TCTM – Tôi từng xem “nước ngoài” là điều gì đó đáng ước mơ, đáng ao ước, trời Tây như xứ thiên đường. Thế rồi…
Trong ký ức của tôi có đại từ “nước ngoài” gắn liền với sự hoành tráng, giàu có, oai phong,… khiến cho tâm trí luôn khuất phục hoàn toàn mỗi khi nghe đến nó.
Thuở mặc quần “thủng đít”, bụng đói meo, chạy theo những chiếc xe “Sim Sơn” hay “Java” để ngửi mùi khói thơm phức rồi về hỏi mẹ những chiếc xe này đổi được bao nhiêu thúng khoai, thúng thóc.
Đó cũng là thời những chú, bác đi học hành, đi xuất khẩu ở Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô về, họ lịch lãm cưỡi trên những chiếc xe đó đi qua tuổi thơ đói khổ của tôi. Khái niệm về “nước ngoài” trong tôi được định nghĩa gián tiếp qua họ đi kèm với sự khâm phục, thèm khát và ngưỡng mộ.
Rồi tiếp đó trong những năm đầu đất nước mở cửa, những chiếc tủ lạnh, ti vi, đài cát-sét,… được nhập từ Nhật Bản, từ Đức có giá trị rất nhiều tiền so với ngôi nhà bốn mùa lộng gió của gia đình tôi.
Có lẽ, những dấu ấn sâu sắc đầu đời đó đã tuyệt đối hóa, thần thánh hóa về nước ngoài trong tiềm thức của nhiều người như tôi. Đó là sự vĩ đại, là tiêu chuẩn, là sự tiến bộ, là thước đo cho mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả ước mơ.
Cho đến một ngày, tôi có một chuyến công tác sang Ý và phải bay chặng Hà Nội – Paris – Milan. Khi dừng chân ở sân bay Charles de Gaulle tại Paris vào buổi sáng, tôi đã phải rất vất vả tìm một buồng toilet để đi vệ sinh vì tất cả những buồng khác đều đầy chất thải không được dội, được dọn, lấm lem bẩn thỉu.
Một sự đổ vỡ về lịch sự, thanh lịch, hoa lệ của “Tây” đã xuất hiện trong tôi.
Rồi tiếp sau đó là những chuyến làm việc với các doanh nghiệp châu Âu, châu Á,… Tôi nhận ra họ không thực sự “thần thánh” như mình từng nghĩ. Họ sẵn sàng loại bỏ mình khi không có lợi, họ sẵn sàng buông bỏ tàn nhẫn đối tác khác để đến với mình khi có lợi hơn mà không thèm băn khoăn đến trách nhiệm dịch vụ, hậu mãi với doanh nghiệp kia,… Họ cũng gian dối và sẵn sàng chối bỏ trách nhiệm khi có thể. Trong quá trình cùng nhau giải quyết công việc thì họ cũng lúng túng và sai lầm như mình mà thôi.
Nói chung, họ cũng có những hành xử thông thường giống như chúng ta chứ không phải là “thần thánh” như trong tưởng tượng bấy lâu nay của tôi.
Cùng lật lại lịch sử ta thấy rằng khi các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập rực rỡ thì châu Âu chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ lạnh lẽo. Vào năm 1402 khi đô đốc Trịnh Hòa của nhà Minh với đoàn chiến thuyền khổng lồ 300 chiếc cùng với hơn 30.000 người trên khắp các bến cảng từ Âu đến Á thì Cristoforo Colombo (người khám phá ra châu Mỹ) còn chưa ra đời.
3 con tàu với biệt danh Nina, Pinta và Santa Maria do Cristoforo Colombo dẫn đầu đã “vô tình” tìm ra châu Mỹ vào năm 1492
Vậy điều gì đã khiến châu Âu nhanh chóng hùng mạnh như vậy?
Đó chính là lối tư duy thoát khỏi sự giáo điều, thoát khỏi sự tự giới hạn bản thân. Họ đã may mắn khi bắt đầu nhận ra sự ngu dốt của bản thân để có ý thức rằng: “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều thứ để nghĩ, để làm. Chỉ có sự hiểu biết hiện tại là hữu hạn còn thế giới là vô hạn.” Do vậy, họ đã cho ra đời máy hơi nước, họ đã biết sử dụng thuốc súng thành vũ khí nguy hiểm để tấn công lại chính quê hương tạo ra nó: Trung Quốc.
Vậy đấy, với trải nghiệm bé nhỏ của mình, tôi viết bài này không có ý bài ngoại hay tự tôn dân tộc, tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ, đạt được rất nhiều kết quả không có giới hạn nếu ta không tự tạo ra giới hạn của mình.
“Tây” cũng như ta, chẳng qua họ đã biết thừa nhận sự ngu dốt và dám xóa bỏ sự sợ hãi của hiện tại để mạnh dạn đi về tương lai mà thôi…
Gió Lào
Thông tin mới cập nhật