TCTM – Khi nói rằng “kinh tế vận hành bằng niềm tin”, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là câu nói mỉa mai, vô căn cứ. Thế nhưng, đây thực chất lại là một lời khẳng định.
Kinh tế học là một chủ đề phức tạp và để hiểu một cách dễ dàng hơn chúng ta có thể hình dung thông qua một ví dụ cơ bản được nhà nghiên cứu lịch sử người Isreal Yuval Noah Harari đề cập trong cuốn “Sapiens: Lược sử loài người”.
“Samuel Greedy, một nhà tài chính thông minh, sáng lập ra một ngân hàng ở El Greedy, California.
A.A.Slyter, một nhà thầu tháo vát sống ở El Dorado, khi kết thúc công việc lớn đầu tiên, nhận được thanh toán bằng tiền mặt lên tới 1 triệu đô-la. Ông liền gửi số tiền này vào ngân hàng Greedy. Ngân hàng lúc đó có số vốn 1 triệu đô-la.
Trong khi đó, Jane McDoughnut, một đầu bếp giàu kinh nghiệm nhưng nghèo ở El Dorado, nghĩ rằng cô nhìn thấy một cơ hội kinh doanh – không có tiệm bánh nào thực sự ngon trong khu phố của cô. Nhưng cô không có đủ tiền để mua một cơ sở thích hợp, trang bị đầy đủ những lò nướng, chậu rửa, dao và nồi chảo. Cô đến ngân hàng, trình bày kế hoạch kinh doanh của mình với Greedy, và thuyết phục ông rằng đó là một vụ đầu tư sinh lợi. Ông đồng ý cho cô vay số tiền 1 triệu đô-la bằng việc ghi số tiền nợ đó vào tài khoản ngân hàng của cô.
McDoughnut sau đó thuê nhà thầu Slyter xây dựng và trang bị cho tiệm bánh của cô. Giá thuê Slyter là 1 triệu đô-la.
Khi cô trả công bằng một tấm sec trích từ tài khoản của cô, Slyter đem gửi số tiền đó vào tài khoản cá nhân ở ngân hàng của Greedy.
Như vậy, Slyter có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng của mình? Đúng, 2 triệu đô-la.
Bao nhiêu tiền mặt thực sự nằm trong két sắt của ngân hàng?
Vâng, 1 triệu đô-la.
Chuyện không dừng lại ở đó. Do thói quen của nhà thầu, sau hai tháng vào việc, Slyter thông báo với McDoughnut rằng, do những vấn đề và chi phí bất ngờ, hóa đơn cho công việc xây dựng tiệm bánh thực tế là 2 triệu đô-la. McDoughnut không hài lòng, nhưng cô khó có thể ngừng việc nửa chừng. Vì vậy cô đến ngân hàng lần nữa, thuyết phục Greedy cho cô vay thêm một món tiền, và ông đặt thêm khoản nợ 1 triệu đô-la vào tài khoản của cô. Cô chuyển tiền vào tài khoản của nhà thầu.
Giờ đây Slyter có bao nhiêu tiền trong tài khoản của mình? Ông có 3 triệu đô-la.
Nhưng bao nhiêu tiền thực sự nằm trong két sắt ngân hàng? Vẫn chỉ là 1 triệu đô-la. Trong thực tế vẫn là món tiền 1 triệu đô-la trong ngân hàng từ đầu đến giờ.”
Luật ngân hàng các quốc gia cho phép nhà băng có thể lặp lại hoạt động này nhiều lần, số lần dựa trên từng quy định cụ thể của mỗi quốc gia. Chẳng hạn như, các ngân hàng được phép cho vay 10 đô-la cho mỗi 1 đô-la mà họ thực sự sở hữu.
Nếu tất cả chủ tài khoản ngân hàng đột nhiên đòi rút toàn bộ tiền của họ, ngân hàng đó sẽ sụp đổ ngay lập tức, trừ khi có sự can thiệp của chính phủ.
Trong ví dụ về tiệm bánh, trên thực tế, tiệm bánh chưa nướng một ổ bánh nào, nhưng McDoughnut và Greedy dự đoán một năm sau sẽ bán được hàng ngàn ổ bánh mỗi ngày và thu lãi lớn. McDoughnut khi đó có thể trả khoản tiền vay của mình với tiền lãi. Nếu trong thời điểm đó, Slyter quyết định rút khoản tiết kiệm của mình, Greedy sẽ có đủ tiền mặt để trả.
Như thế, toàn bộ nền kinh tế được thiết lập trên sự kỳ vọng vào một tương lai giả định – sự kỳ vọng của những doanh nhân và ngân hàng vào tiệm bánh trong mơ, cùng sự kỳ vọng của nhà thầu vào khả năng thanh toán trong tương lai của ngân hàng.
Những gì cho phép các ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế có thể tiếp tục tồn tại và phát triển được đến từ chính sự kỳ vọng và niềm tin của chúng ta vào tương lai.
Sẽ ra sao khi niềm tin bị thử thách?
Hãy xem xét câu chuyện tiệm bánh một lần nữa. Nếu McDoughnut thiếu niềm tin rằng tiệm bánh trong tương lai của cô sẽ “ăn nên làm ra” thì cô sẽ không vay ngân hàng để đầu tư. Nếu không đầu tư, không có tiệm bánh trong mơ nào thì nhà thầu cũng không có việc để làm. Nếu không có tiệm bánh và nhà thầu cũng không có việc để làm thì cũng không có tiền để gửi ngân hàng. Còn ngân hàng thì cũng không thể huy động vốn để thực hiện các hoạt động tín dụng của mình.
