TCTM – Đứng trước mối lo ngại về “làn sóng” thang máy cũ, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các chương trình hỗ trợ cải tạo thang cũ hoặc đưa ra những yêu cầu trong công tác bảo trì, bảo dưỡng, hiện đại hóa hệ thống thang máy hiện tại để đưa chúng trở về trạng thái an toàn nhất cho người sử dụng.
Eric Darmenia
Thư ký Hiệp hội Thang máy Châu Á Thái Bình Dương;
Cố vấn cấp cao Tập đoàn Jardine Schindler Úc.
Thang máy cũ và giải pháp trong bảo trì, sửa chữa thang máy là một trong những vấn đề nổi cộm được đưa ra trong Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế PALEA/VNEA diễn ra ngày 5/10 vừa qua tại Hà Nội. Trong phần tham luận của mình, Thư ký Hiệp hội Thang máy Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA) Eric Darmenia cũng đưa tới các giải pháp, phương thức mà nhiều quốc gia đang áp dụng để giải quyết những lo ngại này.
Theo ông Eric Darmenia, đứng trước những mối lo ngại về vấn đề thang máy cũ, nhiều cơ quan quản lý và hiệp hội thang máy các quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng tích cực thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống thang máy hiện có để nâng cao mức độ an toàn.
Chẳng hạn như Cục Dịch vụ Cơ Điện Hồng Kông (EMSD) đã thiết kế một trang web riêng cho việc bảo trì và hiện đại hóa. EMSD cũng đưa ra 7 giải pháp trang bị bổ sung, nâng cấp an toàn thang máy gồm:
– Hệ thống phanh dẫn động 2 má;
– Hệ thống chống thang di chuyển bất thường (UCMP);
– Bảo vệ cabin vượt tốc chiều lên (ACOP);
– Khóa cửa cabin và bảo vệ an toàn mép cửa;
– Cuộc gọi nội bộ và máy quay an ninh;
– Công tắc bảo vệ va chạm;
– Cứu hộ tự động.
Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng đã hợp tác với Cơ quan Cải tạo Đô thị (URA) để thực hiện “Chương trình trợ cấp hiện đại hóa thang máy” (LIMSS) nhằm thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thang máy trong cộng đồng.
Chương trình này hoạt động thông qua cung cấp những khoản ưu đãi tài chính dành cho các chủ sở hữu tòa nhà, khu dân cư đáp ứng đủ điều kiện hoặc chủ đầu tư khu dịch vụ tổng hợp tư nhân (thương mại và chung cư) nhằm tăng cường an toàn thang máy.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA) cũng đưa ra những quy định trong công tác quản lý hệ thống thang máy như thang máy hoạt động trên 15 năm cần phải kiểm tra thường xuyên các bộ phận an toàn; thang máy hoạt động trên 21 năm thì phải được lắp đặt đủ 8 bộ phận an toàn được chỉ định.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của Tạp chí Thang máy, tại châu Âu, theo thống kê, hơn 1,6 tỷ Euro được các khách hàng châu Âu chi ra chỉ riêng trong năm 2018 để nâng cấp, hiện đại hóa những chiếc thang máy. Việc giữ cho thang máy cũ hoạt động hoàn hảo đã là công việc chính của nhiều công ty thang máy ở châu Âu và ngày càng tăng trên toàn cầu.
Bên cạnh những giải pháp mang tính quốc gia, Thư ký PALEA Eric Darmenia cũng đưa tới các giải pháp, phương thức mà hệ thống thang máy hiện tại có thể được nâng cấp, hiện đại hóa nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thông qua bộ Tiêu chuẩn An toàn cho Thang máy Hiện tại – EN 81-80 (Safety Norms of Existing Lifts – SNEL).
Bộ tiêu chuẩn này là kết quả làm việc trong nhiều năm của các chuyên gia an toàn thang máy, cơ quan chính phủ, cơ quan kiểm định, tổ chức người tiêu dùng và công ty bảo trì, bảo dưỡng.
EN 81-80 – Quy tắc cải thiện độ an toàn cho thang máy chở khách và thang máy chở hàng hiện tại được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2003 với bản sửa đổi cập nhật được xuất bản vào năm 2019. Cụ thể, trong bản EN 81-80:2003, thang máy phải được kiểm tra dựa trên danh sách gồm 74 rủi ro an toàn.
Trong bản cập nhật mới nhất – EN 81-80:2019, danh sách các rủi ro an toàn thang máy được cập nhật thêm 11 mối nguy hiểm mới, tăng từ 74 rủi ro an toàn từ bản tiêu chuẩn cũ lên 85 rủi ro. Phiên bản EN 81-80:2019 mới này giúp giảm khoảng cách an toàn, đưa mức độ an toàn của hệ thống thang máy cũ hiện có đến gần hơn với các dòng thang máy mới được đưa ra thị trường.
Theo ông Eric Darmenia, bộ Tiêu chuẩn EN 81-80:2019 có thể trở thành căn cứ để các chủ sở hữu, cơ quan quản lý, doanh nghiệp thang máy xác định và phân loại các mối nguy hiểm và tình huống nguy hiểm thang máy khác nhau. Song song với đó, EN 81-80:2019 cũng đưa ra các giải pháp khắc phục để cải thiện sự an toàn dựa trên danh sách các rủi ro an toàn.
Các rủi ro mất an toàn cũng được phân loại theo các hạng mục rủi ro cao, trung bình và thấp cùng các giải pháp khắc phục có thể áp dụng. Bên cạnh đó, với danh sách các rủi ro mất an toàn được đưa ra, đây có thể được ứng dụng trở thành cơ sở để kiểm tra các thang máy hiện có nhằm xác định các rủi ro mất an toàn.
Bên cạnh những giải pháp do Thư ký PALEA đề xuất, trong phần tham luận “Những ‘lỗ hổng’ trong Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Thang máy Việt Nam và Sáng kiến từ VNEA” do Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh tới từ Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy, trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng đưa ra những sáng kiến trong xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở ngành TCCS/VILEA.
Trong đó, bộ tiêu chuẩn này cũng đề cập tới vấn đề hiện đại hóa thang máy, đưa ra chi tiết khuyến cáo tuổi thọ các thiết bị chính của thang máy để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đại tu, hiện đại hóa thang máy.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật