TCTM – Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” đã thành công tốt đẹp với sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và thu hút được sự quan tâm của dư luận. Vấn đề được đặt ra là khi nào chúng ta sẽ hiện thực hóa được các giải pháp trọng tâm như xây dựng Bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia, cấp mã ngành đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa nhân lực?
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh nêu thực trạng, thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm gây thiệt hại cả người và tài sản do vận hành, sử dụng thang máy, thang cuốn gây ra. Điều này đã và đang đặt ra những vấn đề phát sinh không chỉ về quản lý chất lượng thang máy mà còn là công tác quản lý nhà nước về công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động hoặc cộng đồng. Những điều này yêu cầu người lao động cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật tại Luật việc làm năm 2013 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực thang máy, thang cuốn, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Lần đầu tiên, những vấn đề trọng tâm để nâng cao chất lượng nhân lực
ngành thang máy được thảo luận, góp ý thẳng thắn
Theo ông Vũ Tiến Thành, Trưởng phòng Quy chuẩn, kiểm định an toàn lao động, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, hiện có gần 400 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và cung cấp thang máy nhưng mới chỉ có 13 đơn vị đã đăng ký công bố hợp quy. Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu trên 6000 thang máy cùng 1,7 triệu linh kiện thang máy. Với tiềm năng như vậy của thị trường, lẽ ra việc cung ứng nhân lực chất lượng cao phải được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp, phù hợp nhưng cho tới nay việc này vẫn chưa thực hiện được.
Đại diện Cục An toàn lao động cho rằng chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho
ngành thang máy là thách thức rất lớn
Đại diện Cục An toàn lao động đánh giá, các cơ sở trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn thiếu các module đào tạo chuyên ngành về thiết kế, chế tạo thang máy ở các cấp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Nhân lực kỹ thuật thang máy hiện nay chủ yếu được đào tạo tại doanh nghiệp theo yêu cầu sản xuất, hoặc là sản phẩm của sự kết hợp đào tạo giữa một số nhà trường và doanh nghiệp sản xuất thang máy, ở quy mô hạn chế.
TS. Phạm Xuân Khánh tham gia điều hành phiên thảo luận
Theo TS. Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thẳng thắn nêu thực trạng, để phục vụ cho hoạt động của mình, các doanh nghiệp thang máy phải tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành như điện, điện tử, điều khiển tự động, cơ khí, xây dựng, động cơ,… rồi đào tạo thêm các kiến thức chuyên sâu cả lý thuyết và thực tế về thang máy. Tuy nhiên, các khoá ngắn hạn này chỉ thực hiện tại công ty trong phạm vi tương đối hẹp vì chưa được cấp phép và chưa có sự chuẩn hóa.
Việc tự đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp khi chưa được cấp phép là rào cản khiến nguồn nhân lực thang máy khó được chuẩn hóa và công nhận. Trong khi để được cấp phép đào tạo thì phải đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng (chương trình, giáo trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang – thiết bị) và đăng ký với cơ quan chức năng…
Bà Ingrid Christensen – Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam ILO (The International Labour Organization) đã có những gợi ý rất thiết thực trong việc đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực kỹ thuật thang máy nói riêng. Theo bà, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn khi tìm kiếm kỹ thuật viên có năng lực phù hợp. Hệ quả là họ thường bối rối trong việc tuyển dụng, thường là do thiếu ứng cử viên có năng lực phù hợp.
Bà Ingrid Christensen trao đổi với PV Tạp chí Thang máy
Việc phần nhiều nhân lực thiếu kỹ năng có thể phần nào nói lên rằng các trường đào tạo nghề kỹ thuật chưa có khả năng cung cấp kỹ năng đầy đủ cho học viên để đạt được yêu cầu của các doanh nghiệp. Ngành thang máy cũng không nằm ngoài điều này, người lao động trong ngành thang máy cần được đào tạo chuyên nghiệp và chương trình học phải được thiết kế tốt để đáp ứng nhu cầu công việc hàng ngày.
Theo Giám đốc ILO Việt Nam, quan trọng nhất là việc nhận biết kỹ năng nào cần thiết cho hiện tại và cái nào cần thiết cho tương lai, có thể là 5, 10 hoặc 20 năm tới. Chúng ta nên thảo luận cùng các trường dạy nghề thống nhất chương trình và mục tiêu đào tạo nhân lực có kỹ năng cao.
Sau khi phân tích thực trạng, nhiều ý kiến đề xuất đã được các cơ quan quản lý, các hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia và các doanh nghiệp nêu ra và nhận được phản hồi tích cực.
Đại diện Cục An toàn lao động đề nghị khẩn trương thiết lập hệ thống đào tạo, đánh giá, nâng cao chất lượng chuyên môn của lực lượng lao động trong lĩnh vực thang máy…
TS. Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy dự Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam”
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam băn khoăn, khách mua nhà hay hỏi câu đầu tiên là một cái thang máy chứa được bao nhiêu người, tốc độ của thang máy là bao nhiêu hay nhãn hiệu của thang máy là gì,… Vì vậy, có thể nói rằng ngành thang máy đã trở thành hết sức cần thiết, quan trọng. Đi cùng với sản phẩm như vậy cần nhân lực được đào tạo bài bản. Nhưng rất tiếc chưa có mã ngành đào tạo cho ngành này.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Ông Hiệp kiến nghị, việc chuẩn hóa kỹ năng nghề thang máy và có mã ngành đào tạo thang máy là hết sức cần thiết. “Dưới góc độ Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, chúng tôi xin hoàn toàn ủng hộ hai giải pháp trên và đề nghị Bộ Lao động, Thương binh Xã hội và các cơ quan chức năng nên sớm tiến hành”, ông Hiệp nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ phải có mã ngành đào tạo và chuẩn hóa kỹ năng nghề. PGS. TS. Việt Hương cho rằng, về quy trình thủ tục, các hồ sơ, lộ trình, các bước minh chứng điều kiện thực hiện, lãnh đạo Tổng cục đã giao cho các đơn vị chuyên môn thực hiện. “Ở đây thể hiện trách nhiệm của Bộ rất cao ở việc đã giao hai vụ chuyên môn trực tiếp giải quyết vấn đề này là Vụ Đào tạo chính quy và Vụ Kỹ năng nghề. Hai đơn vị sẽ hỗ trợ cho Hiệp hội về thủ tục”, Phó Tổng Cục trưởng khẳng định cam kết hành động.
PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Bộ LĐ-TB&XH
Đồng quan điểm, các đại biểu tham gia hội thảo nhất trí rất cao với các đề xuất được đưa ra từ tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, học giả, đại diện các nhà trường, doanh nghiệp… hướng tới việc được cấp một mã ngành, sớm có Bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia để chuẩn hóa kỹ năng nghề cho lao động ngành thang máy.
Lê Hùng- Hà My
Thông tin mới cập nhật