Ngược lại, khi Jane McDoughnut có kỳ vọng rằng tiệm bánh của cô sẽ thành công và mang lại lợi nhuận. Niềm tin này khiến cô quyết định vay tiền từ ngân hàng để mở tiệm. Khi cô trả tiền cho nhà thầu, nhà thầu sẽ sử dụng tiền đó để mua sắm vật liệu và trả lương cho nhân viên. Điều này sẽ tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động.
Khi tiệm bánh bắt đầu hoạt động và bán được bánh, McDoughnut sẽ sử dụng tiền thu được để trả nợ cho ngân hàng. Sau đó, cô tiếp tục kỳ vọng vào một tương lai về một chuỗi cửa hàng bánh mới.
Quá trình này sẽ lặp lại, tạo ra một vòng tròn của nền kinh tế và thúc đẩy sự tăng trưởng.
Có thể thấy rằng niềm tin và sự kỳ vọng vào tương lai đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Niềm tin thúc đẩy các hoạt động đầu tư, tín dụng, tiêu dùng,… Nhờ có niềm tin, doanh nghiệp có thể huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng có thể yên tâm chi tiêu và nền kinh tế có thể phát triển bền vững.
Ngược lại, đặt trong bối cảnh kinh tế biến động, nhiều yếu tố bất ổn và các kênh đầu tư thì trở nên rủi ro, niềm tin và sự kỳ vọng của con người bị suy yếu, các chủ thể kinh tế sẽ có xu hướng tăng tích trữ, đồng thời giảm đầu tư, tiêu dùng và tín dụng.
Tương tự, quay trở về câu hỏi “Tại sao hết tiền?” được đề cập từ đầu, câu trả lời cũng chính là khi niềm tin bị suy yếu.
Các nhà kinh tế học phân chia tiền thành 2 loại: tiền chủ yếu được mọi người và các công ty dùng cho các giao dịch gọi là “tiền hoạt động”; tiền được dùng để tiết kiệm và tích lũy gọi là “tiền nhàn rỗi”.
Cùng một lượng tiền mặt, cung tiền (tổng tiền tệ được đưa vào lưu thông) nếu được quay vòng nhanh sẽ tạo ra cảm giác nhiều tiền, ngược lại cung tiền quay chậm sẽ tạo ra cảm giác thiếu tiền. Càng có nhiều tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, tốc độ vận chuyển của tiền càng giảm.
Để hiểu đơn giản, giả sử có 100 triệu đô la tiền mặt trong nền kinh tế. Nếu tốc độ quay vòng của đồng tiền là 10 lần, tức là mỗi đô la được sử dụng 10 lần trong một năm. Điều này có nghĩa là trong một năm, tổng số tiền được sử dụng trong nền kinh tế là 1 tỷ đô la.
Nếu tốc độ quay vòng của đồng tiền là 5 lần, tức là mỗi đô la được sử dụng 5 lần trong một năm. Điều này có nghĩa là trong một năm, tổng số tiền được sử dụng trong nền kinh tế là 500 triệu đô la.
Trên thực tế, nền kinh tế thời tiền hiện đại giữ nguyên quy mô trong hầu hết các giai đoạn lịch sử. Đúng là sản lượng toàn cầu đã tăng lên, nhưng hầu hết là do tình trạng tăng dân số, và việc định cư ở những vùng đất mới. Sản lượng bình quân đầu người vẫn không thay đổi.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi ở thời hiện đại. Năm 1500, sản lượng hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới tương đương khoảng 250 tỉ đô la; ngày nay nó dao động ở tầm 60.000 tỉ đô la. Quan trọng hơn, vào năm 1500, sản lượng bình quân đầu người hàng năm trung bình là 550 đô la, trong khi ngày nay, mọi người, nam nữ và trẻ em, trung bình sản xuất khoảng 8.800 đô la một năm.
Sự tăng trưởng kỳ diệu này cũng đến từ yếu tố niềm tin và sự kỳ vọng của chúng ta vào tương lai.
Vận tốc của tiền liên quan đến tần suất của các giao dịch tiền tệ trong nền kinh tế. Vận tốc của tiền cao thường là dấu hiệu của nền kinh tế lành mạnh, bởi tiền được trao tay để giao dịch hàng hóa nhanh, vòng quay của tiền diễn ra nhanh hơn.
Ngược lại, vận tốc quay của cung tiền chậm có thể đến từ việc sản xuất kinh doanh chậm chạp, trì trệ và nhiều người giảm chi tiêu, đưa tiền vào những tài sản dự trữ hay “chôn” tiền ở một nơi nào đó để đảm bảo an toàn – nhìn chung, sâu xa vẫn là yếu tố niềm tin.
Hàng nghìn tỷ đô đang chảy qua chảy lại trong nền kinh tế toàn cầu, tiền tuôn chảy từ ngân hàng ra rồi lại quay về ngân hàng, tất cả dựa vào hai chữ “niềm tin” mà hoạt động. Và khi nói rằng “kinh tế vận hành bằng niềm tin” hay câu trả lời cho “Tại sao hết tiền?” tới từ yếu tố niềm tin, chắc hẳn nhiều người sẽ không nghĩ rằng đây là những lời nói mỉa mai và vô căn cứ.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật