TCTM – Đã từng xảy ra nhiều vụ việc người sử dụng rơi vào hố thang máy do cửa tầng mở nhưng không có cabin bên trong dẫn tới chấn thương nghiêm trọng. Dưới đây là một số nhóm nguyên nhân và cách phòng tránh tình trạng này.
Hệ thống cửa thang máy được cấu tạo từ hai lớp cửa, lớp cửa phía trong là cửa cabin và lớp cửa phía ngoài là cửa tầng. Hai cửa này hoạt động theo một quy trình chặt chẽ dựa trên hai yếu tố cơ bản là hệ thống cơ khí và hệ thống điện.
Về hệ thống cơ khí, cabin thang máy sẽ di chuyển đến tầng yêu cầu, tại đây cửa cabin sẽ liên động với cửa tầng bằng hệ thống kiếm cửa cabin và khóa cửa tầng. Khi cabin dừng ngang sàn tầng, kiếm cửa cabin sẽ gạt chốt của khóa cửa tầng, khi đó mô tơ cửa trên nóc cabin sẽ được kích hoạt để hai cửa cùng mở ra.
Về hệ thống điện, cửa tầng và cửa cabin thang máy chỉ được mở khi cả hai nằm cùng một vị trí bằng tầng. Còn trong trường hợp vì một sự cố nào đó dẫn tới cửa tầng mở/chưa đóng hoàn toàn thì sẽ cắt mạch điện an toàn và hệ thống thang máy sẽ ngừng hoạt động vì bộ xử lý hiểu là thang máy không đủ an toàn để hoạt động.
Khi đang ở trạng thái tĩnh, cửa tầng chỉ có thể mở được bằng chìa khóa chuyên dụng. Theo QCVN 02:2019/BLĐTBXH có nêu: “Trong quá trình vận hành bình thường, không thể mở cửa tầng (hoặc bất kỳ cánh cửa nào trong trường hợp cửa nhiều cánh), trừ khi cabin đã dừng, hoặc ở vị trí dừng nằm trong vùng mở khóa của cửa đó.”
Theo TCVN 6395:1998 về thang máy điện: Vùng mở khóa – Unlocking zone là vùng được giới hạn ở phía trên và dưới mức sàn của tầng dừng, khi sàn cabin ở trong vùng này cửa tầng mới có thể mở được theo cửa cabin.
Cửa tầng thang máy được trang bị khóa tam giác hoặc chữ T chuyên dụng không có sẵn trên thị trường
Trong bất kỳ trường hợp nào, khi cửa tầng mở thì cabin sẽ không di chuyển và đưa ra cảnh báo mất an toàn trên màn hình hiển thị hoặc thông qua hệ thống giọng nói để đảm bảo an toàn.
Còn nếu cabin đang di chuyển, vì bất cứ lý do gì mà cửa tầng mở ra thì thang máy sẽ ngừng hoạt động. Nhìn chung, thang máy khi được lắp đặt đúng kỹ thuật thì sẽ không hoạt động nếu một trong các tiếp điểm chưa đóng kín hẳn (mạch hở).
Theo một nghiên cứu của Elevator World, hơn 40% các tai nạn thang máy xảy ra liên quan đến cửa thang, bao gồm cả cửa tầng và cửa cabin. Và một trong những sự cố liên quan đến hệ thống cửa thang máy là tình trạng cửa tầng mở ra những không có cabin, khiến hành khách rơi vào trong hố thang, dẫn tới chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.
Hệ thống cửa tầng và cửa cabin thang máy:
Cửa tầng và cửa cabin là hai thiết bị có tần suất hoạt động cao, do vậy chốt cửa tầng và kiếm cửa theo thời gian sử dụng dễ bị mài mòn, hư hỏng hay thậm chí chốt cửa tầng có thể bị gãy, không còn tác dụng chốt cửa. Trong trường hợp này có thể dẫn tới tình huống cabin thang chưa xuống đến tầng yêu cầu hoặc đã chạy qua nhưng cửa tầng vẫn mở.
