TCTM – Tầng lánh nạn, gian lánh nạn là những khu vực thiết kế đặc biệt trong các tòa nhà cao tầng, nhằm cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho cư dân trong các tình huống khẩn cấp như hỏa hoạn.
Theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, về nhà chung cư và an toàn cháy cho nhà và công trình, tầng lánh nạn, gian lánh nạn được hiểu như sau:
– Tầng lánh nạn là tầng dùng để sơ tán tạm thời, được bố trí trong tòa nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy lớn hơn 100 m.
– Gian lánh nạn là khu vực bố trí trong tầng lánh nạn dùng để sơ tán tạm thời khi xảy ra sự cố cháy.
Tầng lánh nạn thường được thiết kế với một hoặc nhiều gian lánh nạn, đảm bảo đủ diện tích và các điều kiện an toàn để tập trung người từ các tầng khác của tòa nhà trong quá trình chờ lực lượng cứu hộ hoặc dập tắt đám cháy. Tầng lánh nạn là một tầng riêng biệt, không được bố trí căn hộ, văn phòng hoặc các cơ sở kinh doanh.
Nhờ vào khu vực đặc biệt mang tên tầng lánh nạn, hơn 100 người trong tòa nhà Samwhan Art-Nouveau 33 tầng tại Hàn Quốc đã thoát khỏi vụ cháy lớn kéo dài gần 16 giờ, xảy ra vào tháng 10/2020 mà không ai bị thương nặng
Việc xây dựng tầng lánh nạn, gian lánh nạn nhà chung cư được quy định theo QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 04:2021/BXD về Nhà chung cư, QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình.
Gian lánh nạn cần được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chống cháy
Theo QCVN 06:2022/BXD (Điều A.3.2.1), đối với nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy từ 100m đến 150m, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều A.3.1, cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn đáp ứng các yêu cầu sau:
Tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng, tầng lánh nạn đầu tiên được bố trí không cao quá tầng thứ 21. Khu vực bố trí gian lánh nạn, phải được ngăn cách với các khu vực khác bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150.
Các khu vực khác ngoài khu vực bố trí gian lánh nạn có thể sử dụng cho các công năng công cộng. Không bố trí căn hộ hoặc một phần căn hộ trên tầng lánh nạn.
Lưu ý: Có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm khu vực lánh nạn khi đáp ứng các quy định tại các đoạn b), c), d), e), f) thuộc Điều A.3.2.1.
Các tầng lánh nạn không được cách nhau quá 20 tầng
Theo các đoạn b), c), d), e), f), g), h) thuộc Điều A.3.2.1, yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho gian lánh nạn được quy định như sau:
b) Gian lánh nạn phải có diện tích với định mức 0,3 m2/người, bảo đảm đủ chứa tổng số người thoát nạn lớn nhất của tất cả các tầng phía trên tính từ tầng có gian lánh nạn đến hết tầng có gian lánh nạn tiếp theo, hoặc các tầng phía trên còn lại đối với tầng lánh nạn trên cùng.
Không cho phép sử dụng diện tích gian lánh nạn vào các hoạt động thương mại, nhưng có thể sử dụng làm sân/khu vực chơi cho trẻ em hoặc tập thể dục.
Lưu ý: Số lượng người thoát nạn lớn nhất từ các không gian khác nhau của nhà hoặc phần nhà được xác định theo G.3, Phụ lục G. Riêng đối với nhà hoặc phần nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác F1.3 thì áp dụng thêm quy định tại A.2.16.
Cụ thể: Số lượng người lớn nhất trong một gian phòng, một tầng hoặc nhà là số lượng người lớn nhất theo thiết kế được duyệt. Khi thiết kế không chỉ rõ giá trị này, số lượng người lớn nhất được tính bằng tỉ số giữa diện tích sàn của phòng, của tầng hoặc của nhà chia cho hệ số không gian sàn (m2/người) quy định tại Bảng G.9 như sau:
“Diện tích sàn” ở đây không kể diện tích của cầu thang bộ, thang máy, khu vệ sinh và các phần phụ trợ khác.
c) Gian lánh nạn phải được thông gió tự nhiên qua các ô thông tường cố định bố trí trên hai tường ngoài (ô thông gió) bảo đảm các yêu cầu:
– Tổng diện tích các ô thông gió ít nhất phải bằng 25% diện tích gian lánh nạn;
– Chiều cao nhỏ nhất của các ô thông gió (tính từ cạnh dưới đến cạnh trên) không được nhỏ hơn 1,2 m;
– Các ô thông gió cho gian lánh nạn phải được bố trí cách ít nhất 1,5 m theo phương ngang và 3,0 m theo phương đứng tính từ các ô thông tường không được bảo vệ khác nằm ngang bằng hoặc phía dưới nó. Nếu các ô thông gió cho gian lánh nạn có tổng diện tích không nhỏ hơn 50% diện tích gian lánh nạn thì khoảng cách theo phương đứng được phép giảm xuống đến 1,5 m;
d) Tất cả các trang bị, dụng cụ đặt trong gian lánh nạn phải được làm bằng vật liệu không cháy;
e) Gian lánh nạn phải có lối ra thoát nạn trực tiếp đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói và lối ra thoát nạn đi vào khoang đệm của thang máy chữa cháy. Các đường thoát nạn dẫn vào gian lánh nạn phải đi qua một sảnh ngăn khói/sảnh thang máy chữa cháy hoặc một hành lang bên;
f) Gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy gồm: họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động sprinkler, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn và tương tự;
Phòng lánh nạn theo quy chuẩn quốc tế
g) Phía trong buồng thang bộ thoát nạn và trên mặt ngoài của tường buồng thang bộ thoát nạn ở vị trí tầng lánh nạn phải có biển thông báo với nội dung “GIAN LÁNH NẠN/FIRE EMERGENCY HOLDING AREA” đặt ở chiều cao 1500 mm tính từ mặt nền hoàn thiện của chiếu tới hoặc sàn tầng lánh nạn. Chiều cao chữ trên biển thông báo không được nhỏ hơn 50 mm;
Lưu ý: Bên cạnh việc trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nội dung biển thông báo có thể được trình bày thêm bằng các ngôn ngữ khác tùy thuộc đặc điểm người sử dụng phổ biến trong nhà.
h) Cho phép phần diện tích gian lánh nạn không được tính vào chỉ tiêu hệ số sử dụng đất và diện tích sàn xây dựng của công trình.
Quy định thang máy chữa cháy cho công trình có tầng lánh nạn, gian lánh nạn
Vụ tấn công 11/9 thay đổi hoạt động sơ tán tại tòa nhà cao tầng ra sao?
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật