TCTM – Hầu hết các doanh nghiệp thang máy Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Tuy nhiên, họ là những hạt nhân của tương lai ngành thang máy Việt. Chính bởi thế, việc hỗ trợ những doanh nghiệp này là điều vô cùng cấp thiết.
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho ngành thang máy, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, khu vực châu Âu,… Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của toàn cầu, các doanh nghiệp thang máy sẽ “căng mình” vươn ra các quốc gia khác để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, lợi nhuận.
Với tiềm lực tài chính – công nghệ, các doanh nghiệp thang máy quốc tế có thể dễ dàng thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt. Cũng chính vì thế, các doanh nghiệp thang máy nội địa đang đứng trước nguy cơ bị “hụt hơi” trên chính “sân nhà” của mình.
Và đây cũng chính là lúc nhà nước cùng Hiệp hội Thang máy Việt Nam cần phối hợp để nâng cao năng lực cho ngành thang máy Việt đầy tiềm năng nhưng còn non trẻ.
Trên thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vị trí hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp này thường gặp nhiều trở ngại khi phải đối diện với biến động kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Và hầu hết các doanh nghiệp thang máy Việt Nam đều là những DNNVV, thậm chí siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này thường bị hạn chế về vốn, quản trị và công nghệ.
Để tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực DNNVV, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hàng loạt các chương trình, đạo luật nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này và coi đây là trụ cột, xương sống của nền kinh tế.
Mặc dù Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt bậc nhất trên thế giới nhưng Chính phủ nước này vẫn hết sức coi trọng sự tồn tại và phát triển của DNNVV. Quốc gia này là nơi khởi đầu về luật hóa chính sách hỗ trợ DNNVV – Luật Hỗ trợ DNNVV của Mỹ (The Small Business Act).
Chính phủ Mỹ thành lập Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ (Small Business Administration – SBA) vào năm 1953, hoạt động như một tổ chức độc lập để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ.
Thông qua việc hỗ trợ vốn và tạo cơ hội ký hợp đồng, SBA giúp doanh nghiệp nhỏ phát triển và tạo việc làm bền vững.
Chẳng hạn như giai đoạn khủng hoảng tài chính các năm 2007-2010, khoản cho vay từ ngân hàng giảm.
Các nhà đầu tư và người cho vay có xu hướng muốn đầu tư vốn vào doanh nghiệp lớn, do các doanh nghiệp nhỏ có lịch sử mức độ tín nhiệm thấp, rủi ro của khoản vay cao.
Để giảm thiểu rủi ro khoản vay, SBA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận khoản vốn bằng cách đảm bảo cho các khoản vay, có nghĩa là doanh nghiệp sẽ không vay vốn trực tiếp mà thông qua SBA.
Khoản vay được SBA bảo đảm từ 500 USD đến 5,5 triệu USD cho phần lớn mục đích kinh doanh như mua tài sản cố định và vốn hoạt động.
Theo thống kê của SBA về tổng doanh thu xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn 1997-2015, tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ tăng gấp đôi từ 200 tỷ USD năm 2005 lên đến 400 tỷ USD năm 2015.
Không chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ hoạt động tiêu thụ sản phẩm tại nước Mỹ, SBA còn quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế và tăng tính cạnh tranh của những doanh nghiệp này bằng những khoản vay dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu, tư vấn và đào tạo cho người đầu tư cũng như doanh nghiệp nhỏ.
Chính phủ liên bang Mỹ được biết đến là người mua lớn nhất thế giới. Hàng năm, những hợp đồng hàng trăm tỷ USD được sử dụng mua hàng hóa và dịch vụ cho cơ quan liên bang. Quốc hội đã đặt yêu cầu tối thiểu 23% khoản chi của Chính phủ phải được sử dụng từ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, số lượng DNNVV chiếm khoảng 99% tổng số doanh nghiệp, giải quyết được việc làm cho hơn 87% tổng dân số đang ở độ tuổi lao động.
Hàn Quốc cũng học tập một số nước trên thế giới và Luật khung về hỗ trợ DNNVV (Framework act on small and medium enterprises) đã được Chính phủ nước này ban hành vào năm 1966 nhằm hỗ trợ và bảo vệ DNNVV trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn phát triển mạnh, lấn át khu vực DNNVV do kết quả của chính sách hướng về xuất khẩu.
Tiếp đó, Hàn Quốc cũng đã thực hiện nhiều chính sách nhằm giúp năng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV. Chẳng hạn như vào đầu những năm 1980, Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích DNNVV phát triển, qua đó DNNVV trở thành những doanh nghiệp vệ tinh cung cấp bán thành phẩm cho các tập đoàn lớn.
Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật Xúc tiến doanh nghiệp hỗ trợ chỉ định một số ngành công nghiệp cũng như một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp này là sản phẩm phụ trợ.
Chính phủ đã định hướng lĩnh vực ưu tiên phát triển là các ngành công nghiệp chế tạo, hình thành loại hình “thung lũng Silicon Hàn Quốc” cho DNNVV, hỗ trợ 50% chi phí trang thiết bị và giảm thuế doanh thu, sử dụng tài sản, đất; giúp các DNNVV có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, năm 2014, Hàn quốc cũng đã đưa ra những quy định rõ ràng về các chính sách miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đối với các DNNVV đang hoạt động trong mọi lĩnh vực.
Ví dụ đối với các doanh nghiệp nhỏ, tùy theo từng trường hợp và điều kiện hoạt động cụ thể theo quy định của pháp luật sẽ được giảm 5%, 10%, 15%, 20% hay 30% hay miễn một số thuế như thuế GTGT, thuế trước bạ đối với bất động sản phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển của các DNNVV.
Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV của các quốc gia trên thế giới cho thấy rằng cho dù nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của khu vực này vẫn hết sức quan trọng với nền kinh tế. Chính phủ cần có những chính sách và bước đi phù hợp hỗ trợ những doanh nghiệp này, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI nhờ một trong những yếu tố thuận lợi là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Và với ngành thang máy, Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến “làm tổ” lý tưởng của các doanh nghiệp quốc tế trong ngành có bề dày kinh nghiệm và lợi thế về vốn.
Chính vì thế, các doanh nghiệp thang máy nội địa non trẻ đang đứng trước nguy cơ bị “hụt hơi” trên chính “sân nhà” của mình.
Việc thu hút doanh nghiệp FDI với mong muốn họ mang vào vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, kết nối thị trường… Tuy nhiên, báo cáo PCI 2022 của VCCI lại cho biết, phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ kết quả kinh doanh năm 2021 của doanh nghiệp khu vực FDI, Bộ Tài chính đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, sự tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài.
Các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm, chưa được cải thiện. Số nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với tổng mức đầu tư.
Chúng ta cần lưu ý, khu vực FDI được nhận nhiều ưu đãi về thuế phí, đất đai. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, mặc dù thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông theo Luật TNDN là 20%, nhưng với ưu đãi miễn, giảm thì mức thuế suất của các doanh nghiệp FDI thường là 5-10%. Một số tập đoàn có dự án lớn mức thuế chỉ là 3-6%. Cho nên, nhiều doanh nghiệp FDI có lợi nhuận cao nhưng nộp thuế lại rất ít.
Khi “sân chơi” với lợi thế nghiêng về các doanh nghiệp FDI (từ ưu đãi thuế phí, đất đai, tiềm lực tài chính), kết hợp với những khó khăn chung của kinh tế trong nước và quốc tế có thể sẽ tiếp tục làm suy yếu nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa, bất kể quy mô, ngành nghề và doanh nghiệp thang máy cũng không nằm ngoài nỗi lo này.
Nhìn vào bức tranh tương phản của doanh nghiệp thang máy nội địa từ sản xuất thiết bị, lắp ráp tới hoạt động thương mại so với các doanh nghiệp thang máy ngoại chỉ hoạt động thương mại như hiện nay, ngoài bản thân doanh nghiệp nội tự thân vận động thì cần sự thay đổi, hỗ trợ của nhà nước.
Có như vậy mới có thể nâng cao sức khỏe doanh nghiệp thang máy Việt, tránh việc bị thâu tóm, cạnh tranh phá giá của doanh nghiệp ngoại.
Việc bị thâu tóm không chỉ là nguy cơ đối với doanh nghiệp nhỏ, ngay cả đối với doanh nghiệp lớn, có bề dày kinh nghiệm cũng cần phải cẩn trọng hơn trong hoạt động M&A.
Doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động vì không có tiềm lực đã là một chuyện, song các doanh nghiệp tiềm năng đang trong thời điểm khó khăn, đứng trước những lời mời chào hấp dẫn của các nhà đầu tư mới, ắt hẳn sẽ bị lung lay.
Đứng trước tình hình trên, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng cần có những hoạt động thiết thực kết nối các doanh nghiệp trong ngành cùng nhau vượt qua khó khăn cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đề xuất ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế khó khăn như hiện nay.
Ngoài ra, Nhà nước cần phải thông qua vai trò của Hiệp hội Thang máy Việt Nam để kết nối tới các doanh nghiệp thang máy Việt Nam, từ đó thấu hiểu những khó khăn chung của ngành thang máy Việt và đưa ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực.
Về phí doanh nghiệp, không thể phủ nhận những lợi ích và hiệu quả kinh doanh do M&A mang lại, song trước khi tiến tới một thương vụ, các doanh nghiệp thang máy Việt cần phải tìm câu trả lời cho câu hỏi, doanh nghiệp nước ngoài có vốn lớn, công nghệ cao, quản lý hiện đại,… thì họ cần gì ở phía đối tác Việt Nam?
Việc trả lời câu hỏi này là rất quan trọng, các doanh nghiệp cần phải xác định rõ để tránh khỏi tình trạng sau bao năm liên doanh, đến lúc phía nước ngoài rút ra thì doanh nghiệp nội không còn gì.
Đa số doanh nghiệp nội chỉ quan tâm đến nguồn vốn của đối tác có mạnh không, khi nào họ rót tiền về mà chưa quan tâm nhiều đến những yếu tố có lợi khác như hấp thu công nghệ, hợp tác chặt chẽ theo mô hình cùng chiến thắng.
Liên doanh là các làm phù hợp và cũng là cách học hỏi nhanh nhất về kinh nghiệm quản lý, quy trình sản xuất, công nghệ,… song xét về sự bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự đứng trên đôi chân của mình, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và sản phẩm có thể chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng.
Tác giả: Phương Trang