TCTM – Trong hành trình phát triển, tổ chức không thể chỉ vận hành bằng mệnh lệnh và kiểm soát. Thời đại mới đòi hỏi phải kiến tạo môi trường – nơi con người có thể phát huy tối đa năng lực, từ đó tạo động lực cho tổ chức bứt phá và phát triển bền vững.
Trong hành trình phát triển của mỗi doanh nghiệp, mô hình quản trị là trục xoay định hình tư duy, văn hóa và hiệu quả vận hành. Quản trị không chỉ đơn thuần là điều hành bộ máy, mà là nghệ thuật dung hòa giữa con người, mục tiêu và sự phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là: Người đứng đầu nên lựa chọn cách quản trị theo hướng kiểm soát chặt chẽ, hay trở thành người định hướng và kiến tạo môi trường để con người được phát triển và tổ chức có thể bứt phá?
Đây không chỉ là lựa chọn một mô hình quản lý, mà là xác lập cách định hình tổ chức và truyền cảm hứng phát triển.
Trong hành trình phát triển của tổ chức, đặc biệt ở giai đoạn khởi đầu hoặc khi đối mặt với khủng hoảng, mô hình quản trị theo kiểu kiểm soát thường được xem là lựa chọn an toàn. Khi quyền quyết định tập trung vào người đứng đầu, tổ chức dễ dàng duy trì trật tự, kỷ luật và triển khai nhiệm vụ một cách nhanh chóng, nhất quán. Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa theo mô hình truyền thống có thể vận hành hiệu quả trong giai đoạn đầu nếu mọi quyết định đều nằm trong tay một vài cá nhân chủ chốt. Quy trình vận hành được thiết lập rõ ràng, nhân sự tuân thủ mệnh lệnh, rủi ro và tranh cãi được giảm thiểu. Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ không ít giới hạn: bộ máy hoạt động theo chiều dọc, nhân sự quen với việc “thực thi” hơn là “tư duy” và toàn bộ tổ chức dễ rơi vào trạng thái lệ thuộc vào ý chí cá nhân của lãnh đạo.
Khi những người có năng lực và khát vọng không tìm thấy môi trường để phát huy năng lực và phát triển, động lực làm việc suy giảm là điều tất yếu. Một tổ chức bị kiểm soát quá mức cũng giống như cỗ máy vận hành trơn tru trong môi trường ổn định nhưng dễ “trật bánh” khi điều kiện thay đổi. Trong bối cảnh hiện nay, nơi đổi mới và thích ứng là năng lực sống còn thì sự kém linh hoạt có thể trở thành rào cản lớn trên hành trình phát triển.
Khác với kiểm soát, quản trị theo hướng kiến tạo coi người lãnh đạo là “kiến trúc sư” của tổ chức – người xây dựng hệ sinh thái, nuôi dưỡng văn hóa và mở lối cho năng lực con người phát triển. Ở đó, vai trò trung tâm không còn nằm ở “mệnh lệnh” mà ở “tầm nhìn” và “niềm tin”.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khởi đầu từ mô hình quản lý tập trung đã từng bước chuyển mình để kiến tạo văn hóa trao quyền, khuyến khích sáng kiến và tạo dư địa cho lớp nhân sự trẻ bứt phá.
Trao quyền cho nhân viên là điều cần thiết để giải phóng tiềm năng của nhân viên và thúc đẩy sự thành công của một công ty
Với tư duy kiến tạo, một tổ chức sẽ trở thành mảnh đất lành cho những người nhiều hoài bão. Khi nhân viên cảm thấy họ thực sự có tiếng nói, có cơ hội thể hiện và có vai trò đóng góp vào sự phát triển chung thì động lực nội tại sẽ bùng nổ. Đây là lợi thế cạnh tranh không dễ sao chép.
Chuyển đổi mô hình quản trị không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Đó là hành trình dài bắt đầu từ thay đổi tư duy lãnh đạo.
Từ “chỉ đạo” đến “đồng hành”: Trong ngành thang máy, mô hình quản trị hiện đại không còn đặt nặng quyền lực từ trên xuống mà đề cao sự đồng hành. Ví dụ, một doanh nghiệp thang máy mới thành lập, giám đốc kỹ thuật không giới hạn vai trò trong những mệnh lệnh bàn giấy mà trực tiếp cùng kỹ sư, kỹ thuật viên xuống công trình, lắng nghe phản hồi, cùng giải quyết vướng mắc. Tinh thần đồng hành ấy không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, mà còn hun đúc niềm tin, sự gắn bó bền vững trong đội ngũ.
Tái cấu trúc tổ chức: Tăng tính tự chủ, tự quyết của các bộ phận trong tổ chức, cho phép từng cá nhân phát huy tối đa vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là minh chứng cho lòng tin vào nội lực đội ngũ nhân sự.
Xây dựng văn hóa học hỏi – chia sẻ – sáng tạo: Trong một số tổ chức, khi một sự cố xảy ra, phản ứng đầu tiên thường là truy tìm “ai sai” thay vì đặt câu hỏi “sai ở đâu, vì sao sai”. Văn hóa đổ lỗi không chỉ làm tê liệt tinh thần học hỏi mà còn triệt tiêu động lực cải tiến – yếu tố sống còn trong môi trường cạnh tranh liên tục biến động. Một tổ chức lành mạnh được định hình bằng khả năng đối diện với sai lầm một cách thẳng thắn, biến chúng thành cơ hội cải thiện hệ thống và phát triển năng lực. Văn hóa không đổ lỗi không chỉ nuôi dưỡng niềm tin nội bộ mà còn thúc đẩy trách nhiệm, tinh thần hợp tác và khả năng thích ứng nhanh. Người lãnh đạo bản lĩnh không phải là người loại bỏ mọi sai sót, mà là người kiến tạo môi trường nơi mỗi sai lầm trở thành bước đệm cho sự trưởng thành và mỗi cá nhân được khuyến khích góp ý, hành động vì sự tiến bộ chung.
Đo lường hiệu quả quản trị bằng giá trị dài hạn: Thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận cuối năm, nhiều doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội và Governance – Quản trị) và chỉ số NPS (Net Promoter Score – mức độ khách hàng sẵn sàng tiếp tục sử dụng và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ) để đánh giá giá trị bền vững. Đây là cách đo lường sức khỏe dài hạn của doanh nghiệp, thay vì chạy theo kết quả ngắn hạn.
Trong bối cảnh thị trường biến động nhanh, kỳ vọng của người lao động và khách hàng ngày càng cao thì lợi thế cạnh tranh không đơn thuần nằm ở sản phẩm, dịch vụ mà còn ở cách tổ chức được kiến tạo và vận hành. Khi đó, quản trị theo hướng kiến tạo không chỉ là lựa chọn đúng đắn, mà còn là con đường dẫn doanh nghiệp tới phát triển bền vững và khác biệt một cách thực chất. Bởi suy cho cùng, quản trị không phải là kiểm soát mà là nghệ thuật đánh thức tiềm năng con người để cùng nhau kiến tạo tương lai.
Lâm Anh
Thông tin mới cập nhật