TCTM – Thang cuốn – phương tiện di chuyển phổ biến có mức độ nguy hiểm gấp 20 lần so với thang máy. Những nghiên cứu và thống kê cho thấy hầu hết tai nạn thang cuốn có nguyên nhân từ hành vi của người sử dụng: té ngã, mắc kẹt,…
75% nguyên nhân các vụ tai nạn thang cuốn do té ngã, gần 20% do mắc kẹt trang phục hoặc giày dép, túi,… Và tỉ lệ lớn các vụ tai nạn này xảy ra ở người lớn tuổi và trẻ em, bao gồm cả tỉ lệ nhỏ trẻ em tinh nghịch không bước ra khỏi thang cuốn mà giữ nguyên chân ở nấc cuối cùng thang cuốn dẫn đến bị trôi kẹt vào thang hay đu trèo tay vịn,…
Nguyên nhân do trục trặc về kỹ thuật thiết bị vẫn tồn tại, tuy nhiên tỉ lệ lại thấp hơn nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ hành vi của người sử dụng.
Mới đây, một người phụ nữ đã đăng tải hình ảnh ghi lại cảnh con trai mình gặp sự cố thang cuốn ở một trung tâm thương mại tại Hà Nội lên mạng xã hội, bài đăng này đã trở thành nỗi ám ảnh với cô và cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo tới các phụ huynh có con nhỏ.
Cụ thể, khi 2 mẹ con đang xuống thang cùng nhau thì đôi dép của cậu bé bất ngờ bị thang cuốn vào. Người mẹ nhanh chóng bế con ra, rất may mắn là bé không gặp nguy hiểm nhưng cũng khiến bố mẹ một phen sợ hãi.
“Việc xảy ra quá nhanh khiến mình không kịp làm gì cả, chỉ kịp nhấc con ra khỏi thang cuốn ngay. Phần đầu dép của con đã bị thang cuốn nghiền toàn bộ. Thang cũng dừng lại ngay lập tức nên chân bé không sao. Thực ra mình đã nghe nhiều vụ đi dép bị cuốn vào thang cuốn nhưng không thể ngờ điều đó lại xảy ra với con mình. Video này để cảnh báo các bố mẹ cho con đi dép đi thang cuốn hãy cẩn thận, tốt nhất là nên bế bé thay vì để con tự đi”, người mẹ này chia sẻ.
Phần đầu dép của bé đã bị nghiến hỏng
Tuy chưa có nghiên cứu nào chỉ ra việc đi các loại giày dép bằng chất liệu cao su sẽ gia tăng mức độ nguy hiểm khi sử dụng thang cuốn, nhưng việc loại giày dép bằng chất liệu này dễ bị nghiền nát, phá hủy hơn các chất liệu khác như vải, da, nhựa cứng,… là thực tế. Tại một số quốc gia, nhiều trung tâm thương mại đã cấm dùng các loại dép như dép crocs (chất liệu cao su, phía trước có các lỗ thoáng khí, phía sau có quai) khi di chuyển trên thang cuốn.
Mới đây, Tòa án Thượng Hải (Trung Quốc) vừa xét xử vụ kiện tụng: Một bà cụ 70 tuổi ngã trên thang cuốn ở ga tàu tiện ngầm, một người khác đã giúp đỡ. Trong quá trình này, hai người ngã về phía sau và khiến một người khác cùng ngã và bị thương. Người bị thương đã đệ đơn kiện yêu cầu bồi thường.
Cụ thể, khi bà cụ đi trên thang cuốn thì bất ngờ nghiêng về phía sau vì không nắm được tay vị, sau đó đã ngã bật ngửa. Lúc này, một thanh niên đang đi đường thang cuốn ngược chiều bên cạnh thấy và lập tức chạy sang giúp cụ. Tuy nhiên, bà cụ không giữ được thăng bằng nên đã khiến cả hai cùng ngã về phía sau khiến một người phụ nữ khác đang đi thang cuốn gần đó cũng ngã theo.
Sau khi kiểm tra tại bệnh viện, người phụ nữ này được chẩn đoán bị chấn thương đầu và mặt, gãy xương ở cổ tay phải. Người phụ nữ đã kiện yêu cầu bà cụ phải bồi thường trách nhiệm, đồng thời yêu cầu người thanh niên và công ty tàu điện ngầm chịu trách nhiệm liên quan.
Tại phiên tòa, lần lượt các bên nêu nhận định. Bà cụ cho rằng mình không chạm vào người phụ nữ, hoặc là do cô ấy không nắm vào tay vịn, hoặc là bị người thanh niên va vào chứ không liên quan đến bà.
Người thanh niên phản bác rằng bản thân có ý tốt muốn giúp đỡ và vô tình xảy ra sự cố sau đó nên anh không cần chịu trách nhiệm.
Phía công ty tàu điện ngầm cũng cho rằng công ty đã hoàn thành nghĩa vụ an toàn và an ninh theo đúng vai trò và trách nhiệm, do đó công ty này không có lỗi đối với thương tích của người bị nạn.
Thực tế, Tòa án cũng nhận định công ty tàu điện ngầm đã nhắc nhở hành khách việc giữ chặt tay vịn và chú ý đến sự an toàn của thang cuốn thông qua nhiều kênh khác nhau như loa thông báo, bảng hiệu và nhắc nhở bằng văn bản, đồng thời, thang cuốn không có vấn đề về kỹ thuật và nhân viên tàu điện ngầm cũng đã tiếp cận và hỗ trợ người gặp nạn nhanh nhất có thể. Do đó, công ty này đã hoàn thành các nghĩa vụ an toàn hợp lý và cần thiết.
Ngoài ra, Tòa án cũng cho rằng hành động của người thanh niên thuộc trường hợp hành vi thiện chí để cứu người khác.
Kết luận cuối cùng, Tòa án nhận định nguyên nhân chính khiến tai nạn xảy ra là do bà cụ – người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có hiểu biết nhất định về tình trạng thể chất của mình và đã không tuân theo hướng dẫn của công ty tàu điện ngầm về an toàn khi đi thang cuốn, bà không nắm tay vịn thang cuốn trong khi mang theo túi xách, dẫn đến bật ngã và gây liên đới đến người khác. Do đó, trách nhiệm có lỗi nên được áp dụng trong trường hợp này và bà phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi xâm phạm quyền và lợi ích dân sự của người khác do lỗi của mình.
Tòa sơ thẩm phán quyết bà cụ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người phụ nữ bị thương, người thanh niên và công ty tàu điện ngầm không phải chịu trách nhiệm.
Quy định cấm một “thói quen”
Tại Nhật Bản, có một luật bất thành văn là mọi người phải đứng yên ở bên trái thang cuốn và để trống bên phải cho những ai muốn đi lên nhanh. Tuy nhiên, từ 1/10/2023, tỉnh Nagoya đã áp dụng quy định yêu cầu mọi người đứng yên ở hai bên thang cuốn, cấm mọi người đi bộ trên thang cuốn.
Nagoya là địa phương thứ hai tại Nhật Bản, sau tỉnh Saitama vào năm 2021, ban hành quy định này, kêu gọi mọi người đứng yên trên thang cuốn, dù đứng ở bên trái hay bên phải, đồng thời cũng yêu cầu các ga tàu, cơ sở thương mại và cơ quan khác quản lý thang cuốn thông báo cho du khách về quy định này.
Theo Hiệp hội Thang máy Nhật Bản, đã xảy ra 805 vụ tai nạn trên thang cuốn trong năm 2018 và 2019 do hành vi của người sử dụng không đúng cách, chẳng hạn như chạy lên thang cuốn và ngã, cùng với các báo cáo về việc có người bị vấp ngã hoặc đổ nhào sau khi lên hoặc xuống thang cuốn sai cách.
Ở Nagoya, áp phích và thông báo tại các ga tàu điện ngầm do thành phố điều hành đã kêu gọi mọi người đứng yên trên thang cuốn kể từ năm 2004, sau khi người khuyết tật và người già lên tiếng lo ngại người đi trên thang cuốn va vào mình. Đến nay, việc này đã trở thành quy định bắt buộc.
Áp phích tại Ga Hisaya-odori ở Nagoya thông báo cho người dân về sắc lệnh. Ảnh: Mainichi
Tại Việt Nam, tuy chưa có quy định cấm di chuyển trên thang cuốn hay cấm dùng các loại giày dép cao su, tuy nhiên, việc người sử dụng chủ động nhận thức và đánh giá nguy cơ là việc cần thiết. Như khi trào lưu mặc trang phục công chúa đi trung tâm thương mại rộ lên, hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm khi đi thang cuốn.
Do đó, chúng ta cần đặc biệt lưu ý về trang phục, giày dép, túi xách,… để tránh bị mắc kẹt vào thang cuốn. Cũng lưu ý vị trí đứng trên thang cuốn có khoảng cách an toàn với các mép thang, mép bậc; đứng vững và nắm tay vịn; bế trẻ nhỏ hoặc hướng dẫn, chú ý đến trẻ; đặc biệt quan tâm đến các đối tượng người lớn tuổi, trẻ nhỏ,…
Đọc thêm: Rủi ro tiềm ẩn và hướng dẫn sử dụng an toàn thang cuốn
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật