TCTM – Đang sử dụng thang máy thì mất điện đột ngột, đó là nỗi sợ của nhiều người khi dùng thang máy. Đặc biệt, mùa nắng nóng năm nay được cảnh báo là “mùa mất điện” bởi nguy cơ thiếu điện trên cả nước, hoặc vào các khung giờ cao điểm nguồn điện có thể không ổn định. Cần làm gì với nỗi lo thang máy trong “mùa mất điện”?
Đang di chuyển bằng thang máy gia đình thì mất điện đột ngột, bé trai 11 tuổi ở Nghệ An bị mắc kẹt trong thang máy. Bị nhốt trong cabin thang máy tối và nóng bức, bé có dấu hiệu hoảng sợ.
Cụ thể, vào sáng ngày 3/6, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Nghệ An đã giải cứu một cháu bé mắc kẹt trong thang máy do sự cố về điện.
Lực lượng cứu hộ xử lý tình huống để giải cứu nạn nhân mắc kẹt bên trong thang máy (Ảnh: C. Minh/Dân trí)
N.T.B.K. (11 tuổi) trú ở TP Vinh về nhà cô ruột ở xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) chơi. Khi K. Đang di chuyển bằng thang máy thì mất điện đột ngột khiến nạn nhân mắc kẹt bên trong.
Ngay khi nhận được tin báo, Phòng PCCC&CNCH tỉnh chỉ đạo lực lượng đến hiện trường để giải cứu cháu bé. Do bị mắc kẹt một mình trong buồng tối và nóng bức, bé K. có dấu hiệu hoảng sợ.
K. được đưa ra an toàn sau thời gian bị mắc kẹt trong thang máy nóng bức (Ảnh: C. Minh/Dân trí)
Chỉ 15 phút kể từ khi được điều động đến hiện trường, lực lượng cứu hộ đã đưa được cháu bé ra ngoài an toàn, không làm hư hại thang máy.
Tại các công trình công cộng như các tòa nhà trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, chung cư,… thang máy thường có phân công nhân sự kỹ thuật phụ trách riêng, giám sát qua hệ thống camera, tiếp nhận cuộc gọi nội bộ từ thang máy, cuộc gọi khẩn cấp,… nhằm phát hiện sự cố thang máy và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, đối với thang máy gia đình, thường có ít người ở nhà và không có sự giám sát cũng như hiểu biết về kỹ thuật để ứng cứu kịp thời các sự cố thang máy khẩn cấp.
Do đó, việc xảy ra tình trạng kẹt thang máy do mất điện đột ngột hay do các lỗi kỹ thuật bất ngờ khiến giam người trong cabin mà không thể liên lạc với bên ngoài để tìm kiếm sự hỗ trợ là mối nguy hiểm khôn lường.
Dù sự cố thang máy tại Nghệ An nói trên xảy ra do nguyên nhân là mất điện đột ngột nhưng gia đình cũng cần liên hệ đơn vị kỹ thuật đến kiểm tra lại thang máy và bảo dưỡng, sửa chữa nếu cần thiết. Do theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế, thang máy được trang bị hệ thống tự cứu hộ (ARD – Automatic Rescue Device hoặc ERD – Elevator Rescue Device) cung cấp điện dự trữ cho hệ thống thang máy khi mất điện nhờ năng lượng dự trữ cho ác quy. Khi mất điện đột ngột, thiết bị tự cứu hộ này tự động cung cấp điện để đưa thang máy về tầng gần nhất và mở cửa cho người thoát ra ngoài. Tổng thời gian từ lúc mất điện cho đến lúc cửa mở ra chỉ ước chừng một phút và hệ thống ARD/ERD hoạt động trên một nguồn ắc quy dự phòng. Ngoài ra, đèn chiếu sáng khẩn cấp và quạt thông gió vẫn phải hoạt động khi mất điện nhờ hệ thống ắc quy dự phòng để tránh trạng thái hoảng sợ.
Thế nhưng trong tình huống này, thang máy bị mất điện đột ngột nhưng hệ thống tự cứu hộ này không hoạt động, đèn cũng không sáng. Do đó, cần kiểm tra lại hệ thống này và các thiết bị cứu hộ khác (như SRS – Self Rescue System với thang máy thủy lực) nếu có.
Đặc biệt, để đề phòng gặp sự cố thang máy mà không có người ở nhà phát hiện hay người bị kẹt thang không mang theo điện thoại để liên hệ ra ngoài, các gia đình sử dụng thang máy cũng nên trang bị thêm tính năng cuộc gọi khẩn cấp Emcall (Emegency Call) cho thang máy. Emcall có chức năng báo lỗi kỹ thuật về Trung tâm dịch vụ và chức năng liên hệ khẩn cấp.
Cụ thể, khi bị kẹt trong cabin, Emcall sẽ giúp người sử dụng lần lượt gọi đến 5 số điện thoại đã được lựa chọn theo ý muốn của người sử dụng, bao gồm điện thoại của trung tâm cứu hộ và người thân. Khi nhấn nút trong cabin, hệ thống sẽ tự động tuần tự liên lạc với các số điện thoại cho đến khi kết nối được với bên ngoài, người kẹt trong thang được cứu hộ.
Tính năng Emcall giải quyết nỗi lo sử dụng thang máy một mình
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong mùa nắng nóng, nguồn nhiên liệu thiếu ổn định như hiện nay, các gia đình có sử dụng thang máy cần lưu ý lịch cắt điện theo khu vực để dự phòng, dự kiến trong các khoảng thời gian có khả năng cắt điện thì tạm thời không sử dụng thang máy.
Các gia đình cũng có thể trang bị thêm máy phát điện hoặc nguồn dự trữ điện dự phòng khác đề phòng tình huống mất điện đột ngột, đáp ứng nhu cầu sử dụng các thiết bị khác trong gia đình và cả thang máy. Để thang máy có thể linh hoạt chuyển đổi nguồn điện từ nguồn định chính là điện lưới tòa nhà sang nguồn điện dự phòng từ máy phát điện, cần trang bị thêm thiết bị chuyển đổi nguồn điện ATS (Automactic Transfer Switch), thiết bị chuyên dùng để chuyển đổi nguồn tự động từ nguồn chính sang nguồn dự phòng khi nguồn chính có sự cố (mất pha, ngược pha, mất nguồn) và sẽ chuyển lại khi nguồn điện chính bình thường. ATS cũng có thể điều khiển chuyển nguồn bằng tay.
Đồng thời, việc bảo trì – bảo dưỡng thang máy cũng cần thực hiện định kỳ đúng theo quy định để đảm bảo các thiết bị an toàn của thang máy luôn sẵn sàng hoạt động trong tình huống bất thường. Sau mỗi lần bảo trì – bảo dưỡng thang máy, người dùng thang máy cũng cần kiểm tra các tình huống giả định mất điện để kiểm tra các tính năng an toàn ARD, đèn và quạt chiếu sáng khẩn cấp khi mất điện, hệ thống liên lạc Emcall, thiết bị điều chuyển nguồn điện ATS,…
Tin liên quan:
Nhiều người kẹt trong thang máy do máy phát điện chung cư phát cháy
Vũ Dương
Thông tin mới cập nhật