TCTM – Trước khi xảy ra vụ tai nạn, nạn nhân đã nhắn tin cho đồng nghiệp của mình với nội dung: “Làm việc một mình rất khó, vì vậy hãy tới để giúp đỡ”.
Theo The Korea Times đưa tin, Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc đang bị Chính phủ nước này điều tra về cái chết của một công nhân 27 tuổi bị ngã từ độ cao 20m khi đang sửa chữa thang máy một mình tại tòa nhà chung cư ở Seoul vào thứ Sáu tuần trước (tức ngày 23/6/2023).
Vào hôm Chủ nhật vừa qua (tức ngày 26/6/2023), Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho biết cơ quan này đang điều tra vụ việc, xem xét liệu Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc có phải chịu hình phạt theo Đạo luật Trừng phạt Tai nạn Nghiêm trọng (SAPA) và Đạo luật An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp hay không?
Giám đốc điều hành Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc Cho Ik-seo.
Theo quy định của pháp luật, giám đốc điều hành công ty có thể bị bắt giam nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại nơi làm việc do phía công ty không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa an toàn.
“Sau khi cử các quan chức đến hiện trường kiểm tra vụ việc, chúng tôi ngay lập tức đã ra lệnh đình chỉ công việc sửa chữa”, một quan chức của Bộ Lao động thông tin và cho biết cơ quan này sẽ có biện pháp nghiêm khắc nếu phát hiện ra bất kỳ hành vi vi phạm nào trong vụ việc này.
Trong khi đó, các công nhân làm việc tại Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc cho rằng vụ tai nạn chết người xảy ra là do ban quản lý (PV – ban quản lý Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc) liên tục từ chối chấp nhận yêu cầu phải cử ít nhất hai công nhân đi làm công việc sửa chữa thang máy. Trước khi xảy ra tai nạn, công nhân tử vong còn nhắn tin cho đồng nghiệp nhờ hỗ trợ.
Nhà máy sản xuất của Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc tại Incheon
Cụ thể về đoạn tin nhắn, theo Korea Posts English, trước khi xảy ra vụ tai nạn, nạn nhân đã nhắn tin cho đồng nghiệp của mình với nội dung: “Làm việc một mình rất khó, vì vậy hãy tới để giúp đỡ”.
Theo Điều 162 Quy tắc về tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động của Hàn Quốc quy định: “Khi lắp đặt, lắp ráp, sửa chữa, kiểm định, tháo dỡ thang máy phải cử người phụ trách và thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo của người đó”. Ngoài ra, công việc sửa chữa cũng được khuyến cáo cử ít nhất hai người làm việc.
“Để có môi trường làm việc an toàn hơn, chúng tôi đã yêu cầu ban quản lý cử hai công nhân đến, nhưng ban quản lý đã phớt lờ yêu cầu chúng tôi”, một nhân viên của Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc viết trên Blind – một ứng dụng trò chuyện ẩn danh. (PV – đây là một ứng dụng cho các nhân viên đã được xác minh danh tính, dùng bút danh trò chuyện với nhau về những gì đang xảy ra tại nơi làm việc của họ về mọi thứ, từ sa thải, thăng chức, chính sách).
Công đoàn của hãng thang máy cũng cho biết họ đã đưa ra các yêu cầu trên từ năm 2019. Tuy nhiên, theo công đoàn, ban quản lý đã tuyên bố rằng các hướng dẫn được soạn thảo do tai nạn chết người trong quá trình lắp đặt thang máy, không phải đối với công việc bảo trì.
Theo ghi chú tốc ký do công đoàn cung cấp, ban quản lý đã nói với công đoàn trong một cuộc họp vào tháng 3 như sau: “Các kỹ sư dịch vụ của chúng tôi có nhận thức rằng sẽ an toàn hơn khi thực hiện công việc bảo trì theo nhóm đôi, nhưng chúng tôi cho rằng điều này là không đúng, làm việc một mình có thể an toàn hơn”.
Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc đã phủ nhận việc đưa ra nhận xét trên trong ghi chú tốc ký.
“Công ty chúng tôi đã thực hiện bảo trì thang máy tuân thủ theo các luật liên quan”, một lãnh đạo của Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc cho biết, đồng thời khẳng định “Chúng tôi đào tạo các kỹ sư của mình theo các hướng dẫn thực hiện công việc nhằm đảm bảo sự an toàn của họ”.
Công ty Thang máy Otis Hàn Quốc cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân, đồng thời hứa sẽ nỗ lực hết sức để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hàn Quốc, từ năm 2018 đến tháng 10/2022, đã có 38 nạn nhân thiệt mạng trong quá trình lắp đặt và bảo trì thang máy.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2022 toàn quốc xảy ra hơn 7.700 vụ tai nạn lao động, tăng hơn 18% so với năm 2021. Các vụ tai nạn lao động khiến 754 người chết và 1.647 người bị thương nặng.
Để phòng ngừa tai nạn liên quan đến quá trình lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy thì cần phải nhanh chóng đưa ra bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho kỹ thuật viên ngành thang máy.
Tại Việt Nam, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã giao cho Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở về thang máy, tập trung vào các vấn đề an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy; kỹ năng nghề thang máy; định mức lao động trong bảo dưỡng, sửa chữa thang máy… nhằm hoàn thiện Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) từ quá trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt tới sử dụng, vận hành, bảo trì, sửa chữa.
Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” do Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy – Hiệp hội Thang máy Việt Nam xây dựng
Hồng Nhung
Thông tin mới cập nhật