TCTM – Trong điều kiện ngập nước thông thường, việc khởi động lại thang máy thủy lực thường không tốn quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong trường hợp ngập nước do lũ lụt, kỹ thuật viên cần hết sức lưu ý vì nước lũ thường kéo theo cặn bẩn, chất thải,…
Tình trạng ngập lụt phòng máy và hệ thống thang máy do thiên tai hoặc sự cố do con người gây ra không phải là hiếm gặp. Đặc biệt, việc khởi động lại hệ thống thang máy sau thảm họa lũ lụt là một nhiệm vụ đầy thách thức. Các kỹ thuật viên khắc phục sự cố thường phải đối mặt với nhiều vấn đề trong công tác hậu cần và kỹ thuật.
Kết hợp những vấn đề trên với thời gian hạn hẹp và/hoặc thiếu kiến thức chuyên môn thường dẫn đến việc hệ thống được khởi động tạm thời nhưng sau đó lại hỏng trở lại do các thành phần quan trọng không được kiểm tra và bảo dưỡng đúng cách trước khi hoạt động trở lại.
Trong khi thiên tai không thể kiểm soát hoặc tác động, thì hậu quả của nó nên được ngăn chặn càng nhiều càng tốt. Bài viết này sẽ tập trung vào những lưu ý trong công tác tái khởi động thang máy thủy lực, đặc biệt là các hệ thống nguồn thủy lực sau lũ lụt.
Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của lũ lụt cũng như thời gian, số lượng các bộ phận của thang máy tiếp xúc với nước là rất quan trọng. Thực tế, gần như tất cả các bộ phận của bộ nguồn thủy lực đều có thể bị ảnh hưởng.
Thang máy thủy lực thường dễ bảo trì và sửa chữa do có ít thành phần hơn, thiết kế đơn giản so với các loại thang máy khác. Do đó, việc đưa chúng hoạt động trở lại tương đối dễ dàng và nhanh chóng, miễn là việc kiểm tra và sửa chữa được thực hiện một cách chính xác, chuyên nghiệp.
Trong trường hợp nước xâm nhập vào thùng chứa dầu và trộn lẫn với dầu, không nên khởi động bộ nguồn và thang máy để tránh làm hỏng toàn bộ hệ thống thủy lực.
Hình ảnh thang máy ngập trong nước lũ
Nỗi lo lớn nhất khi nước ngập hệ thống nguồn thủy lực là rỉ sét các thành phần kim loại và chập điện. Tuy nhiên, một vấn đề thường bị bỏ qua chính là sự nhiễm bẩn của dầu thủy lực. ISO 4406:1999 là tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng rộng rãi để đo lường mức độ nhiễm bẩn trong dầu thủy lực.
Trong điều kiện bình thường, việc làm sạch dầu có thể thực hiện dễ dàng bằng các bộ lọc di động ngay tại công trình mà không tốn quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả khi nước chưa trộn lẫn vào dầu và thành phần của dầu vẫn chưa bị thay đổi.
Nước lũ thường mang theo nhiều cặn bẩn, chất thải và hạt mịn, những thứ này có thể trộn lẫn với dầu thủy lực trong trường hợp bể chứa bị ngập. Dầu đã bị nhiễm bẩn gần như không thể tái sử dụng được, vì quá trình tách nước và cặn bẩn chuyên biệt thường không đem lại tính khả thi về mặt kinh tế do khối lượng dầu trong bể lớn.
Việc vận hành bộ nguồn thủy lực với dầu bị nhiễm bẩn có thể gây hư hỏng vĩnh viễn cho các chi tiết như phớt dầu, bề mặt và linh kiện quan trọng trong van điều khiển, xy lanh và bơm. Cần lưu ý rằng các van điều khiển lưu lượng thủy lực (đặc biệt là van tiết lưu) có các lỗ rất nhỏ được chế tạo bằng máy móc có độ chính xác rất cao. Các tạp chất nhỏ này sẽ khiến các thành phần quan trọng của van bị hỏng hóc, sau đó quá trình oxy hóa và rỉ sét sẽ dần xảy ra.
Những tạp chất có trong dầu nhiễm bẩn không phải lúc nào cũng nhìn thấy được bằng mắt thường. Chẳng hạn như, một sợi tóc nhìn thấy bằng mắt có đường kính khoảng 75 μm, trong khi các tạp chất nhỏ trong dầu thủy lực chỉ dao động từ 5-15 μm và thông thường mắt người không thể nhìn thấy các hạt nhỏ hơn 50 μm.
