Nhà tôi ở Hà Nội, con cái thương bố mẹ có tuổi nên khi xây nhà cũng lắp thêm chiếc thang máy. Hai ông bà không phải đi ra đi vào loanh quanh tầng 1 mà có thể lên tận tầng thượng tưới hoa, trồng rau. Thế nhưng mấy tháng nay thì phải bỏ hẳn thói quen ấy, chắc lũ cây héo rũ cả, vì nâng cấp thang máy mà quên “xét nghiệm”.
Hôm trước tôi đi Hội Báo toàn quốc, cũng bất ngờ khi gặp gian hàng trưng bày của Tạp chí Thang máy, trước giờ tôi không biết có tờ tạp chí chuyên ngành này. Sẵn tiện nhà cũng có dùng thang máy, lại đang hỏng, thế là tôi cũng vào xem tạp chí và trò chuyện với mấy bạn phóng viên.
Ban đầu còn e ngại là Tạp chí Thang máy liệu có phải của một công ty thang máy nào không, có khi nói chuyện thang máy nhà mình bị hỏng lại bị mời mọc mua thang máy khác. Mấy cái này tôi lại không am tường, chủ yếu là con cháu tìm hiểu và mua sắm. Thế nên, tôi cũng chỉ nói dò. Nói một lúc mới rõ rằng đây chẳng phải của doanh nghiệp nào mà của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, chỉ làm báo chứ không bán thang máy, thế là tôi cũng tin tưởng để hỏi. Mà hỏi rồi mới thấy giật mình vì cái sai của gia đình mình.
– Ví dụ thang máy của Đức mà thay linh kiện của Nhật vào thì có được không?
– Cháu không thể khẳng định là được hay không bác ạ, thay thế linh kiện thang máy cũng như bác truyền máu hay thay nội tạng ấy, phải xét nghiệm, phải chẩn đoán, và trước khi thay thế thì phải có căn cứ đánh giá về khả năng tương thích. Cũng như nhóm máu AB thì có thể tiếp nhận từ tất cả các nhóm máu còn nhóm máu O lại chỉ có thể nhận từ duy nhất một nguồn là nhóm máu O. Có thể thang máy của thương hiệu này cần dùng đích xác linh kiện từ chính nhà sản xuất sản phẩm ban đầu vì các yếu tố thiết kế độc nhất, cũng có thể đó là một hạng mục linh kiện có thể dễ dàng tìm được nguồn thay thế.
Sơ đồ truyền máu ở con người cho thấy khả năng những nhóm máu có thể “cho” lần nhau, nguồn cung cấp linh kiện thang máy cũng bị giới hạn bởi khả năng tương thích
Một ví dụ vô cùng trực quan nhưng lại thể hiện rõ bản chất vấn đề khiến tôi có cảm giác như thông suốt. Có lẽ, chiếc thang máy gia đình tôi đã bị bỏ sót công đoạn “xét nghiệm” và đánh giá mức độ tương thích trước khi nâng cấp – tức sửa chữa và thay thế một loạt những linh kiện, thiết bị đã hao mòn, đã có dấu hiệu hỏng hóc.
Thú thực, thang máy gia đình tôi mới chỉ lắp đặt được cỡ 5 năm, nhưng đợt cuối năm ngoái rất hay trục trặc, gọi công ty sửa chữa thang máy đến thì họ bảo nhiều linh kiện bị hỏng, phải nâng cấp thì mới dùng tiếp được còn không thì phải mua mới. Con cái bận rộn nên cũng chỉ mong nhanh chóng xử lý được vấn đề để có phương tiện đi lại cho cả gia đình, ai ngờ đến khi nâng cấp xong chỉ dùng được vài ngày đầu êm xuôi, rồi lại trục trặc, lại sửa đi sửa lại không thể dứt điểm.
Dù thang máy ban đầu của gia đình tôi là nhập khẩu từ Đức, theo thông tin từ công ty thì những linh kiện được thay thế là nhập khẩu từ Nhật, “nguồn gốc rõ ràng, xuất xứ hàng đầu thế giới”. Nhưng chỉ qua một câu hỏi thế thôi mà tôi nhận ra vấn đề.
Qua tìm hiểu một số bài viết trên Tạp chí Thang máy thì chúng tôi mới biết rằng mấy năm nay gia đình đã lơ là việc bảo trì thang máy định kỳ, chỉ khi thang có vấn đề thì mới gọi thợ đến kiểm tra. Khi lỗi hỏng nghiêm trọng nhất như đợt vừa rồi thì lại hấp tấp nghe theo phương án của công ty sửa chữa thang máy mà không tìm hiểu kỹ càng, thành ra có khi đã thật sự bị “chữa lợn lành thành lợn què”!
Nhưng rồi hành trình sửa chữa thang máy của gia đình tôi vẫn còn bỏ ngỏ những khó khăn. Dù đã hiểu ra rằng mình cần kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn trong quá trình sửa chữa thang máy của gia đình, nhưng quy trình từng bước như thế nào, làm sao để “khám bệnh” thang máy, “xét nghiệm” linh kiện phù hợp, có hướng dẫn cụ thể hay một tiêu chuẩn nào về linh kiện, thiết bị thay thế hay không…
Tôi và gia đình có lẽ sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin từ Tạp chí Thang máy, và hy vọng rằng nếu có những nội dung nào chưa có thì Tạp chí Thang máy và Hiệp hội Thang máy Việt Nam có thể tư vấn thêm, hoặc có thêm trung tâm tư vấn hỗ trợ gì đó cho người tiêu dùng chẳng hạn. Tôi tin nhu cầu tìm hiểu này không chỉ riêng của gia đình tôi mà còn rất nhiều người sử dụng thang máy khác cũng có mong muốn này.
Ý kiến từ độc giả
Lời tòa soạn: Tạp chí Thang máy trân trọng cảm ơn sự tin tưởng từ Quý độc giả, ngoài các nội dung đã được chia sẻ cùng bác, Tạp chí sẽ tiếp tục triển khai các nội dung khác trong thời gian tới hữu ích với người tiêu dùng thang máy. Nếu có câu hỏi cụ thể cần lời giải đáp từ chuyên gia, độc giả có thể gửi câu hỏi về hòm thư của Tạp chí Thang máy (contact@tapchithangmay.vn) hoặc liên hệ hotline 0989761499 để nhận tư vấn từ chuyên gia kỹ thuật của Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy.
Thông tin mới cập nhật