Chốt cửa tầng thang máy
Ngoài ra, hệ thống cửa tầng và cửa cabin thang máy còn được trang bị ray dẫn hướng và shoes dẫn hướng giúp định hướng chạy cho cửa thang, đảm bảo hệ thống cửa đóng mở trơn tru khi thang về bằng tầng.
Ray dẫn hướng và shoes dẫn hướng cũng giúp cho cửa thang máy chịu được lực va đập nhất định, tránh tình trạng bị bung cửa. Trong trường hợp không được kiểm tra định kỳ, hệ thống này có thể có thể bị hư hỏng dẫn tới tình trạng bung cửa khi có ngoại lực tác động, khiến người rơi vào giếng thang.
Hệ thống phanh thang máy – Hệ thống puly và cáp tải
Tình trạng thang máy mở cửa nhưng không có cabin còn có thể đến từ việc cabin thang máy bị trôi/di chuyển ngoài ý muốn. Hiện tượng thang máy di chuyển ngoài ý muốn là khi thang máy di chuyển nhưng cửa tầng và cửa cabin chưa đóng hoàn toàn, dẫn tới những chấn thương nghiêm trọng. Các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể do hỏng hệ thống phanh, thiếu lực hãm,… Cụ thể:
Đối với hệ thống puly và cáp tải: Thang máy hoạt động theo chế độ dẫn động bằng lực kéo. Khi puly quay, cabin chuyển động lên xuống nhờ lực kéo được tạo ra bởi ma sát giữa rãnh puly kéo và dây cáp. Lực kéo sẽ giảm đi khi rãnh puly kéo bị mòn nghiêm trọng khiến dây cáp trượt trong rãnh puly kéo, gây ra chuyển động ngoài ý muốn của cabin.
Đối với hệ thống phanh: Khi thang máy ở trạng thái tĩnh, má phanh bám chặt vào tang trống phanh (brake-drum) để giữ cabin bằng tầng, không bị trượt (tang trống phanh được gắn vào puly kéo). Trong trường hợp má phanh bị mòn nghiêm trọng hoặc còn sót một ít dầu mỡ trên bề mặt tang trống phanh, điều này có thể khiến cabin thang máy chuyển động ngoài ý muốn.
Sơ đồ hệ thống phanh thang máy
Tại cửa tầng và cabin thang máy được lắp đặt khá nhiều thiết bị an toàn. Ngoài việc đảm bảo cửa tầng và cabin hoạt động bình thường thì các thiết bị này còn phát tín hiệu để cảnh báo khi có hư hỏng hoặc mất an toàn.
Đối với các loại thang kém chất lượng, hệ thống mạch an toàn không đảm bảo hay báo lỗi phải sửa chữa liên tục gây gián đoạn sử dụng.
Để xử lý tình trạng này, một số nhân viên kỹ thuật trình độ năng lực kém không phát hiện lỗi,… đã vô hiệu hóa hoặc “câu tắt” thiết bị an toàn khiến cho hệ thống liên động cửa bị vô hiệu hóa. Tức là cabin vẫn hoạt động ngay cả khi cửa tầng vẫn mở, gây nguy hiểm tính mạng cho người dùng thang máy.
Hiện tượng cửa tầng mở nhưng không có cabin còn đến từ việc nhiễu hệ thống điện kích hoạt mở cửa tầng do hệ thống điện không có đầy đủ các cấp độ bảo vệ, đặc biệt thường xảy ra với loại thang máy chỉ có một lớp cửa tầng (homelift).
Bên cạnh những lỗi kỹ thuật, có nhiều nguyên nhân khác dẫn tới sự cố cửa tầng mở nhưng không có cabin thang. Chẳng hạn như việc sử dụng nhân viên kỹ thuật thiếu trình độ năng lực, không kiểm tra kỹ càng hiện trạng của thang hoặc sử dụng linh kiện, thiết bị kém chất lượng,…
Ngoài ra, trong một số trường hợp nhân viên kỹ thuật đang thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa nhưng quên đóng cửa tầng để đi chỗ khác và không có người trực, khiến người sử dụng có thể bị bước hụt chân vào giếng thang.
Do vậy, việc sử dụng nhân viên kỹ thuật được đào tạo và kiểm tra chứng chỉ nghề trước khi thực hiện công việc là điều vô cùng cần thiết.
Về phía người sử dụng, thang máy được coi là một trong những phương tiện di chuyển an toàn bậc nhất, xác suất xảy ra tai nạn là 1/7.000.000. Tuy nhiên, không vì thế mà hành khách khi sử dụng thang máy có thể lơ là, bỏ qua những nguyên tắc an toàn khi sử dụng. Tránh việc việc lơ đễnh, sử dụng điện thoại hay mải trò chuyện,… khi sử dụng thang máy.
Hành khách lơ là, không quan sát trước khi bước ra/vào thang máy
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, người dùng cũng cần phải chú ý quan sát lối ra vào, cửa thang, đèn tín hiệu,… để tránh các sự cố về kỹ thuật có thể bất ngờ xảy ra và cần chắc chắn cửa tầng đang mở và cabin về bằng tầng mới được bước vào.
Trong trường hợp muốn mở/giữ cửa thang máy, chỉ nhấn nút mở thang trên bảng điều khiển một lần, không nhấn giữ quá lâu hoặc sử dụng tay/chân/vật dụng khác để giữa cửa thang khi đang đóng lại,…
Về phía chủ sở hữu/ban quản lý, phần lớn các tai nạn thang máy đều đến từ hệ thống cửa bị hư hỏng, do đó khi lựa chọn cửa thang máy cũng như hệ thống truyền động cửa thang cần phải lưu ý lựa chọn các thương hiệu uy tín như Wittur (Đức), Fermator (Đức),… Ngoài ra, cần đảm bảo công tác bảo trì, bảo dưỡng và kiểm định thường xuyên (tối thiểu 3 tháng/lần với thang gia đình, 1 tháng/lần với thang tòa nhà).
Hệ thống phòng tránh cabin thang máy chuyển động ngoài ý muốn (Unintended Car Movement Protection – UCMP) đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm gia tăng độ an toàn cho thang máy.
Theo quy chuẩn kỹ thuật tại QCVN 02:2019/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, các bộ phận an toàn của thang máy, gồm có:
– Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có);
– Bộ hãm an toàn;
– Hệ thống phanh của máy dẫn động;
– Bộ khống chế vượt tốc;
– Bộ giảm chấn;
– Van ngắt/van một chiều
Bên cạnh những thiết bị an toàn nói trên, chủ sở hữu/ban quản lý cũng nên cân nhắc lắp đặt thêm Hệ thống phòng tránh cabin thang máy chuyển động ngoài ý muốn (Unintended Car Movement Protection – UCMP). Đây là giải pháp có chức năng dừng thang máy khi cabin chuyển động ngoài ý muốn gây ra bởi sự cố của bất kỳ bộ phận nào trong trường hợp cửa tầng và cửa cabin không khóa.
Hệ thống UCMP đã được đưa vào tiêu chuẩn thang máy tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới chẳng hạn như: Tiêu chuẩn Quốc gia SS550:2009 về thang máy của Singapore; Tiêu chuẩn Lắp đặt An toàn và Sản xuất Thang máy (GB7588-2003+XG1) của Trung Quốc và bộ “Hướng dẫn hiện đại hóa thang máy hiện có” do Cục Dịch vụ Cơ điện Hồng Kông soạn thảo,…
Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về giải pháp UCMP tại: UCMP – Hệ thống phòng tránh cabin thang máy chuyển động ngoài ý muốn.
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật