Đó là lời khẳng định của KTS Nguyễn Đức, CEO Công ty TDI Architecture trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Thang máy. KTS cho rằng, một trong những thành công lớn nhất của người thành đạt trong bất kì lĩnh vực nào, đó là được quyền nói không.
Chân dung KTS Nguyễn Đức
“Sự sáng tạo cũng được định nghĩa rất khác nhau, đôi khi chỉ là sự “hơi mới” một chút cũng đã được coi là sáng tạo, đưa ra một giải pháp mới cũng là sự sáng tạo”, nhưng với KTS Nguyễn Đức thì sự sáng tạo phải nhiều hơn, phải nổi bật, phải khác biệt,… nhất là khi người KTS quyết định cả hình thức lẫn “thần thái” của một công trình. Sự sáng tạo trong kiến trúc còn khó hơn khi phải dựa trên tổ hợp không gian, địa điểm, kinh phí và sở thích của chủ đầu tư. Việc thiết kế một căn nhà mặt phố sẽ không có nhiều sự sáng tạo bằng một khu nghỉ dưỡng, cũng như thiết kế một khách sạn trong trung tâm thành phố thì không thể mơ tưởng đến việc tận dụng vật liệu kính giúp mở rộng tầm nhìn như khách sạn trên đỉnh núi, đơn giản vì muốn thể hiện hết được cái “tôi” của người thiết kế thì cần một không gian phù hợp.
Các phối hợp chất liệu kính trong từng ngóc ngách của khách sạn đều toát lên phong cách độc đáo
Mọi sự góp mặt trong không gian kiến trúc đều có thể sáng tạo. Như việc ứng dụng các thiết bị phục vụ căn nhà thông minh (smart home) hoàn toàn có thể là sự sáng tạo dựa trên sự thấu hiểu về ánh sáng, về âm thanh, về những tính toán không gian và thấu hiểu người sử dụng như một đạo diễn điện ảnh hiểu về bộ phim mà mình làm. Khi kết hợp được những yếu tố đó, căn nhà thông minh không phải là một tổ hợp các thiết bị tắt mở tự động mà là một phần sáng tạo của KTS, có cảm xúc, có từng câu chuyện, ngữ cảnh cho mỗi kịch bản tự động. Và sự sáng tạo nhiều khi chỉ là một điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc căn nhà. Có căn nhà điểm nhấn là không gian phòng khách, phòng ăn, có căn nhà có điểm nhấn mà KTS quan tâm nhất là phòng ngủ master của chủ nhà, nhưng cũng có căn nhà thì thang máy là điểm nhấn.
Cũng theo KTS Nguyễn Đức, kiến trúc là đời sống chứ không phải một cái gì “ở trên trời”. Nói là thiết kế công trình nhưng nó cũng nhiều yếu tố như may đo. KTS phải có tầm nhìn dài hạn. Nhiều khi, một sản phẩm thiết kế ra phải có tầm nhìn 30 – 50 năm, phải tính đến sự thay đổi công năng theo thời gian. Kể cả một thiết kế tốt nhưng nếu thiếu tầm nhìn xa thì chỉ trong vòng 10 năm là đã thấy sự thay đổi trong chính căn nhà đó. Ví dụ khi thiết kế phòng cho các bạn nhỏ đang ở độ tuổi 10 – 12, mười năm sau là 22 tuổi thì người thiết kế phải tính toán như thế nào để nhiều năm sau, căn phòng mà họ thiết kế vẫn phù hợp với sinh hoạt của chính gia đình đó dù có những sự thay đổi lớn.
KTS Nguyễn Đức là người khá am hiểu về thang máy và với ông, trong tổng thể một căn nhà, thang máy luôn là một điểm nhấn quan trọng và đầy cảm xúc. Theo ông, thang máy không chỉ là phương tiện vận chuyển đơn điệu mà còn đòi hỏi phải có sự giao thoa giữa công năng, công nghệ với các yếu tố văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật. Một ví dụ điển hình trong những thành công của KTS Nguyễn Đức là thiết kế khách sạn Grand Peridot, công trình đạt hai giải thưởng lớn mà một trong những yếu tố thành công là sử dụng thang máy kính rất phù hợp trong tổng thể kiến trúc công trình.
Khách sạn Grand Peridot, công trình đạt hai giải thưởng lớn mà một trong những yếu tố thành công là sử dụng thang máy kính rất phù hợp trong tổng thể kiến trúc công trình
KTS nhận xét, dù thang máy gia đình vào Việt Nam chưa lâu nhưng hiện nay chiếc thang máy đã có tính cá nhân rất cao trong các công trình xây dựng dân dụng. Đã có nhiều khách hàng đưa ra các yêu cầu riêng về công nghệ, chất liệu của buồng thang, màu sắc mặt thang, thậm chí yêu cầu trang trí mặt trong buồng thang như một không gian nghệ thuật. “Trên thế giới đã có một số nhà sản xuất thang máy có vị trí giám đốc nghệ thuật, điều hiếm thấy ở ngành kỹ thuật công nghiệp này. Như tập đoàn IGV tại Ý, họ đã tạo nên những bộ sưu tập thang máy On Air, Pop Up theo phong cách chiết trung,… Đương nhiên, những mẫu thiết kế – tác phẩm nghệ thuật mà họ đưa ra đã trở thành xu hướng, mang thần thái sang trọng, sống động và đầy ắp tính nghệ thuật”, KTS Nguyễn Đức chia sẻ. Và để làm cho thang máy trở nên hài hòa trong không gian chung thì khi thiết kế sẽ không để cái thang chỉ là sản phẩm đến từ nhà sản xuất, KTS hoàn toàn có thể thiết kế thêm các phần trang trí cho thang máy để phù hợp với phong cách toàn bộ không gian như các nhà trang trí thang máy nổi tiếng thế giới đã làm.
“Để thang máy trở thành một trong những điểm nhấn trong kiến trúc ngôi nhà thì ngay từ khi thiết kế, KTS cần ốp ngay kích thước của thang máy vào trong bản vẽ của mình, bởi vì chiếc thang xuyên suốt cấu trúc của toàn bộ tòa nhà. Kế đó, dựa trên hiểu biết và cảm nhận của mình, KTS quyết định khi nào nên dùng thang máy kính, hoặc như thang máy hiện nay không chỉ là trục dọc mà còn có thể là trục ngang, ziczac,… đòi hỏi người thiết kế phải có sự am hiểu sâu rộng về trang thiết bị cấu thành công trình thì mới có được một thiết kế thành công” – KTS Nguyễn Đức nói.
KTS Nguyễn Đức cho rằng một trong những thành công lớn nhất của người thành đạt trong bất kì lĩnh vực nào, đó là được quyền nói không. Trong một công trình nếu có những yêu cầu khiến KTS cảm thấy không thể hiện được hết ý tưởng, phong cách,… thì phải từ chối, bất chấp các sức ép, kể cả sức ép về tài chính.
Tuy nhiên, KTS Nguyễn Đức cũng nhấn mạnh rằng để thành công thì trước tiên người thiết kế phải làm đúng rồi mới đến sáng tạo. Một người thiết kế phải đảm bảo rằng công trình mình thiết kế ra đủ độ an toàn, thực hiện đúng các công năng, nghĩa là phải cam kết tính chính xác trong thiết kế. Rồi từ đó mới sáng tạo dựa trên các điều kiện thực tế. Sáng tạo dựa trên tính tổ hợp nghĩa là một công trình cần có sự hài hòa của từng chi tiết trong tổng thể và cả với không gian bên ngoài. Kế đó, sự sáng tạo nằm ở sự phá cách. Người thiết kế cần vượt ra khỏi những tư duy cũ kĩ nhàm chán. “Tại sao chúng ta phải bó hẹp rằng quầy lễ tân phải ở tầng 1, đó có phải bộ phận canh cửa đâu? Tôi đã thấy một khách sạn có quầy lễ tân ở tít phía trong, hay thậm chí một khách sạn 7 sao còn chẳng có quầy lễ tân. Đó chính là sự sáng tạo, đó là sự phá cách của người thiết kế và khi có nhiều chủ đầu tư hài lòng, chấp nhận các phương án thiết kế của KTS thì khi đó KTS sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện sự sáng tạo của mình”, KTS nói.
Dành nhiều năm đam mê với nghề để tích lũy kinh nghiệm, khẳng định mình bằng sự khác biệt và nổi bật, KTS Nguyễn Đức cùng nhiều đồng nghiệp tâm huyết với nghề của mình đã ghi dấu ấn bằng nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp đầy bản sắc trải dài khắp đất nước. Những công trình đậm chất nghệ thuật kiến trúc như vậy sẽ song hành cùng thời gian, xứng đáng với sự ngưỡng mộ và giá trị đầu tư.
Khánh Văn
Thông tin mới cập nhật