TCTM – Các doanh nghiệp trong ngành thang máy đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêu chuẩn hóa ngành thang máy Việt Nam, từ đó sẽ sàng lọc hàng giả, hàng nhái trên thị trường, tạo ra nền tảng phát triển vững mạnh cho ngành.
Sáng ngày 16/5/2023, tại trụ sở Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) ở Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt các doanh nghiệp trong ngành thang máy Việt do VNEA tổ chức.
Buổi tọa đàm với sự góp mặt của đại diện 12 doanh nghiệp hạt nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thang máy và thiết bị thang máy trong nước cùng lãnh đạo Hiệp hội Thang máy Việt Nam. Cụ thể:
1. Ông Hoàng Thế Duy – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Liên doanh ALPEC; Ông Nguyễn Trọng Bình – Phó Tổng Giám đốc kinh doanh CTCP Liên doanh ALPEC;
2. Ông Phùng Đức Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thang máy Giang Anh;
3. Bà Kim Sao Mai – Giám đốc Công ty TNHH Thang máy D&D Sài Gòn;
4. Ông Bùi Mạnh Cường – Giám đốc khu vực Miền Bắc Công ty TNHH Thang máy Kỹ Thuật điện HISA;
5. Ông Bùi Mạnh Cường – kiêm Phó Giám đốc Công ty TNHH Thang máy – Cơ khí Tân Lập;
6. Ông Nguyễn Hải Phú – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Phú Minh;
7. Ông Mai Mạnh Hiên – Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Thiết bị công nghiệp Mekamic;
8. Ông Trần Thọ Huy – Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam; Ông Trần Vĩnh Phước – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam;
9. Ông Nguyễn Cao Giáp – Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thang máy GHT Việt Nam;
10. Ông Phạm Khắc Thành – Chủ tịch Công ty TNHH Thang máy Thành Phát;
11. Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch Công ty CP Công nghiệp VP Tech;
12. Bà Đoàn Thị Nhài – Giám đốc Công ty TNHH Thang máy Phúc Thành;
Cùng ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam; Ông Nguyễn Huy Tiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam.
Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế và sự phát triển thiếu định hướng chung của ngành thang máy Việt Nam, tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thang máy và thiết bị thang máy trong nước đã cùng nhau chia sẻ, lắng nghe, thảo luận và đánh giá để rút ra những vấn đề quan trọng của ngành nhằm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp thang máy Việt phát triển lành mạnh, bền vững.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam bày tỏ: “Trước mắt, các doanh nghiệp cần cùng tập trung phân tích các nỗi đau của doanh nghiệp trong ngành, để từ đó cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết nhanh gọn từng vấn đề để ngành thang máy Việt Nam có được nền tảng phát triển vững chắc.
Từ đó, tạo nên lòng tin, tiếng nói của doanh nghiệp thang máy nội địa tới người tiêu dùng trong nước. Những vấn nạn như cạnh tranh về giá bằng cách giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay làm hàng giả,… sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành, khiến người tiêu dùng mất lòng tin.”
Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Chủ tịch VNEA nhấn mạnh, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng linh kiện thang máy đầu ngành của Việt Nam cần phải cùng nhau làm gương, giải quyết các vấn đề của ngành, phối hợp để tiêu chuẩn hóa ngành thang máy từ đó loại bỏ vấn nạn hàng giả, nhái, nâng tầm vị thế doanh nghiệp thang máy Việt trong mắt người tiêu dùng Việt.
Trên thực tế, thị trường thang máy Việt cũng đã xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để làm ra những sản phẩm giả, nhái. Họ sử dụng các tên gọi khá giống với tên thương hiệu hay in logo của thương hiệu khác để đánh lừa khách hàng.
Thậm chí, có những trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ nước A sang nước B để lấy xuất xứ của nước B rồi nhập về Việt Nam. Điều này xảy ra không chỉ đối với doanh nghiệp Việt mà còn diễn ra ở cả những doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt đối với lĩnh vực linh kiện thang máy.
Ông Trần Thọ Huy – Tổng Giám đốc CTCP Thang máy Thiên Nam
Bàn luận về vấn nạn hàng giả hàng nhái, ông Trần Thọ Huy – Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam mong muốn Hiệp hội sẽ đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để người sử dụng có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm.
