TCTM – Thông tin về các sự cố thang máy (tai nạn, hư hỏng) thường ít được công khai hay mang tính cảnh báo – đây là hiện trạng không chỉ ở Việt Nam mà tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn rùm beng tin tức tiêu cực. Nhưng khi các vấn đề còn nằm trong “bóng tối”, viễn cảnh an toàn thang máy thật sự còn xa xôi với chúng ta…
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia là tổ chức được giao nhiệm vụ: “Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt quốc gia và các tuyến đường thủy nội bộ quốc gia”; “Đề xuất kịp thời các biện pháp nhằm ngăn chặn tai nạn” và “Xác định nguyên nhân tình hình tai nạn…”. Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm nhiệm chức Chủ tịch của Ủy ban này, cùng với đó là một Phó Chủ tịch chuyên trách. Điều đó cho thấy chính phủ rất quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông.
Một số lĩnh vực đặc thù khác như phóng xạ, thăm dò khai thác dầu khí, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đảm bảo an toàn lao động cũng do một cơ quan chuyên trách của ngành thực hiện (Điều 21, Nghị định 39/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, Vệ sinh lao động).
So với các ngành trên, thang máy chưa được xem là lĩnh vực đặc thù – dù đây cũng là một phương tiện vận tải (theo chiều thẳng đứng), có sức chuyên chở được cho là lớn nhất thế giới nếu tính theo lượt người được vận chuyển, có yêu cầu cao về an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người sử dụng và người cung cấp dịch vụ kỹ thuật.
Theo quy định của luật pháp hiện hành, khi xảy ra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, hoặc bị thương nặng 01 người lao động thì trách nhiệm điều tra thuộc về Đoàn điều tra cơ sở do chủ sở hữu lao động thành lập; Trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ thành lập Đoàn điều tra cấp tỉnh theo đề nghị của Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mới thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định. Các đoàn điều tra tai nạn có trách nhiệm điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả và thực hiện các báo cáo phân tích đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cao hơn để rút kinh nghiệm, truy trách nhiệm và có các biện pháp phòng ngừa các sự việc tương tự.
Ngành thang máy cũng áp dụng quy định nói trên, trong đó chủ sở hữu lao động thường là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật thang máy. Đó là đối với tình huống tai nạn xảy ra với người lao động, còn trong trường hợp đối tượng gặp tai nạn là người sử dụng thang máy thì việc điều tra do cơ quan Công an thực hiện để truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự (nếu có). Việc điều tra thuần về kỹ thuật phương tiện và quy trình vận hành thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu thang máy và các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật.
Quy định đã đầy đủ nhưng kiểm soát thực thi như thế nào? Việc khai báo sự cố, tai nạn thang máy, dĩ nhiên xuất phát từ hiện trường lao động. Nhưng sẽ ra sao nếu tai nạn không được báo cáo? Với tâm lý “đóng cửa bảo nhau”, chỉ những trường hợp nghiêm trọng, liên quan đến nhiều người, hoặc không thể che giấu, hoặc khi có sự tố cáo từ nội bộ thì nhiều sự việc mới được đưa ra ánh sáng.
Người dân và doanh nghiệp đa phần đều ngại va chạm, ngại các vấn đề liên quan đến pháp lý nên tự giải quyết với nhau. Họ không biết rằng việc im lặng để những sự việc này trôi qua chính là im lặng để những sự việc đáng tiếc tương tự diễn ra trong tương lai với hậu quả khó lường.
Hàn Quốc – đất nước sử dụng khoảng 600.000 thang máy vào năm 2016 đã quyết định thành lập cơ quan chuyên trách quốc gia về an toàn thang máy sau khi đất nước này xảy ra MỘT vụ tai nạn thang máy nghiêm trọng. Họ nhận thấy cách thức tổ chức hiện tại rất khó kiểm soát an toàn thang máy.
Cơ quan Quản lý An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA) đã áp dụng các tiêu chí rõ ràng về cấp độ tai nạn và hư hỏng thang máy (được luật hóa) để quản lý. Không chỉ yêu cầu báo cáo các vụ tai nạn nghiêm trọng mà cả các trường hợp hư hỏng thang máy nặng cũng bắt buộc phải điều tra và báo cáo. Chính từ nguyên nhân các vụ việc nghiêm trọng này, những phân tích đánh giá được triển khai không chỉ để khắc phục các sự việc tương tự cho các thang máy hiện hành mà còn đưa vào chương trình quốc gia để cải tiến các thang máy đang/sẽ sản xuất.
Trong quá trình trao đổi hợp tác với Hiệp hội Thang máy Việt Nam, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, công nghệ an toàn hay xúc tiến thương mại thì KoELSA cũng rất muốn hai bên được tiếp cận các sự cố thang máy nghiêm trọng hay tai nạn thang máy ở mỗi nước. Có lẽ, họ cũng muốn biết các nguyên nhân của các sự vụ để có các cải tiến tiếp theo trong thiết kế sản xuất và quy trình vận hành, hướng đến có những sản phẩm an toàn hơn và sự an toàn cho người sử dụng.
Nga đang đối mặt với hiện trạng khoảng 25% thang máy có tuổi thọ trên 25 năm (trong tổng số khoảng 530.000 thang máy). Theo thống kê những năm gần đây tại quốc gia này, số lượng vụ tai nạn chết người có xu hướng tăng cao, đỉnh điểm là năm 2018 với 21 vụ tai nạn chết người. Điều này đã buộc chính phủ phải giao chức năng quản lý an toàn thang máy cho Ros-tech-nadzor – Cơ quan Giám sát Kỹ thuật toàn Nga và tình hình được cải thiện. Tuy nhiên, khi Ros-tech-nadzor bị tước quyền kiểm soát thang máy từ tháng 7/2021 thì tình hình lại xấu đi, buộc Duma Quốc gia (Hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga) phải thông qua dự luật trả lại quyền kiểm soát cho Cơ quan chuyên môn này từ tháng 3/2023.
Việt Nam đang sử dụng khoảng 400.000 thang máy trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Những thang máy với tình trạng bắt đầu xuống cấp, tuổi đời cao (trên 10 năm), những sự vụ hư hỏng nghiêm trọng gần đây được người dân thông tin hay những tai nạn mất an toàn từ bị thương đến tai nạn chết người chính là lời cảnh tỉnh, là hồi chuông báo động về mức nguy cấp trong an toàn thang máy.
Nếu không có công cụ kiểm soát chuyên nghiệp hay một cơ chế giám sát hoạt động an toàn có sự tham gia của cả người sử dụng và nhân sự làm việc trong lĩnh vực thang máy, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý liên quan thì sẽ rất khó để tiếp cận và điều tra, phân tích tìm ra nguyên nhân rõ ràng về các sự cố, tai nạn thang máy.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người trong cuộc mà quan trọng hơn là việc khắc phục hậu quả và phòng ngừa rủi ro. Chỉ khi làm rõ nguyên nhân của tất cả các sự vụ thì chúng ta mới tìm được vấn đề nằm ở đâu trong các khâu thiết kế, sản xuất, lắp đặt, bảo trì, quản lý, sử dụng,… Từ đó, có giải pháp hiệu quả để thang máy vận hành an toàn.
Phải bắt đầu từ nguyên nhân tai nạn, vén màn “bóng tối” và giải quyết triệt để tận gốc vấn đề. Có lẽ ngành thang máy cũng cần một cơ quan chuyên trách đủ thẩm quyền để kiểm soát tình hình chung, và những cá nhân, tổ chức liên quan đến việc sử dụng thang máy cũng cần chủ động và minh bạch hơn – không chỉ cho cá nhân mình mà còn vì an toàn của cả xã hội.
Huy Nguyễn
Thông tin mới cập nhật