TCTM – Hồng Kông là một thành phố nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời, và cùng với những tòa nhà cao chót vót đó là vô số thang máy và thang cuốn. Các hệ thống giao thông thẳng đứng này rất cần thiết để di chuyển con người nhanh chóng và hiệu quả trong các tòa nhà, nhưng chúng cũng đi kèm với những rủi ro cố hữu nếu không được bảo trì và quản lý đúng cách.
Địa lý Hồng Kông
Về mặt địa lý, Hồng Kông có thể được chia thành ba vùng lãnh thổ chính là đảo Hồng Kông, Cửu Long và Tân Giới. Về diện tích, Tân Giới là khu vực có diện tích lớn nhất trong khi đảo Hồng Kông là nhỏ nhất. Thêm vào đó, có khoảng 60 hòn đảo nằm rải rác xung quanh khu vực, hòn đảo lớn nhất là đảo Lantau. Với dân số 7,5 triệu người, Hồng Kông có tổng diên tích 1.104 km2, do đó mật độ dân số vào khoảng 6,700 người/km2. Tuy nhiên, do diện tích đô thị Hồng Kông chỉ vào khoảng 300 km2, do đó mật độ dân số cao nhất có thể đạt tối đa là 130.000 người /km2 tại một số quận. Những nơi này trở thành khu vực đông dân nhất thế giới. Do những hạn chế như vậy, có gần 10.000 tòa nhà cao tầng ở Hồng Kông trong đó có hơn 500 tòa nhà chọc trời cao hơn 150 m, đưa Hồng Kông trở thành nhà vô địch trên thế giới về số lượng tòa nhà chọc trời trong một thành phố. Điều đó giải thích tại sao mật độ thang máy và thang cuốn ở Hồng Kông cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Ngành vận tải theo chiều đứng ở Hồng Kông
Có hơn 70.000 thang máy và 10.000 thang cuốn hoạt động ở Hồng Kông để vận chuyển hàng triệu hành khách mỗi ngày. Điều đó cũng giải thích tại sao khá nhiều thang máy và thang cuốn ở Hồng Kông hoạt động quá tải suốt cả ngày. Do tầm quan trọng đáng kể của các phương tiện vận chuyển như vậy đối với người dân Hồng Kông, chính quyền Hồng Kông, nay là Đặc khu Hành chính Hồng Kông đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao cho hoạt động của thang máy và thang cuốn. Năm 1960, Sắc lệnh Thang máy và Thang cuốn hay còn gọi là LEO viết tắt của Lift and Escalator Ordinance (Cap 327) được ban hành để quản lý việc thiết kế, xây dựng, bảo trì và thử nghiệm chúng. Cục Dịch vụ Điện và Cơ khí (EMSD – Electrical and Mechanical Services Department) của chính phủ là cơ quan thực thi sắc lệnh đó. Sắc lệnh Cap 327 xác định các nhà thầu đã đăng ký chịu trách nhiệm lắp đặt và bảo trì thang máy và thang cuốn cũng như các kỹ sư có chứng chỉ thang máy và thang cuốn để kiểm tra và thử nghiệm chúng. Về mặt kỹ thuật, vào những năm 60 của thế kỷ trước, tiêu chuẩn BS5655 là tiêu chuẩn được áp dụng tại Hồng Kông. Đến những năm 80, tiêu chuẩn BS5655 cho thang máy và tiêu chuẩn BS 5656 cho thang cuốn và băng tải chở người đã được thông qua.
Sự phát triển của tiêu chuẩn ở Hồng Kông
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, EMSD đã công bố quy tắc thực hành bắt buộc về thiết kế và xây dựng thang máy và thang cuốn cho Hồng Kông, thay thế cho tiêu chuẩn BS 5655 và BS 5656 ở nước này. Để cải thiện hơn nữa độ an toàn và độ tin cậy, vào năm 2008, Cap 327 đã được xem xét và vào năm 2012, nó đã bị bãi bỏ và thay thế bằng Sắc lệnh thang máy và thang cuốn toàn diện hơn (Cap 618) có hiệu lực cho đến ngày nay. Vào năm 2019, tiêu chuẩn EN 81-20/50 đã được thông qua làm luật thiết kế bắt buộc cho thang máy và vào năm 2022, tiêu chuẩn EN 115-1 cho thang cuốn với một số thay đổi trong nước. Cap 618 xác định những người được giao trách nhiệm cao hơn trong việc vận hành an toàn các thang máy đó.
Vi phạm sắc lệnh có thể dẫn đến hình phạt nặng bao gồm cả phạt tù. Cap 618 cũng xác định các nhà thầu, kỹ sư và công nhân được cấp chứng chỉ. Chỉ có những người được cấp chứng chỉ mới có quyền thực hiện các công việc liên quan đến thang máy, thang cuốn này. Rõ ràng, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ đã được tăng cường hơn nữa.
Trong tương lai gần, để nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn ngành, việc trở thành kỹ sư chuyên nghiệp có chứng chỉ (RPE – Registered Professional Engineer) được phê duyệt bởi Hội đồng đăng ký kỹ sư của Hồng Kông sẽ là điều kiện tiên quyết để trở thành kỹ sư thang máy và thang cuốn.
Quy định hiện đại hóa thang máy cũ
Khi thang máy được đưa vào sử dụng lần đầu tiên, thiết kế của nó phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn liên quan tại thời điểm lắp đặt. Các yêu cầu về thiết kế mới nhất được quy định trong Quy tắc thực tiễn về thiết kế và xây đựng thang máy và thang cuốn 2019 (hay còn gọi là Quy tắc thiết kế) dựa trên tiêu chuẩn EN 81-20/50. Kể từ khi Quy tắc thiết kế ra đời vào năm 1993, Quy tắc đã được sửa đổi để nâng cao các yêu cầu an toàn phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế hiện hành và đáp ứng các tiến bộ công nghệ để làm cho thang máy an toàn hơn. Trên quan điểm này, EMSD đã ban hành “Hướng dẫn hiện đại hóa thang máy hiện có” vào năm 2011 để tạo điều kiện cho chủ sở hữu thang máy thực hiện các giải pháp cải tiến và hiện đại hóa nhằm làm cho thang máy hiện tại của họ an toàn hơn, hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy hơn.
Một trong các giải pháp nhằm cải thiện độ an toàn ở thang máy cũ được áp dụng ở Hồng Kông
Thang máy cũ và các tai nạn
Cuối năm 2020, theo báo cáo có khoảng 70.000 thang máy ở Hồng Kông, trong đó 41.000 thang máy (chiếm khoảng 60%) đã hoạt động trên 20 năm và khoảng 45.000 thang máy (chiếm 65%) không được trang bị đầy đủ bốn thiết bị an toàn hiện đại (đó là hệ thống phanh đôi, thiết bị bảo vệ chống cabin di chuyển ngoài ý muốn, thiết bị bảo vệ cabin vượt tốc, và khóa cơ cho cửa cabin). Số liệu tai nạn thang máy ở Hồng Kông chỉ ra rằng phần lớn tai nạn thang máy là do con người. Còn lại số lượng ít tai nạn do lỗi thiết bị thì chủ yếu là do thang không về bằng tầng. Các tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu thang máy được trang bị cả bốn thiết bị an toàn như đã nêu.
Để xử lí vấn đề này, đặc biệt là đối với hai tai nạn nghiêm trọng liên quan đến việc cabin di chuyển ngoài ý muốn, chính phủ Hồng Kông đã thực thi một loạt các biện pháp nhằm nâng cao an toàn cho thang máy cũ vào tháng 6 năm 2018. Kết quả là số tai nạn đã giảm xuống đáng kể trong những năm sau đó.
Báo cáo về số lượng và nguyên nhân tai nạn thang máy ở Hồng Kông từ 2016 đến 2020
Đẩy mạnh công tác bảo trì thang máy cũ
LEO yêu cầu rằng thang máy phải được bảo dưỡng định kỳ bởi nhân viên thang máy có chứng chỉ (RWs – Registered Workers) ít nhất mỗi tháng 2 lần và được kiểm tra bởi kỹ sư thang máy có chứng chỉ ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo thang máy hoạt động an toàn. Như một biện pháp ngắn hạn để nâng cao mức độ an toàn của thang máy cũ, EMSD tăng cường kiểm tra giám sát các hạng mục bảo trì liên quan đến đảm bảo chất lượng của công việc kiểm định và bảo trì được thực hiện bởi các nhà thầu đã đăng ký.
Giám sát công tác bảo trì
EMSD đã tăng cường nhân lực để tăng cường kiểm tra giám sát việc bảo trì và kiểm tra các thang máy cũ mà chưa được trang bị bốn thiết bị an toàn thiết yếu. Số lượng các cuộc kiểm tra giám sát tăng từ mức 11.000 cuộc kiểm tra trong năm trước đó lên khoảng 29.000 cuộc kiểm tra/năm và khoảng 55% các cuộc kiểm tra liên quan đến công tác bảo trì.
Bảo trì đặc biệt
EMSD đã sửa đổi “Quy tắc thực hành cho công trình thang máy và thang cuốn” vào năm 2018 để áp dụng “bảo trì đặc biệt” cho các thang máy cũ.
Phạm vi bảo trì đặc biệt cho thang máy cũ bao gồm:
Việc bảo trì đặc biệt nhằm nâng cao độ tin cậy của các bộ phận quan trọng của thang máy cũ mà chưa được hiện đại hóa. Để đảm bảo chất lượng thang máy, EMSD đã thực hiện hơn 5.000 cuộc kiểm tra đối với các công tác bảo trì đặc biệt do các nhà thầu đã đăng ký thực hiện trong năm 2020.
Hà My
Theo Elevatori Magazine
Thông tin mới cập nhật