“Đối với các sản phẩm gần gũi như máy lạnh, khách hàng có thể rất am hiểu, họ biết nên dùng hãng nào tốt, chất lượng. Tuy nhiên, ngành thang máy là ngành đặc thù do đó khách hàng thường không hiểu rõ. Cũng chính vì thế mà người mua dễ bị nhầm lẫn”, ông Trần Thọ Huy chia sẻ.
Đối với vấn đề cạnh tranh về giá, Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho rằng, doanh nghiệp không thể cạnh tranh mãi về giá, nếu giá sản phẩm quá thấp thì đi song song với đó là chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn tới tiếng tăm ngành thang máy Việt.
Bên cạnh đó, nếu cạnh tranh về giá thì doanh nghiệp Việt cũng khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngành thang máy Việt là ngành có tiềm năng, do đó trong tương lai các công ty Trung Quốc sẽ thâm nhập vào thị trường Việt rất nhanh. Vì vậy, thay vì cạnh tranh về giá thì chúng ta nên chú trọng vào việc tập trung để tạo nên sản phẩm, dịch vụ tốt và có những giá trị khác biệt.
“Doanh nghiệp thang máy muốn kinh doanh lâu dài được thì cần phải làm tốt, nghiêm túc, đặc biệt về mảng dịch vụ, chăm sóc khách hàng sau bán. Còn nếu không, bản thân doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại được vài năm rồi từ từ sẽ bị đào thải”, ông Trần Thọ Huy cho hay.
Ông Nguyễn Hải Phú – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Phú Minh
Ông Nguyễn Hải Phú – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Phú Minh bày tỏ kỳ vọng các doanh nghiệp trong ngành cần phải tập trung hơn vào vấn đề nâng cao chất lượng hàng hóa thay vì cạnh tranh phá giá.
“Chúng ta cần những công ty đủ mạnh để gắn kết, đoàn kết, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ngành thang máy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Nguyễn Hải Phú chia sẻ.
Cũng bình luận về vấn đề cạnh tranh giá, ông Nguyễn Trọng Bình – Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty CP Liên doanh ALPEC cho biết giá rẻ nhưng nếu sản phẩm tốt, đạt tiêu chuẩn thì không sao và điều này sẽ càng tốt cho người tiêu dùng. Điều quan trọng ở đây là cần phải có tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Trọng Bình – Phó Tổng Giám đốc kinh doanh CTCP Liên doanh ALPEC (bên trái)
“Thị hiếu người tiêu dùng thường thích giá rẻ và câu chuyện giá rẻ là vấn đề của cá nhân doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, song cái thang đó khi đến tay người tiêu dùng, dù khách hàng biết hay không biết thì doanh nghiệp vẫn cần phải đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Trọng Bình cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh Hiệp hội cần tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn. Chúng ta cần áp dụng tiêu chuẩn cho mọi bước từ sản xuất, thử nghiệm, lắp đặt, bảo trì. Chẳng hạn như nhân viên lắp đặt trình bằng cấp, chứng chỉ khi lắp thang thì tự nhiên thang sẽ có tiêu chuẩn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch VNEA cũng cho rằng vấn đề rẻ hay đắt thì đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về bí quyết công nghệ và quản trị chi phí của từng doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng hơn cả đó là sản phẩm cần phải đạt được tiêu chuẩn, từ tiêu chuẩn linh kiện, thiết bị đến tiêu chuẩn về con người.
“Bản chất về tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện nay chúng ta đã có và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành. Tuy nhiên, vấn đề thực thi tiêu chuẩn và quy chuẩn đó như thế nào thì cần phải có các phòng thử nghiệm sản phẩm và linh kiện,…”, Chủ tịch VNEA chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Đức cho biết thêm vào hồi cuối năm 2022, Hiệp hội cùng cơ quan nhà nước cũng đã có chuyến làm việc bên Trung tâm Thử nghiệm thang máy của Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (Korea Elevator Safety Agency – KoELSA) của Hàn Quốc. Tại trung tâm này, các chuyên gia sẽ kiểm tra từ những chi tiết nhỏ nhất như kiểm tra giảm chấn, va đập cửa,… trước khi được đưa vào sử dụng tại thị trường Hàn Quốc.
“Về phía Hiệp hội, hiện nay các tiêu chuẩn về linh kiện hay định mức thay thế thiết bị,… đã được Hiệp hội xây dựng. Hiệp hội sẽ gửi tới các doanh nghiệp trong ngành cùng cho ý kiến để ban hành”, Chủ tịch VNEA thông tin.
Ông Mai Mạnh Hiên – Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Thiết bị công nghiệp Mekamic
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Mai Mạnh Hiên – Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Thiết bị công nghiệp Mekamic cho hay ngành thang máy nên có điều kiện, tiêu chuẩn đối với sản phẩm thang máy lẫn linh phụ kiện, công nghiệp phụ trợ,… để tránh việc doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia sản xuất thang máy, linh phụ kiện nhưng việc đảm bảo an toàn hay không thì lại không chắc.
Về góc độ hàng giả, hàng nhái, việc tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa cũng sẽ giúp thị trường thang máy trở nên sạch hơn. Sản phẩm, linh kiện có thương hiệu nhãn mác, tiêu chuẩn mới tham gia vào chuỗi thương mại. Từ đó, các đơn vị làm giả cũng sẽ không thể xâm nhập vào thị trường.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch Công ty CP Công nghiệp VP Tech
Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch Công ty CP Công nghiệp VP Tech cũng cho rằng chúng ta chưa thực sự hiểu sâu về ngành thang máy. Trong khi nước ngoài đã những trường đào tạo chuyên ngành về thang máy nhưng Việt Nam lại chưa có trường đào tạo ngành thang máy, chưa có tiêu chuẩn ngành.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa nhấn mạnh, muốn có tiêu chuẩn ngành thì chúng ta cần phải thực hiện công tác đào tạo con người làm việc trong ngành thang máy trước thì thương hiệu Việt Nam chủ động được về khâu tính toán, thiết kế, sản xuất,… Từ đó mới có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng thay vì bắt chước như hiện nay.
Ông Nguyễn Cao Giáp – Giám đốc Công ty CP Sản xuất thang máy GHT Việt Nam
Ông Nguyễn Cao Giáp – Giám đốc Công ty CP Sản xuất thang máy GHT Việt Nam cũng mong muốn từ việc tiêu chuẩn hóa ngành thanh máy, đưa ngành trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp sàng lọc các đơn vị không có tư cách và đạo đức hoạt động trên thị trường thang máy Việt, từ đó người tiêu dùng cũng an tâm sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch VNEA đã thống nhất 4 vấn đề quan trọng mà ngành thang máy Việt Nam cũng như Hiệp hội cần giải quyết trước mắt và lâu dài. Cụ thể:
1. Tham mưu, xây dựng, cụ thể hóa bộ tiêu chuẩn liên quan ngành thang máy. Áp dụng và triển khai với các doanh nghiệp để thực hiện.
2. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề: hoàn thiện các chương trình đào tạo, làm văn bản trình cơ quan ban ngành, xây dựng mã ngành. Trước khi được nhà nước công nhận, Hiệp hội và các doanh nghiệp có thể tự điều phối, tự xây dựng và ban hành, thực hiện.
3. Đề xuất đưa thang máy vào nhóm ngành nghề có điều kiện: lấy ý kiến của doanh nghiệp, làm văn bản, trình lên cơ quan quản lý nhà nước,…
4. Cam kết bán sản phẩm hàng hoá đúng nhãn mác, xuất xứ. Hiệp hội là cơ quan tiếp nhận các phản ánh từ người tiêu dùng, có trách nhiệm phối hợp để các cơ quan chức năng xử lý.
Đọc thêm:
Tạo chỗ đứng cho thang máy Việt từ việc nâng cao đào tạo nhân lực
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật
Nguyen huu huy
Ý kiến các bạn k? làm được gì hết .
nguyễn hoàng nam
làm màu quá ông tổ ngành dán tên ạ
QC02
Các ông nói thì hay, nhưng làm thì ăn xổi. Xong các ông hô hào cả ngành tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa. Thực sự công tâm thì sản phẩm các ông làm ra đã đáp ứng được bao nhiêu % yêu cẩu của QC 02? Làm màu quá đấy các ông tổ nghề dán nhãn 🙂