TCTM – Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang gây sức ép lớn cho doanh nghiệp trong nước, khiến doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ “hụt hơi” trong cuộc đua tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ.
Theo số liệu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 của Việt Nam, Trung Quốc đại lục tuy chỉ đứng thứ 4 về tổng vốn đầu tư (sau Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông-Trung Quốc), nhưng lại dẫn đầu về số dự án mới với hơn 700 dự án, chiếm 22,2% trong tổng số 3.188 dự án mới được cấp phép.
Tức, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã vượt qua các quốc gia có truyền thống nhiều năm đầu tư mạnh vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore…
Mới đây nhất, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Xét về số dự án, Trung Quốc tiếp tục là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%).
Có thể thấy, hàng loạt công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Giới phân tích nhận định, đây là xu hướng dịch chuyển nhà máy và các cơ sở sản xuất sang nước thứ ba để tạo điều kiện xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu.
Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ tập trung vào các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng,… mà còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may,… góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đang tăng cường khảo sát đầu tư và mở nhà máy tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam – nơi có nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Cơ hội cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước trong những năm qua là không nhỏ khi ngày càng nhiều nhà mua hàng tìm tới Việt Nam như một thị trường thay thế và đối tác mở rộng chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó là làn sóng “đổ bộ” của các doanh nghiệp, tập đoàn FDI lớn trên thế giới vào Việt Nam. Thế nhưng, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa thể nắm bắt cơ hội này.
Theo một thống kê của Bộ Công Thương, trong khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam, chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với tỷ trọng thấp.
Một chiếc thang máy được tạo nên bởi hàng ngàn linh kiện và bộ phận khác nhau, do đó để sản xuất hoàn chỉnh cần đến rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Thế nhưng, ngành thang máy hầu như vẫn chưa phát triển công nghiệp hỗ trợ đi kèm.
Việc nhà mua hàng khó tìm kiếm đối tác cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu tại Việt Nam không phải là chuyện mới. Dù đã có nhiều nỗ lực trong những năm gần đây, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn bị “gắn mác” chỉ làm được những sản phẩm như bu lông, ốc vít. Sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp,… chưa đủ điều kiện để tiến sâu và trở thành nhà cung cấp cao cấp trong chuỗi sản xuất.
Theo quy trình thông thường trong ngành công nghiệp hỗ trợ, phía mua hàng sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp trong lĩnh vực sản xuất nhất định, đưa ra các yêu cầu kỹ thuật chi tiết về sản phẩm. Đối tác sản xuất nào có thể đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng với mức giá cả hợp lý sẽ được lựa chọn.
Tuy nhiên, khách hàng chỉ thực sự đặt đơn hàng và thanh toán khi chắc chắn doanh nghiệp làm được sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe này, doanh nghiệp buộc phải đầu tư ban đầu cho sản xuất, bao gồm công nghệ, máy móc, nhà xưởng, đào tạo nhân viên,…
Điều này dẫn đến lo ngại về khả năng thu hồi vốn đầu tư. Doanh nghiệp nhỏ, vốn hạn hẹp e dè trước rủi ro không có đơn hàng sau khi đầu tư. Tuy nhiên, nếu không mạnh dạn đầu tư và nâng cao chất lượng, họ sẽ mãi mãi bị kẹt ở phân khúc thấp và không thể tiến sâu vào chuỗi cung ứng của các đối tác lớn.
Trong khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe, người mua hàng có rất nhiều lựa chọn, từ giá cả cạnh tranh của Trung Quốc tới các đối thủ không ngừng đầu tư như Ấn Độ, Thái Lan,… thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn loay hoay hướng đi.
Trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thấp
Thay vì chỉ cung cấp một số chi tiết riêng lẻ như tiện, phay, bào, hàn,… bao lâu nay, giờ đây, doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức khi ngày càng nhiều nhà sản xuất đầu cuối yêu cầu về chuỗi cung ứng khép kín, cung cấp đầy đủ các cụm chi tiết, cấu kiện từ A-Z.
Việc tìm kiếm từng nhà sản xuất riêng lẻ trong nước đạt chất lượng đã khó, việc liên kết để tạo thành chuỗi cung ứng khép kín càng trở nên khó khăn hơn.
Ngược lại, đây lại là một lợi thế đối với nhà cung cấp Trung Quốc. Cách làm của doanh nghiệp Trung Quốc trong trường hợp khách hàng có nhu cầu về một cụm chi tiết đó chính là kết nối.
Khi có đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc chủ động tìm kiếm đối tác có thể thực hiện các công đoạn, chi tiết trong cụm để “bán chung”. Họ có hệ sinh thái hoàn chỉnh cung cấp linh kiện, cùng khả năng kết nối và tin tưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, giúp sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng và cạnh tranh về giá.
Và giờ đây, việc doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư nhà máy tại Việt Nam càng khiến cho doanh nghiệp hỗ trợ trong nước gặp nhiều thách thức.
Doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam đứng trước nguy cơ “hụt hơi” trong cuộc đua tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương diễn ra tháng 12/2023, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – cũng bày tỏ lo ngại khi có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu ra thế giới tránh hàng rào thuế quan nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.
Việc hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung Electronics, Canon, Apple… đã chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam kéo theo các nhà lắp ráp thiết bị như Foxconn, Luxshare Precision, nhanh chóng mở rộng các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp điện tử.
Đi theo các ông lớn này, nhiều công ty công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc cũng nhanh chóng vào Việt Nam, đầu tư sản xuất để phục vụ cho các khách hàng lớn vốn đã có quan hệ từ trước.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư Việt Nam, tập trung vào các cụm công nghiệp phía Bắc – nơi có nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp của doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn.
Trước làn sóng quan tâm, đầu tư từ các “đại bàng FDI” vào thị trường Việt Nam, không ít các công ty Trung Quốc cũng bị thu hút sang Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy để cung cấp vật tư và dịch vụ cho các tập đoàn lớn có cơ sở ở Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều công ty ở đầu và cuối các chuỗi công nghiệp của Trung Quốc còn “rủ” nhau vào Việt Nam để có thể liên kết sản xuất, tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất và kinh doanh. Ví dụ, DBG Technology đang hợp tác với nhà sản xuất phần cứng thông minh Huaqin Technology và nhà cung cấp Lingyi iTech của Apple, để xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên.
Có thể thấy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với sức ép vô cùng lớn khi chưa kịp lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là các nhà sản xuất FDI ở Việt Nam, thì đã bị các doanh nghiệp cùng ngành của nước ngoài mà đặc biệt là đầu tư từ Trung Quốc “vượt mặt” để chiếm thị phần ngay trên sân nhà.
Hiện nay, Mỹ đang áp dụng mức thuế nhập khẩu cao, lên tới 25%, đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài nhằm đối phó với các biện pháp của Mỹ.
Việt Nam đang có lợi thế lớn với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực. Nhờ vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này được hưởng mức thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp. Đây là cơ hội rộng mở cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật