Các loại phương tiện vận tải liên quan nhiều đến yếu tố an toàn của con người đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về niên hạn sử dụng. Trong khi đó, thang máy cũng có nhiều điểm tương đồng nhưng hiện chưa có bất cứ quy định nào về “tuổi hưu”. Liệu chúng ta có nên đặt ra những câu hỏi cho vấn đề này?
Đó không chỉ là một câu hỏi mà là vấn đề quan trọng để những người làm công tác quản lý, xây dựng chính sách và người sử dụng thang máy cần phải lưu tâm.
Chúng ta đều biết những loại phương tiện vận tải như máy bay, ô tô, tàu thủy và nhiều loại phương tiện khác có liên quan đến an toàn con người đều quy định rất rõ về niên hạn sử dụng. Đây chính là quãng thời gian tối đa mà thiết bị được phép vận hành, sử dụng. Sau thời gian này, chúng sẽ bị thay thế. Mục đích chính của niên hạn là để đảm bảo các thiết bị vận hành an toàn và tối ưu phục vụ con người.
Quay trở lại câu hỏi: Thang máy “thọ” được bao lâu? Câu trả lời phải dựa vào nhiều yếu tố. Đó là công năng, tần suất sử dụng, chất lượng lắp đặt, bảo trì, môi trường hoạt động, cách vận hành, sử dụng thang máy…
Bên cạnh đó, nguồn gốc, xuất xứ của linh kiện, thiết bị và yếu tố đồng bộ sẽ quyết định đến tuổi thọ của thang máy.
Thang máy về cơ bản là tổ hợp thiết bị cấu thành bởi cơ khí và điện – điện tử. Trong suốt vòng đời của nó, các thành phần cơ, điện trong thang máy sẽ thực hiện hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu chu kỳ hoạt động. Quy luật tất yếu là đến một thời điểm nào đó, linh kiện sẽ bị lão hóa và “hết date”.
Máy bay, tàu thủy, ô tô đều có niên hạn. Còn thang máy?
Nghiên cứu của Hiệp hội Thang máy châu Âu (ELA), tuổi thọ trung bình của thang máy được tính toán vào khoảng từ 20 – 25 năm. Một nguyên tắc chung được áp dụng đối với thang máy tại châu Âu là tân trang cho thang máy từ 20 tuổi trở lên. Bởi vì, dựa vào các khảo sát, tính toán kỹ lưỡng của các chuyên gia, trong suốt phần sau của mốc thời gian này, hệ thống thang máy sẽ có hiệu suất sụt giảm. Tại thời điểm này trong vòng đời thang máy, nếu bỏ qua việc tân trang sẽ dẫn đến việc thang máy trở nên kém hiệu quả và tốn kém hơn khi bảo trì và vận hành. Đặc biệt là yếu tố an toàn cho người sử dụng sẽ không còn được đảm bảo.
Nếu một chiếc thang máy đã đạt một mốc thời gian dài thì chủ đầu tư sẽ phải làm gì? Sẽ có hai trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, thang máy đã xuống cấp trầm trọng, nên lắp thang máy mới.
Thứ hai, thang máy vẫn có thể nâng cấp được. Ở trường hợp này, cần tính kỹ chi phí nâng cấp là bao nhiêu so với chi phí lắp mới. Nếu chi phí nâng cấp bằng khoảng 50% trở lên so với chi phí lắp mới thì khuyến cáo đưa ra là nên đầu tư mới hoàn toàn để đạt được sự tối ưu.
Về “độ tuổi” mà thang máy cần được “cải lão hoàn đồng” ở các cấp độ khác nhau hoặc phải thay thế, các chuyên gia của ELA đã đưa ra các mốc thời gian cụ thể.
Một số giải pháp tham khảo từ các doanh nghiệp thang máy châu Âu
Đó là lời ông Phạm Hoàng Minh – Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế – Thanh tra, Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo ông Minh, việc không quy định niên hạn sử dụng cho thang máy là đánh giá chưa hết các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Ông Phạm Hoàng Minh: “Niên hạn cho các thiết bị như thang máy sẽ khắc phục được xác suất để lọt “lỗi” của khâu kiểm định, tăng tính an toàn cho vận hành, sử dụng”
Trên thực tế, có 2 giải pháp cơ bản nhất để kiểm soát sự vận hành của các thiết bị. Một là đặt ra niên hạn và hai là sử dụng các hàng rào kỹ thuật mà ở đây chính là kiểm định.
Do vậy, trong khi chờ các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất đưa ra các quy định mới về niên hạn sử dụng thang máy thì việc thực hiện các quy định kiểm định là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn.
Theo ông Đặng Anh Trung, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực I, quy định các mốc kiểm định theo hướng giảm dần thời gian kiểm định lại đối với thang đã sử dụng nhiều năm cũng là một hình thức giám sát về an toàn hiệu quả. Tuy nhiên cần có biện pháp giám sát chặt chẽ việc thực hiện kiểm định và chất lượng kiểm định. Ông Trung nêu thực trạng, ở các khu nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, các hộ dân, việc kiểm định thang máy rất khó kiểm soát. Ngay cả việc áp dụng các chế tài xử phạt cũng khó. Vì thế quy định về niên hạn sử dụng là cần thiết…
“Để có một quy định có tầm ảnh hưởng rộng như vậy cần có một quá trình nghiên cứu sâu rộng và sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn. Trong đó chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam”, ông Phạm Hoàng Minh chia sẻ./.
Lê Hùng
Thiết kế đồ họa: Trần Trung
Thông tin mới cập nhật