Đó là tình cảnh của cư dân ở khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội từ mấy năm nay khi canh cánh nỗi lo dịch COVID-19 lại thêm nỗi sợ khi phải sử dụng chiếc những thang máy tiểm ẩn nguy hiểm. Khu nhà này gồm 4 đơn nguyên 15 tầng thì có tổng số 5 trên 8 chiếc thang máy đã hết hạn kiểm định hơn 1 tháng, 1 chiếc bị hỏng hoàn toàn từ 3 tháng nay, chỉ có 2 chiếc thang máy còn hạn kiểm định. Những chiếc thang còn hoạt động thì khi chạy phát tiếng kêu to và rung lắc rất đáng sợ nhưng những người công nhân cùng người nhà của họ hàng ngày vẫn phải nén sự sợ hãi để sử dụng phương tiện tiềm ẩn nguy hiểm này.
Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh được đưa vào sử dụng từ năm 2007 trong đó có 4 tòa nhà 15 tầng gồm CT1A, CT1B, CT2 và CT3. Khu nhà được xây dựng với mục đích giảm khó khăn về nơi ăn ở, sinh hoạt cho đông đảo công nhân làm việc tại các khu công nghiệp lân cận nhưng hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có hệ thống thang máy.
Chị Tình nhà ở tầng 15 kể lại nỗi khổ đi thang máy
Thuê được căn hộ 48m2 ở tầng 15 của đơn nguyên CT1B, chị Hoàng Thị Tình đã về quê đón mẹ già lên trông nom, chăm sóc các con chị để vợ chồng yên tâm đi làm. Với mức thu nhập khiêm tốn của 2 vợ chồng, chị Tình phải đăng ký làm ca 3 để thêm chút thu nhập trang trải cho gia đình 6 người gồm 2 vợ chồng, 3 đứa con và bà mẹ già. Hai năm ở tầng 15 của căn nhà, chưa kịp vui mừng vì thuê được chỗ ở vừa ý, chị và gia đình đã thường trực nỗi lo đi bộ lên xuống 15 tầng khi 2 chiếc thang máy… thay nhau hỏng.
Đèn ở tầng 15 thường xuyên thế này
Trao đổi với PV Tạp chí Thang máy sáng 28/12, chị Tình chia sẻ, nhiều lần mẹ chị phải đi bộ từ tầng 15 xuống để đi chợ rồi đi lên, chồng chị cũng phải cõng các con đi thang bộ xuống dưới để đi học. Còn chị, có lần đi làm ca đêm về nhà lúc sáng sớm, thang máy bị hỏng khiến chị buộc phải đi bộ 15 tầng để lên nhà. Nỗi khổ của chị Tình cũng là nỗi khổ của hàng trăm hộ dân của đơn nguyên CT1B khi vào giờ đi làm và tan tầm phải xếp hàng, chen chúc trong chiếc thang máy chật chội.
Anh T cũng là cư dân tầng 15 của tòa nhà kể lại, cách đây khoảng 2 tuần, đang buổi trưa mọi người bỗng nghe tiếng thang hú và tiếng động mạnh rung chuyển, sau đó chiếc thang máy bị hỏng, không sử dụng được. Hỏi ra mới hay chiếc thang bị trôi tầng do bị hỏng linh kiện quan trọng là guốc dẫn hướng. Từ nhiều ngày nay, đèn báo trạng thái ở cửa tầng 15 luôn nhấp nháy, cùng với đó là đèn báo tầng ở trong cabin luôn sáng chữ số 15 và số 7 khiến người dùng nhiều khi không biết tầng nào để ra…
Bà Mão nhà ở tầng 14 kể lại vụ thang bị trôi tầng
Bà Nguyễn Thị Mão ở tầng 14 thì than thở, nhà ở tầng cao, không dùng thang máy không được mà dùng thì nơm nớp lo sợ vì khi lên xuống, thang máy tạo ra tiếng hú ghê sợ và rung lắc liên tục, lúc bước vào thang nếu không chú ý sẽ bị vấp vào thành cabin vì thành này cao hơn sàn khoảng 6cm. Bà cho biết, ở CT1B và các đơn nguyên nhà ở xã hội xung quanh đều có các hộ gia đình sinh sống, trong đó có rất nhiều người già, trẻ em… Nhu cầu dùng thang máy là rất lớn nhưng do thang hỏng liên tục đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nếp sống, sinh hoạt của người dân. “Sửa được chiếc này thì chiếc kia bị hỏng, dù đã ở đây 2 năm nhưng rất ít khi 2 thang hoạt động tốt cùng thời gian”, bà H nói. Được biết, tình trạng này đã được người dân phản ánh liên tục nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều công nhân thuê nhà ở đây đã buộc phải tìm thuê chỗ ở khác dù phải trả tiền cao hơn.
“Nói thật với anh, tôi cũng sợ khi đi thang máy ở nhà CT1B”, đó là chia sẻ của ông Trần Kim Cương, trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Thang máy sáng 29/12 tại văn phòng của Xí nghiệp ở Đông Anh. Ông Cương thừa nhận, rất khó khắc phục tình trạng thang bị hú, rung, lắc khi vận hành. “Tuy nhiên, tôi đảm bảo những chiếc thang vận hành an toàn tuyệt đối”, ông Cương nói.
PV Tạp chí Thang máy làm việc với đại diện Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội
Thế nhưng, khi tìm hiểu 4 đơn nguyên 15 tầng của khu nhà ở xã hội, PV nhận thấy ngoài 1 chiếc thang của nhà CT1B đã hỏng hoàn toàn, 5 chiếc khác đều đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn được người dân sử dụng và ban quản lý nhà không có bất cứ động thái cảnh báo nào đối với người dân. Đại diện ban quản lý nhà cho biết “Chúng tôi đã tham vấn ý kiến của bên kiểm định và họ cho biết dù hết kiểm định nhưng những chiếc thang vẫn có thể sử dụng an toàn (!?)”.
Tại Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, ông Nguyễn Lê Minh, trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật cho biết, công ty đã nhận được báo cáo về tình trạng xuống cấp của những chiếc thang ở khu vực nhà ở xã hội. Từ giữa năm 2020, công ty đã có báo cáo, lập kế hoạch sửa chữa, bảo trì gửi lên Sở Xây dựng và kế hoạch này đã được phê duyệt về chủ trương. Tuy nhiên, cho tới nay gần hết năm 2021 nhưng kế hoạch vẫn chưa thực hiện được.
Về quy mô sửa chữa hai chiếc thang của nhà CT1B, ông Trần Kim Cương cho biết, để phục hồi chiếc thang số 2 của đơn nguyên CT1B cần số tiền khoảng từ 500 – 600 triệu đồng, chiếc còn lại (đang vận hành) cũng cần sửa chữa, thay thế mất khoảng 300 triệu đồng. Theo các chuyên gia thang máy, với số tiền thay thế, sửa chữa như vậy, hai chiếc thang hỏng khá nặng và ngay cả chiếc thang đang hoạt động cũng khó đảm bảo các điều kiện vận hành.
Qua trao đổi với các cơ quan quản lý các tòa nhà xã hội, chúng tôi nhận thấy dường như họ chỉ báo cáo, lập kế hoạch và… chờ đợi cấp trên phê duyệt. Một trong những hạn chế của các cơ quan này là họ tuy được giao quản lý các khu nhưng không được giao kinh phí, không có quyền chi hoặc thực hiện các kế hoạch sửa chữa, bảo trì các căn nhà mà họ quản lý, dù là các hạng mục công việc khẩn cấp như thang máy hỏng, hỏng hệ thống nước, cứu hỏa,…
Tổng số 5 trên 8 chiếc thang máy đã hết hạn kiểm định hơn 1 tháng
Tình trạng của những chiếc thang máy tại khu nhà ở xã hội Đông Anh cũng tương tự như 26 chiếc thang tại các khu tái định cư Hoàng Mai mà Tạp chí thang máy đã phản ánh. Đó là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đa số thang không đủ điều kiện vận hành (đã hết hạn kiểm định). Ghi nhận tại các cơ quan quản lý trực tiếp là Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội và Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đều nắm rất rõ tình hình xuống cấp của các khu nhà, trong đó có các hạng mục cần sửa chữa khẩn cấp là các thang máy. Họ đã báo cáo, lập kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thay thế linh kiện… để các thang máy có thể đủ điều kiện vận hành an toàn. Nhưng tất cả đều vướng ở khâu phê duyệt tại Sở Xây dựng và các cơ quan khác của Thành phố Hà Nội.
Thực tế vào năm 2018, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 18/2018/QĐ-UBND, nêu rõ những hạng mục có thể “tiền trảm hậu tấu”, trong đó có hạng mục sửa chữa thang máy. Nhưng thực tế, tất cả các cơ quan quản lý trực tiếp các khu nhà xã hội, chung cư tái định cư đều phải làm theo quy trình thông thường tức là lập kế hoạch cho nhiều phần việc liên quan và chờ các cấp phê duyệt. Quy trình đó qua các cấp phê duyệt phải hàng năm trời. Trong khi đó, người dân hàng ngày phải đối mặt với nguy hiểm khi buộc phải dùng các phương tiện không đủ điều kiện vận hành.
Theo một chuyên gia kiểm định, một chiếc ô tô hết hạn kiểm định mà vẫn tham gia giao thông sẽ bị phạt rất nặng. Trong khi đó, những chiếc thang máy được xếp vào loại phương tiện cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện an toàn mặc dù hết hạn kiểm định nhưng vẫn được đưa vào sử dụng sẽ cực kỳ nguy hiểm đối với người sử dụng. Trong tình hình đó, người dân rất cần những cơ chế, chế tài thích hợp hơn từ các cơ quan có trách nhiệm để họ thoát khỏi tình trạng phải luôn đối diện với nguy hiểm khi sử dụng những chiếc thang máy không đủ điều kiện vận hành.
Lê Hùng - Thái Sơn
Thông tin mới cập nhật