chỉ đơn thuần là một phương tiện di chuyển trong không gian sống, nó sẽ là một khối kim loại cứng nhắc “lệch tông” đứng chơi vơi trong không gian gia đình. Đây chính là bài toán dành cho những người đam mê “nghệ thuật thứ bảy” để tìm ra những sáng tạo kết hợp với công nghệ hiện đại biến những khối sắt thép trở nên hòa nhập với không gian chung.
Những chiếc thang máy kết hợp chất liệu gỗ sang trọng, lồng thang kính tạo không gian mở hay những thiết kế họa tiết ấn tượng đều tạo nên phong cách riêng hài hòa với không gian chung của ngôi nhà, thậm chí còn là một điểm nhấn phá cách.
Trong nhiều thiết kế, thang máy trở thành điểm nhấn trung tâm của cả công trình
Là một cỗ máy, một phương tiện di chuyển nên thang máy trước tiên cần những thông số kĩ thuật chính xác, vật liệu đảm bảo công năng sử dụng, tính an toàn,… nhưng đó mới chỉ là những điều kiện cần. Như con người cần thức ăn, nước uống để tồn tại, còn để đi dài hơn trong cuộc tồn tại ấy thì điều kiện đủ lại là phông nền văn hóa theo từng thời kì sống. Thang máy cũng vậy, mỗi chiếc thang máy cũng cần khoác lên mình những bộ trang phục mang màu sắc nghệ thuật, văn hóa để hòa nhập với đời sống của con người. Đó chính là sự hoàn thiện.
Mảnh ghép này có thể dựa trên việc kết hợp vật liệu như kim loại, gỗ, kính, vải, đá hay sử dụng các chất liệu khác như màu sắc, họa tiết, ánh sáng, âm thanh,… Mảnh ghép ấy cũng có thể tạo nên bức tranh theo nhiều phong cách, trường phái. Nhưng tựu trung, đó phải là một phương thức để chiếc thang máy “cất lời”, vượt lên trên danh xưng của một chiếc thang máy, để thang máy không chỉ là thang máy mà còn là một sự hiện diện, một sự trưng bày, một cuộc trình diễn mang thương hiệu cá nhân của tất cả những con người “chạm” vào chiếc thang máy ấy.
Khi bức tranh hoàn thiện bằng mảnh ghép nghệ thuật tất yếu, đó là khi thang máy không chỉ còn là thang máy.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật