TCTM – Nữ bưu tá được phát hiện đã tử vong sau 3 ngày mắc kẹt trong thang máy tòa nhà 9 tầng, chiếc thang máy thường xuyên xảy ra trục trặc và không được đăng ký theo quy định.
Tai nạn xảy ra với Olga Leontyeva (32 tuổi), là nhân viên chuyển phát của bưu điện. Khi cô thực hiện công việc tại một tòa nhà 9 tầng ở Tashkent, thủ đô của Uzbekistan thì thang máy đột ngột cắt điện khiến cô mắc kẹt.
Được biết, khi thang máy di chuyển đến tầng trên cùng thì đột ngột dừng lại do bị ngắt điện, hệ thống báo động thang máy cũng không hoạt động, cô đã cố gắng đập cửa để gây tiếng động và không ngừng kêu cứu. Tuy nhiên, người dân tại tòa nhà cho biết họ không nghe thấy tiếng kêu cứu.
Khi Olga Leontyeva mất tích đến ngày thứ 2, gia đình đã báo cảnh sát rằng cô mất tích. Sau cuộc tìm kiếm ráo riết, ngày 27/7/2023, sau 3 ngày kể từ khi cô mất tích, thi thể cô được tìm thấy trong tình trạng không còn dấu hiệu sinh tồn trong thang máy.
Olga Leontyeva và hình ảnh cắt từ camera thời điểm cô bước vào thang máy để di chuyển lên tầng trên cùng trước khi xảy ra sự cố
Lý do ban đầu được đưa ra là thang máy bị mất điện, tuy nhiên, Công ty cung cấp mạng lưới điện tại khu vực này xác nhận rằng tòa nhà không bị cắt điện vào ngày xảy ra sự cố.
Theo điều tra của Văn phòng công tố, thang máy này do Trung Quốc sản xuất và đang được vận hành dù chưa được đăng ký. Ngoài ra, các báo cáo khác cho thấy thang máy này thường xuyên gặp sự cố kỹ thuật. Lời kể của người dân cũng cho biết thang máy này thường xuyên xảy ra sự cố, cư dân và những người giao hàng, bưu tá đều phải “liều mạng” sử dụng.
Cảnh sát đã bắt đầu điều tra sự việc theo hướng vụ án hình sự do thang máy chưa được đăng ký theo quy định của chính phủ.
Một sự cố tương tự xảy ra vào tuần trước tại Palermo của Ý, Francesca Marchione – một phụ nữ 61 tuổi được tìm thấy đã tử vong sau khi bị mắc kẹt trong thang máy khi bị cắt điện. Sự cố mất điện xảy ra vào ngày 26 tháng 7 khiến tòa nhà dân cư chìm trong bóng tối. Các dịch vụ khẩn cấp đã được gọi đến hiện trường, nhưng bi thảm thay, họ phát hiện ra thi thể của cô Marchione bên trong thang máy, bị kẹt giữa hai tầng. Được biết cửa thang máy đã mở ra nhưng cô ấy không thể ra ngoài.
Cả hai trường hợp hiện đang được điều tra kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn và ngăn chặn những thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.
Với các tòa nhà chung cư thấp tầng dạng chung cư mini, tòa nhà cho thuê hầu hết đều trang bị thang máy. Tuy nhiên, việc đăng ký thang máy với cơ quan quản lý, thực hiện kiểm định, bảo trì – bảo dưỡng đảm bảo thang máy vận hành chưa được kiểm soát sát sao.
Qua cả 2 sự việc nêu trên, dù nguyên nhân ban đầu là do việc cắt điện, nhưng tai nạn xảy ra cho thấy vấn đề kỹ thuật của thang máy cũng đang gặp trục trặc.
Trong sự việc tại Tashkent (Uzbekistan), tòa nhà không bị ngắt điện mà chỉ riêng thang máy bị ngắt điện, đồng thời, hệ thống báo động cần sử dụng nguồn điện ác-quy – độc lập với nguồn điện của thang máy cũng không hoạt động. Tòa nhà này cũng không có nhân lực phụ trách về kỹ thuật dẫn đến việc thang máy gặp sự cố 3 ngày vẫn không có hành động can thiệp, chỉ khi cảnh sát thực hiện tìm kiếm mới tìm ra nạn nhân.
Còn trong tai nạn xảy ra tại Palermo (Ý), trong tình huống bị cắt điện đột ngột, thang máy đã không có hệ thống điện dự phòng cùng hệ thống cứu hộ khẩn cấp để đưa cabin về điểm dừng tầng an toàn mà cabin bị kẹt giữa 2 tầng dẫn đến nạn nhân tử vong bên trong thang máy.
Những lưu ý đặc biệt quan trọng rút ra từ 2 sự việc trên cần áp dụng với thang máy tòa nhà chung cư:
1. Thang máy chỉ được vận hành sau khi đã được kiểm định an toàn kỹ thuật (bao gồm đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và các kiểm tra, thử nghiệm an toàn kỹ thuật).
2. Thang máy phải được trang bị tính năng cứu hộ khẩn cấp, hệ thống báo động,… theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
3. Thang máy cần được trang bị nguồn điện dự phòng cho tình huống khẩn cấp, cho hệ thống cứu hộ khẩn cấp và cho hệ thống báo động. Ngoài ra, các hệ thống liên lạc nội bộ Intercall (điện thoại nội bộ liên lạc từ cabin thang máy đến phòng kỹ thuật tòa nhà) hay chức năng cuộc gọi khẩn cấp Emcall (cuộc gọi khẩn cấp tới 5 số điện thoại được cài đặt sẵn và trung tâm dịch vụ kỹ thuật) cũng cần thiết để đảm bảo người trong cabin luôn có khả năng liên hệ với bên ngoài trong tình huống mắc kẹt.
4. Cần bảo trì – bảo dưỡng thang máy thường xuyên, định kỳ theo quy định, đồng thời thực hiện các thử nghiệm tình huống giả lập về các sự cố kỹ thuật có thể xảy ra.
5. Các tòa nhà phải có nhân lực phụ trách kỹ thuật được đào tạo về vận hành thang máy, sử dụng thang máy, cứu hộ thang máy,… thực hiện công tác theo dõi hoạt động vận hành của thang máy.
Ngoài ra, cũng có thể tham khảo Tiêu chuẩn cơ sở do Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam) TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” để làm căn cứ trong thực tế nhằm đảm bảo an toàn thang máy.
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật