TCTM – Đó là chiếc thang máy được thiết kế đặc biệt, được lắp trên tầng thượng của Bệnh viện Dr. Pixley Ka-Isaka Seme Memorial ở KwaMashu, Nam Phi.
Máy bay trực thăng cứu thương thường được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp do khả năng hạ cánh trực tiếp trên mái nhà của bệnh viện. Khi vận chuyển bệnh nhân, tính cơ động và nhanh chóng của máy bay trực thăng cứu thương rất quan trọng, thực hiện mục tiêu vận chuyển nhanh nhất, an toàn nhất và dễ dàng nhất bệnh nhân đến bệnh viện. Thang máy dành cho hoạt động đặc biệt này ngoài việc đảm bảo vận chuyển khẩn cấp nhưng vẫn an toàn cho mọi người còn phải đáp ứng được các điều kiện khắc nghiệt khác.
Bệnh viện Dr. Pixley Ka-Isaka Seme Memorial
Đầu tiên, luật hàng không quy định, không có gì được nhô ra xung quanh khu vực sân bay trực thăng khi trực thăng cất cánh và hạ cánh. Điều này có nghĩa là nóc thang máy phải hoàn toàn bằng phẳng với diện tích bề mặt sân bay trực thăng khi không sử dụng. Và thang máy phải có khả năng đưa cabin lên mặt sân bay trên tầng thượng tòa nhà khi nhân viên và bệnh nhân cần sử dụng thang máy để đi xuống.
Thang máy này được thiết kế đặc biệt để vận chuyển bệnh nhân từ sân bay trực thăng đến phòng cấp cứu trong điều kiện tối ưu. Theo đó, thang máy bao gồm một khung chịu lực kép được dẫn động bởi hai piston tác động trực tiếp. Cabin được cố định ở trên cùng của khung, trong khi phần dưới di động được sử dụng để dẫn hướng thang máy khi nó đi qua mái nhà của tòa nhà. Các piston thủy lực sẽ giúp đạt lực đẩy cao nhất, có thể nâng nhẹ nhàng cabin thang máy từ tầng cấp cứu đến đến khu vực bãi đáp trực thăng. Để tăng độ ổn định và độ cứng, thang máy được trang bị hệ thống xích lá kép cùng các đường ray dẫn hướng được lắp đặt bên trong giếng dưới mái nhà của tòa nhà, giúp giữ thang ổn định khi cabin ở vị trí cao nhất trên mái nhà, ngay cả khi có gió lớn.
Để đáp ứng độ phẳng cho mặt sân bay, mái thang che cabin bằng thép siêu cứng sẽ thành mặt sàn của sân đáp máy bay khi máy bay hạ cánh. Sau khi máy bay dừng lại, cabin thang máy cùng bộ khung thang và mái sẽ nhô lên khỏi mặt bằng sân bay để đón bệnh nhân, nhân viên y tế cùng các thiết bị kèm theo. Sau khi cabin đi xuống, mái che cabin sẽ trở lại bằng phẳng ngang sàn sân bay. Bằng cách này, sân bay trên mái nhà sẽ trở thành mặt phẳng đồng nhất, không có phần nhô ra có thể gây nguy hiểm cho việc hạ cánh trực thăng.
Sân bay trực thăng trên tầng thượng bệnh viện
Một yếu tố khác mà nhà sản xuất phải giải quyết là tìm ra giải pháp ngăn chặn sự ăn mòn. Để chịu được mọi sự thay đổi của thời tiết và môi trường khắc nghiệt mà thang máy hoạt động, hệ thống điện và cabin của thang máy được cấu tạo bằng các vật liệu đặc biệt chống nước và chống ăn mòn. Còn để bảo vệ kết cấu thép của thang máy, các bộ phận cơ khí, chẳng hạn như cabin, cửa cabin và khung cabin được sơn bằng loại sơn chống ăn mòn C5-M dành cho tàu biển, loại sơn có độ bền cao cho các điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Ngoài các tiêu chuẩn trên, thang máy đặc biệt này được thiết kế đặc biệt để vận chuyển khối lượng lớn bao gồm bệnh nhân, nhân viên y tế cùng giường bệnh và các thiết bị y tế kèm theo. Thế nên thang phải được làm bằng vật liệu cứng rắn và có thể chịu được va đập. Thang có tải trọng 1600kg, tốc độ 0,5 m/s, có kích thước cabin rộng 1,4 m, dài 2,53 m và cao 2,52 m.
Mô hình (bên trái) và thang đang hoạt động (bên phải)
Thiết bị Blain Servo (SEV) được tích hợp trong hệ thống điều khiển của thang sẽ cung cấp khả năng tăng tốc và giảm tốc ổn định, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ yếu tố nào như các biến đổi dòng diện hay tác động ngoại vi. Hoạt động của thang máy có thể được theo dõi, ghi lại và điều chỉnh thông qua máy tính xách tay tại chỗ hoặc qua các thiết bị khác từ xa thông qua kết nối internet./.
Lê Hùng (Theo Elevator World)
Thông tin mới cập nhật