TCTM – Một bộ lạc chỉ có một cây sung, nếu người này ăn được nhiều thì tất yếu người khác sẽ bị đói. Cả bộ lạc chỉ săn được một con nai nếu trưởng bộ lạc nhỡ chén quá đà thì đương nhiên thần dân sẽ phải nhịn. Điều đó gọi là trò chơi có tổng bằng không, có nghĩa là anh hơn thì tôi sẽ bị thiệt và ngược lại.
Có người thắng ắt có người thua, có người được lợi thì có người chịu thiệt chính là quy luật của trò chơi có tổng bằng không
Liệu tổng mọi cuộc chơi có bằng không?
Để bắt đầu, hãy đọc lại một ví dụ rất điển hình.
Câu chuyện 1: Ngã tư và những cây xăng
Một người chọn mở cây xăng ở ngay một ngã tư đường. Xe cộ qua lại đông đúc, ghé đổ xăng đông đến mức không kịp phục vụ. Một người khác thấy vậy, bèn mở một cây xăng ở phía đối diện rồi bán giá rẻ hơn một chút để hút khách. Rồi một anh nữa thấy cơ hội kiếm tiền ở ngã tư đường rõ quá nên anh cũng mở một cây xăng với giá bán cạnh tranh hơn hai cây xăng kia. Khách hàng lúc này chạy sang cây xăng có giá rẻ nhất. Rồi một cây xăng thứ tư ở góc đường còn lại cũng mọc lên bán với giá rẻ hơn nữa để câu khách. Cuối cùng ông chủ cây xăng thứ nhất chưa kịp hồi vốn thì đã bị phá sản. Ông chủ cây xăng thứ hai thì cũng trên bờ vực thẳm. Ông chủ cây xăng thứ ba thì cay cú và phát sinh mâu thuẫn với các ông còn lại, cũng chẳng làm ăn gì được. Ông chủ cây xăng giá rẻ nhất thì bị công an bắt vì tội pha xăng giả để phá giá thị trường.
Đối đầu trực diện trong kinh doanh có phải lựa chọn của người có trí tuệ?
Đây chính là cuộc chơi có tổng bằng không, cây xăng này bán được nhiều thì cây xăng kia không có khách.
Câu chuyện 2: Hệ sinh thái của một ngã tư.
Chuyện kể rằng, có một người đi tới một ngã tư đường, thấy trống trải quá, anh quyết định mở một cây xăng. Xe cộ qua lại thấy tiện nên ghé vào đổ xăng. Một người khác qua đổ xăng, thấy chỗ này cũng được, bèn mở một gara sửa xe để phục vụ những người ghé đổ xăng có nhu cầu. Một người khác đến ngã tư thấy người qua lại đông đúc, tiềm năng nên anh mở một nhà hàng. Một người khác nữa thì đầu tư xây ngay một khách sạn ở góc ngã tư còn lại. Chẳng mấy chốc, ngã tư đường đã trở thành nơi sầm uất, giàu có, mọi người sống hạnh phúc, hợp tác với nhau vui vẻ.
Đây là cuộc chơi có “tổng không bằng không”. Lợi ích của người này không xâm phạm lợi ích của người khác mà còn trực tiếp hay gián tiếp, gia tăng lợi ích cho người kia.
Vậy bạn đang ở cuộc chơi nào?
Nếu thiếu sự sáng tạo và bắt chước nhau thì tất yếu sẽ dẫn nhau đến cuộc chiến có “tổng bằng không”. Do vậy, để tạo cuộc chơi có “tổng không bằng không” phải là những người thực sự có trí tuệ chứ không phải là cuộc chơi của những “kẻ bắt chước”.
Điều cần phải có ngoài trí tuệ nữa là niềm tin vào tương lai.
Giả dụ, ta không phải là người tiên phong mở cửa hàng bán xăng thì ít nhất ta sẽ mở gara sửa xe ở trong ví dụ 2 chẳng hạn. Nhưng ngặt nỗi lại bị thiếu vốn nên đành đến chủ cửa hàng xăng để vay tiền, nếu chủ cửa hàng xăng lạc quan vào tương lai thì ông ấy sẵn sàng móc hầu bao cho vay. Ông ấy biết rằng ta làm ăn phát đạt thì ông ấy cũng sẽ phát đạt và ngược lại. Cứ thế, ta lại tiếp tục cho người mở nhà hàng, khách sạn vay vốn kinh doanh để lấp đầy những góc ngã tư còn lại và thậm chí còn thu thêm được chút “lãi vay”.
Ngược lại, nếu bi quan về tương lai, ta chẳng buồn đi vay để mở gara sửa xe và chủ cửa hàng xăng giàu có cũng chẳng muốn cho vay. Người cho vay thì sợ bị mất vốn mà bản thân ta cũng chẳng hy vọng sẽ thành công trong tương lai nên cũng chẳng dám vay. Kết quả là mọi thứ để nguyên như cũ và chẳng có một ngã tư “sầm uất” nào được sinh ra cả.
Cách lựa chọn của từng người tham gia vào một trò chơi có thể quyết định đó là trò chơi có tổng bằng không hoặc cùng thắng, cùng thua
Săn bắt hái lượm và nền kinh tế nông nghiệp đơn giản đã định hình nên tư duy của chúng ta một cách mạnh mẽ và vô hình mà chúng ta không biết, khiến chúng ta cứ theo quán tính lao đi mà không hề hay biết rằng có rất nhiều cuộc chơi mà tổng không hề bằng không. Đó chính là sự lựa chọn của chúng ta, nếu chúng ta chơi quá nhiều và lâu trong các cuộc chơi có “tổng bằng không” thì nó sẽ hình thành nên tính cách hẹp hòi và ích kỷ của chúng ta. Bởi vì, chúng ta đã được định hình rằng: Khi ai đó được thêm cái gì đó thì có nghĩa ta đã phải mất đi cái gì đó.
Gió Đông
Thông tin mới cập nhật