TCTM – Khi có cháy, nổ xảy ra, thang máy chữa cháy là rất cần thiết để các lực lượng chữa cháy nhanh chóng tiếp cận đám cháy ở các vị trí tầng cao. Đặc biệt, đối với tòa nhà có tầng lánh nạn, gian lánh nạn, thang máy chữa cháy có thể sử dụng để sơ tán người.
1. Các yêu cầu cơ bản đối với thang máy chữa cháy
Thang máy chữa cháy là thang máy được lắp đặt chủ yếu để vận chuyển người nhưng được trang bị thêm các hệ thống điều khiển bảo vệ, thông tin liên lạc và các dấu hiệu để cho phép những thang máy đó được sử dụng dưới sự điều khiển trực tiếp của lực lượng chữa cháy đến được các tầng của nhà khi có cháy xảy ra.
Trong tình huống có cháy lực lượng chữa cháy có thể sử dụng được để đưa lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp cận đến tầng xảy ra cháy và thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ.
Đọc thêm: Tiêu chuẩn thiết kế thang máy cứu hỏa
Theo Điều 6.13, mỗi khoang cháy của các nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m (lớn hơn 50 m đối với nhà nhóm F1.3 – tức nhà chung cư; và các nhà có đặc điểm sử dụng tương tự), hoặc nhà có chiều sâu của sàn tầng hầm dưới cùng (tính đến cao độ của lối ra thoát nạn ra ngoài) lớn hơn 9m phải có tối thiểu một thang máy chữa cháy.
Sơ đồ minh hoạt một số phương án bố trí thang máy chữa cháy
Căn cứ theo tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6396-72:2010, quy định về các yêu cầu cơ bản đối với thang máy chữa cháy hiện nay như sau:
– Thang máy chữa cháy được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn và có sự bảo vệ bổ sung, có các thiết bị điều khiển, tín hiệu (Chú ý: Thang máy chữa cháy được sử dụng theo sự điều khiển trực tiếp của đội chữa cháy khi xảy ra cháy).
– Kích thước của thang máy chữa cháy được ưu tiên lựa chọn theo TCVN 7628-1 (ISO 4190-1). Trong mọi trường hợp, kích thước chiều rộng của thang máy không được nhỏ hơn 1100mm, và chiều sâu không nhỏ hơn 1400mm, tải trọng định mức không nhỏ hơn 630kg. Chiều rộng nhỏ nhất của lối vào cabin là 800mm.
– Khi thang máy được sử dụng có tính đến việc sơ tán người ra khỏi đám cháy và có sử dụng băng ca/giường/được thiết kế như một thang máy chữa cháy có 02 lối vào thì tải trọng danh định nhỏ nhất là 1000kg, kích thước chiều rộng cabin phải là 2100mm.
– Thang máy chữa cháy phải đi đến tầng cao nhất so với tầng phục vụ việc chữa cháy trong thời gian 60s, tính từ khi sau lúc đóng các cửa của thang máy chữa cháy.
2. Thang máy chữa cháy cho công trình có tầng lánh nạn, gian lánh nạn
Ngoài việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới thang máy chữa cháy, đối với các công trình có tầng lánh nạn, gian lánh nạn thì mỗi tầng đó phải được phục vụ bởi ít nhất một thang máy chữa cháy. Cụ thể:
– Ở chế độ hoạt động bình thường, cửa các thang máy chữa cháy không được mở vào những tầng lánh nạn đó còn cửa giếng thang máy tại những tầng lánh nạn đó phải thường xuyên được khóa và chỉ được tự động mở khóa khi chuyển sang chế độ phục vụ lực lượng chữa cháy.
– Đoạn e) thuộc Điều A.3.2.1 cũng quy định gian lánh nạn phải có lối ra thoát nạn trực tiếp đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói và lối ra thoát nạn đi vào khoang đệm của thang máy chữa cháy. Các đường thoát nạn dẫn vào gian lánh nạn phải đi qua một sảnh ngăn khói/sảnh thang máy chữa cháy hoặc một hành lang bên.
– Ngoài ra, Tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6396-72:2010, khi thang máy được sử dụng có tính đến việc sơ tán người ra khỏi đám cháy và có sử dụng băng ca/giường/được thiết kế như một thang máy chữa cháy có 02 lối vào thì tải trọng danh định nhỏ nhất là 1000kg, kích thước chiều rộng cabin phải là 2100mm.
Sơ đồ bố trí gian lánh nạn có lối ra thoát nạn trực tiếp đi vào thang bộ thoát hiểm và thang máy chữa cháy. Thang máy chữa cháy trong trường hợp này được thiết kế với giếng thang riêng và sử dụng chung buồng đệm với thang bộ thoát nạn.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật