TCTM – Cho tới nay tên gọi của các linh kiện, thiết bị, bộ phận của thang máy vẫn là mỗi công ty gọi một kiểu, thậm chí trong cùng một công ty cũng mỗi người gọi một kiểu. May mắn thì tên gọi khác nhau nhưng vẫn hiểu giống nhau. Không may thì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, có những nhầm lẫn về ngôn ngữ nhưng phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian và cả an toàn tính mạng.
Nếu bạn yêu bóng đá và thường xem giải Ngoại hạng Anh Premier League, có lẽ bạn sẽ gặp không ít lần trên sóng truyền hình những bình luận viên thuộc các thế hệ khác nhau ngồi cùng bàn để bình luận về một đội bóng, một địa danh nào đó và không ít lần mỗi người nói… theo cách của mình.
Điển hình nhất là đội bóng tôi yêu có tên tiếng Anh là Arsenal. Những bạn trẻ, đã quen sử dụng tiếng Anh thường phát âm là Ơ-xe-nồ gần với phát âm của người Anh. Những anh chị có thâm niên hơn trong ngành, đã quen với phát âm theo kiểu người Việt thì đọc là A-xe-nan. Cùng nói về một đối tượng, ngồi cùng một “mâm” mà ông nói gà, bà nói vịt thì người xem như mình không khỏi khó chịu. Không biết ai nói ngọng, ai nói… “thõi”.
Nhưng cả hai đều có lý của họ.
Về địa danh, tên riêng thường người ta phát âm theo cách mà người bản xứ phát âm về địa danh đó. Bởi vậy, các bạn trẻ đã rất đúng khi áp dụng nguyên tắc này. Nhưng, bên kia cũng… đúng, bởi ngôn ngữ là quy ước, là thói quen phát âm. Từ xưa đến nay (có lẽ từ thời Ngoại hạng Anh được truyền hình tại Việt Nam hơn 20 năm trước) người ta vẫn gọi Arsenal là A-xe-nan.
Đó là trên truyền hình quốc gia. Còn trong đời sống thường ngày, câu chuyện phương ngữ cũng gây ra không ít chuyện dở khóc dở cười.
Anh bộ đội miền Bắc hành quân qua vùng Quảng Bình ở nhờ nhà dân một dạo, trước khi đi, ông lão chủ nhà thân tình hỏi anh:
– Ngoài Bắc gọi bọ là gì?
– Dạ gọi là dòi ạ.
– Vậy khi mô anh về ngoài Bắc thì cho “Bọ” hỏi thăm “Dòi” ngoài đấy nhé.
Lúc ấy cậu mới vỡ lẽ ra “bọ” là cách người Quảng Bình gọi “bố” chứ không phải loài sinh vật cậu tưởng.
Trong các văn bản, tài liệu văn viết hiện nay (cả bản cứng và bản online), chúng ta cũng dùng ngôn ngữ rất… thoải mái.
Thường, những từ nhập khẩu tiếng Anh chúng ta giữ nguyên cách viết bằng tiếng Anh, còn ai đọc thế nào là tùy năng lực từng người. Một thời, báo Nhân Dân đã đưa ra cách phát âm theo kiểu phiên âm tiếng Việt, nhưng có lẽ đã thất bại.
Ở ngành thang máy, sự “nhầm lẫn” về ngôn ngữ nhiều khi được trả giá bằng tiền. Có một công ty nọ, khi một nhân viên kỹ thuật sửa chữa thang máy thông báo về bộ phận văn phòng để đặt một thiết bị thay thế. Đơn hàng được phê duyệt và gửi ra nước ngoài để đặt hàng. Sau mấy tháng, hàng về đến chân công trình mới biết là nhầm bởi cách hiểu khác nhau cho thiết bị đó.
Ngôn ngữ các nước trên thế giới đã thay đổi rất nhiều bởi hội nhập quốc tế. Chúng ta không thể dùng ngôn ngữ “địa phương” để mô tả về một khái niệm phổ thông nào đó trên thế giới, bởi dịch ra quá dài hoặc không bao hàm hết nội hàm ý nghĩa.
Ngôn ngữ của nhiều quốc gia thường xuyên được bổ sung, thay thế để phù hợp hơn với thời đại, đơn giản hóa ngôn ngữ bằng cách nhập khẩu các từ ngoại lai phổ biến (chủ yếu là tiếng Anh). Nhưng họ không dùng vô tội vạ như chúng ta mà lập tức bổ sung vào từ điển với cách viết, cách đọc và định nghĩa đồng nhất. Ngay cả từ điển Oxford cũng đã bổ sung vào kho ngôn ngữ của mình không ít từ tiếng Việt như:
Bánh mì: banh mi /ˈbɑːn miː/
Áo dài: ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/
Phở: pho /fə ː/
Bởi họ cũng biết rằng, không có từ tiếng Anh nào mô tả một cách đầy đủ các khái niệm trên.
Thay vì cách gọi “Vietnamese bread” (bánh mì Việt Nam) thì các từ điển tiếng Anh đã ghi nhận trực tiếp từ tiếng Việt (Ảnh: Từ điển Merriam-Webster danh tiếng của Mỹ bổ sung từ vựng “bánh mì” năm 2022)
Thang máy là ngành kỹ thuật và các thuật ngữ, cách gọi các linh kiện, thiết bị trong đó sử dụng rất nhiều từ xuất xứ từ tiếng nước ngoài. Ngoài một số từ kỹ thuật phổ biến đã được Việt hóa, phần lớn tên gọi các bộ phận, chi tiết máy, các khái niệm trong thang máy vẫn tương đối mới và thường được dịch từ tiếng Anh hoặc sử dụng luôn tiếng Anh để gọi.
Bởi vậy, cho tới giờ vẫn là mỗi công ty gọi một kiểu, thậm chí trong cùng một công ty thì mỗi người cũng gọi một kiểu. May mắn thì tên gọi khác nhau nhưng vẫn hiểu giống nhau. Không may thì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” dẫn đến hậu quả mất tiền như công ty đã nói ở trên.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng xã hội, các trang web chính thức, các văn bản chính thống (catalogue, báo giá…) của các công ty thang máy một số ví dụ cho sự đa dạng của ngôn ngữ ngành:
– Hãm an toàn, phanh cơ, phanh chống rơi
– Ngàm dẫn hướng, su trượt, guốc trượt, shoe dẫn hướng, shoes trượt,
– Hố thang, giếng thang.
Các bạn thấy đấy, hai gạch đầu dòng ở trên đang nói về cùng một thiết bị với cách gọi khác nhau, còn gạch đầu dòng cuối đang nói về hai khái niệm khác nhau nhưng vẫn thường bị nhầm lẫn.
Thử tra cứu một tên gọi thiết bị thang máy là “su dẫn hướng” đã có thể thấy nhiều cách gọi khác nhau giữa các doanh nghiệp
Nói dông dài như ở trên cũng để đi đến một kết luận rằng cần phải có một cách viết, cách đọc và định nghĩa cho từng thuật ngữ, khái niệm thống nhất.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không dám bàn đến các ngành khác mà chỉ muốn nói về ngành thang máy.
Hiện nay, chúng ta có 32 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đang còn hiệu lực về thang máy và theo tôi những thuật ngữ, từ ngữ được sử dụng trong TCVN và QCVN (dù có được định nghĩa hay không) phải được lấy làm chuẩn và những khái niệm này thường cũng được bổ trợ bằng một thuật ngữ tương ứng bằng tiếng Anh theo các tiêu chuẩn quốc tế mà chúng ta áp dụng hoặc tham khảo như ISO, EN, IEC.
Cùng một món ăn, đồ vật, loại cây,… nhưng Bắc – Trung – Nam mỗi nơi gọi một kiểu là tình trạng rất phổ biến
Đây là một thuận lợi, một nguồn tài liệu mà chúng ta – các doanh nghiệp thang máy nhiều khi không chú trọng tìm hiểu để đưa vào ứng dụng trong nội bộ doanh nghiệp mình.
Dĩ nhiên, những khái niệm trong TCVN đều mang tính học thuật, ngôn ngữ có thể không gần với cách mà chúng ta vẫn hay nói và khái niệm ở đây vẫn rất ít so với những khái niệm mà chúng ta cần chuẩn hóa. Nhưng ít nhất chúng ta đã có một cơ sở, một cách tiếp cận để từ đó phát triển thành bộ từ điển ngành.
Trong từ điển đó, tôi đang hình dung chúng ta sử dụng những ngôn từ chuẩn, đơn giản, có tính chất kết nối chặt chẽ quốc tế, gần gũi với người sử dụng (doanh nghiệp, kỹ thuật viên thang máy và người tiêu dùng). Chúng ta cũng có thể minh họa chúng bằng hình ảnh thực tế, mô tả chúng theo vị trí lắp đặt và/hoặc công dụng của chúng, thậm chí, chúng ta cũng có thể cấp cho các thiết bị phổ biến một mã định danh để dễ dàng trong việc quản lý trong toàn ngành.
Thật là may mắn khi biết rằng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã nghiên cứu, tìm hiểu và sắp tới cho ra mắt ấn bản đầu tiên của Từ điển Ngành thang máy với hơn 500 khái niệm cùng định nghĩa mô tả chi tiết.
Huy Nguyễn
Thông tin mới cập nhật