Phòng máy của thang thủy lực thường nằm ở tầng hầm hoặc trong hố thang, do đó, một trong những bộ phận đầu tiên dễ tiếp xúc với nước lũ là bình chứa của bộ nguồn thủy lực. Nước lũ tích tụ có thể tồn đọng trong phòng máy hoặc hố thang trong nhiều ngày.
Mô hình một thang máy sử dụng công nghệ thủy lực
Thùng chứa dầu thủy lực có thể bị rỉ sét khi tiếp xúc với nước hoặc độ ẩm trong thời gian dài. Thông thường, bình chứa được phủ một lớp chống gỉ và sơn/sơn tĩnh điện trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tùy thuộc vào chất lượng của quá trình này và tuổi thọ của bình chứa, quá trình oxy hóa có thể bắt đầu sớm hay muộn.
Bề mặt bên trong của bình chứa không bị rỉ sét nhanh chóng vì được phủ một lớp dầu. Dù vậy, khi tiếp xúc với nước, quá trình rỉ sét sẽ diễn ra nhanh hơn. Quá trình oxy hóa sẽ giải phóng các hạt mịn trong hệ thống thủy lực và chúng có xu hướng bám lại trong mạch trừ khi hệ thống được xả kỹ lưỡng. Các khu vực quan trọng cần được chú ý là các mối hàn và lỗ ren để bắt ốc vít.
Ngoài vấn đề nhiễm bẩn từ các tạp chất thì bùn đất do nước lũ mang theo có thể lắng trong bể chứa và cuối cùng bị máy bơm thủy lực hút ra. Vấn đề này không chỉ làm tắc bộ lọc của bơm (có thể tạo ra áp suất âm nếu không được vệ sinh đúng cách) mà còn gây hư hỏng các trục vít của bơm. Theo thời gian, bộ lọc và kẹp cố định thậm chí có thể bị gãy hoặc kẹt do quá trình oxy hóa.
Bộ lọc bơm thủy lực bị tắc nghẽn do tạp chất
Vì bơm thủy lực ngâm dầu được thiết kế để hoạt động trong dầu, do đó vật liệu sử dụng cho trục vít có thể bị oxy hóa nhanh chóng khi tiếp xúc với nước. Bất kỳ sự hao mòn hoặc hư hỏng do nhiễm bẩn sẽ dẫn đến rò rỉ và giảm hiệu suất bơm.
Bơm bị hao mòn thường gây ồn hơn và có thể dẫn đến rung lắc và làm nhiệt độ dầu tăng cao. Vì thế, kỹ thuật viên tuyệt đối phải vệ sinh kỹ lưỡng bộ phận bơm của thang máy. Nếu oxy hóa nghiêm trọng, thang máy cần phải thay bơm mới. Vòng bi của hệ thống bơm bị ngâm trong nước vài ngày cũng nên được thay thế vì rất khó làm sạch chúng.
Động cơ chìm (Submersible motors) được sử dụng trong thang máy thủy lực không tự động chống nước hoàn toàn khi bị ngập, vì nó được thiết kế để hoạt động trong dầu, không phải nước. Động cơ bên ngoài được kết nối với máy bơm trục ngâm của động cơ chìm bằng hộp khớp ly hợp (bell housing) và khớp nối. Hộp khớp ly hợp, thường được làm bằng gang hoặc thép, chứa khớp nối kết nối trục của động cơ tiêu chuẩn IEC và bơm.
Kỹ thuật viên nên tiến hành kiểm tra các bộ phận trên để đảm bảo khớp nối và hộp khớp ly hợp không có cặn bẩn. Nếu không, độ mòn của khớp nối có thế tăng nhanh, làm cho bộ nguồn phát ra tiếng ồn. Đối với các động cơ tiêu chuẩn IEC bên ngoài, cần xem xét chỉ số bảo vệ chống xâm nhập (IP – Ingress Protection, hay còn gọi là chỉ số chống nước) của động cơ.
Cấp độ IP thường có hai số, trong đó số đầu tiên cho biết mức độ chống lại sự xâm nhập của vật rắn từ bên ngoài, chỉ số thứ hai thể hiện mức độ chống lại sự xâm nhập của nước từ bên ngoài. Ngoài ra, cấp độ IP có thể có thêm chỉ số thứ ba (thường được bỏ qua) là bảo vệ chống va chạm cơ học.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật